Thông tư số 06 góp phần giảm “tín dụng đen” và hạ lãi suất cho vay

Minh Hoàng (NHNN)| 20/09/2023 06:58

Ngay từ khi ban hành, Thông tư số 06 đã phát đi tín hiệu và tác động tích cực đến thị trường tiền tệ, trong đó có hai điểm nổi bật là góp phần tích cực giảm “tín dụng đen” và hạ lãi suất cho vay nhằm tiếp tục bảo vệ quyền lợi của người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay.

Ngày 28/6/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (Thông tư số 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN (Thông tư số 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là TCTD) đối với khách hàng. Thông tư số 06 có hiệu lực từ ngày 01/9/2023, có nhiều quy định tác động tích cực đến thị trường tiền tệ như: Bước đầu quy định về cho vay bằng phương thức điện tử, bổ sung quy định về cho vay để trả nợ ngân hàng đối với các khoản vay tiêu dùng… và cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của các TCTD trong thực tiễn triển khai thực hiện Thông tư số 39 thời gian qua.

Ngay từ khi ban hành, Thông tư số 06 đã phát đi tín hiệu và tác động tích cực đến thị trường tiền tệ, trong đó có hai điểm nổi bật là góp phần tích cực giảm “tín dụng đen” và hạ lãi suất cho vay nhằm tiếp tục bảo vệ quyền lợi của người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay.


Bổ sung quy định về cho vay bằng phương thức điện tử, “tín dụng đen” sẽ giảm trong thời gian tới

“Tín dụng đen” là cụm từ được dùng để chỉ các hoạt động cho vay dân sự giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức với đặc trưng cơ bản nhất là mức lãi suất cao, bị pháp luật nghiêm cấm và để lại nhiều hệ quả xấu cho cá nhân và toàn xã hội. Theo các nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến “tín dụng đen”, xong các cơ quan quản lí nhà nước, chuyên gia đều thống nhất có hai nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng “tín dụng đen”, đó là: (i) Khách hàng có nhu cầu vốn hợp pháp nhưng còn ngại tiếp xúc kênh tín dụng chính thống do thủ tục vay vốn phức tạp, thời gian xử lí lâu nên tìm đến “tín dụng đen” vì có thủ tục cho vay đơn giản, thời gian xử lí cho vay rất nhanh; (ii) Nhu cầu vốn cho các hoạt động phi pháp, bị pháp luật nghiêm cấm như: Buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, kinh doanh hàng quốc cấm, cho vay nặng lãi. Thông tư số 06 được ban hành, đã tạo nên bước quan trọng khi cắt đi một nguyên nhân căn bản của “tín dụng đen”. Theo khảo sát, báo cáo của các cơ quan quản lí nhà nước, hầu hết các khoản “tín dụng đen” đều có giá trị ban đầu rất thấp chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng (hầu hết là dưới 100 triệu đồng).

Thông tư số 06 bổ sung nội dung “hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử”, đã tạo nên hành lang pháp lí để TCTD tiếp nhận, thẩm định, quyết định cho vay hoàn toàn bằng phương thức điện tử. Theo đó, TCTD sẽ được phép xem xét cấp tín dụng với nhu cầu vốn không quá 100 triệu đồng 24/7, quy trình hoàn toàn tự động, nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng.
Thông tư số 06 bổ sung nội dung “hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử”, đã tạo nên hành lang pháp lí để TCTD tiếp nhận, thẩm định, quyết định cho vay hoàn toàn bằng phương thức điện tử. (Nguồn Internet)

Đến đầu tháng 9/2023, nhiều TCTD đã chính thức triển khai việc cấp tín dụng hoàn toàn trên môi trường điện tử như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Bưu điện Liên Việt (LPBank), NHTMCP Quân đội (MB), NHTMCP Tiên Phong (TPBank), NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)… Theo đó, các sản phẩm tín dụng mới này đều được tự động hóa hoàn toàn trên môi trường số, khách hàng có thể gửi đề nghị vay vốn đến TCTD ở mọi nơi, mọi thời điểm. TCTD có thể ra quyết định cho vay chỉ sau vài phút đến vài giờ kể từ thời điểm khách hàng gửi đề nghị cho vay. Bên cạnh đó, hầu hết các TCTD đã ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một hoặc một số công việc trong hoạt động cấp tín dụng, hoạt động thẩm định… Do đó, quyết định cấp tín dụng đã rút ngắn đáng kể hoạt động quyết định cấp tín dụng. Theo khảo sát, thời gian TCTD quyết định cho vay chỉ từ 01 - 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của khách hàng. Nhiều nhu cầu vốn được thẩm định, quyết định, giải ngân ngay trong ngày khách hàng gửi đề nghị vay vốn (không bao gồm thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan/đơn vị có thẩm quyền như: Văn phòng công chứng, văn phòng đăng kí đất đai, các cơ quan giao dịch bảo đảm…).

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nhiều TCTD đã đẩy mạnh hoạt động cấp tín dụng tiêu dùng theo hình thức “thấu chi tài khoản - Overdraft”, là hình thức mà TCTD cho phép khách hàng sử dụng tiền ngay cả khi không có tiền hoặc sử dụng vượt quá số tiền hiện đang có trong tài khoản. TCTD sẽ chỉ tính lãi suất vay dựa trên số tiền thực tế mà khách hàng đã chi tiêu vượt mức. Đơn cử như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) xem xét cho vay thấu chi không bảo đảm tiền vay đến 800 triệu đồng/người trong thời gian tối đa 12 tháng với khách hàng cá nhân có thu nhập từ tiền lương; NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai cho vay thấu chi tối đa 500 triệu đồng/người cho khách hàng là cán bộ, công nhân viên các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước; NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho vay thấu chi không có tài sản đảm bảo tối đa 150 triệu đồng và không cần chứng minh thu nhập… Hình thức cho vay này được phát triển mạnh mẽ hơn do các TCTD đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ trong hoạt động cho vay trực tuyến không cần tài sản bảo đảm và cho vay thấu chi; các khâu xác thực, định danh, chấm điểm và sàng lọc khách hàng đã, đang và sẽ tiếp tục được tiến hành rất nhanh chóng. Việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng được nhanh chóng, thuận tiện hơn, khách hàng có thể sử dụng sản phẩm cho vay thấu chi như một khoản dự phòng cho các nhu cầu vốn bất ngờ, cấp bách.

Bổ sung quy định khách hàng được vay vốn để trả nợ tạo cạnh tranh, góp phần giảm lãi suất cho vay

Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06 đã sửa đổi Điều 8 của Thông tư số 39 về những nhu cầu vốn không được cho vay. Theo Thông tư số 06, khách hàng có thể vay tiền từ TCTD này để trả nợ các khoản vay tiêu dùng tại các TCTD khác (đây là nhu cầu vốn không được cho vay theo quy định tại Thông tư số 39). Theo các chuyên gia kinh tế và khách hàng vay, quy định này sẽ làm cho mặt bằng lãi suất cho vay có diễn biến giảm trong thời gian tới khi mà khách hàng có thể tìm đến những TCTD với lãi suất ưu đãi, chính sách sản phẩm phù hợp để vay vốn trả nợ các khoản vay hiện hữu.

Qua khảo sát thị trường, trong tháng 7 và tháng 8/2023 (sau khi Thông tư số 06 được ban hành ngày 28/6/2023), nhiều TCTD đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5% - 3%/năm so với trước khi có Thông tư số 06, đặc biệt là áp dụng đối với cả các khoản vay hiện hữu thay vì chỉ áp dụng đối với khoản vay mới như trước đây. Cụ thể: NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; Agribank triển khai chương trình tín dụng lên đến 25.000 tỉ đồng với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm đối với khách hàng xuất, nhập khẩu; NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) triển khai gói ưu đãi lãi suất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lên đến 15.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay với lãi suất ưu đãi mới từ 6,8%/năm…

Những ngày đầu tháng 9/2023 (thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Thông tư số 06), nhiều TCTD đã có các sản phẩm mới về cho vay để trả nợ TCTD khác với mức lãi suất ưu đãi đã tạo nên cuộc cạnh tranh về lãi suất cho vay và được kì vọng mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, có thể kể đến như: NHTMCPĐầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói tín dụng cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với lãi suất vay chỉ từ 6%/năm (khoản vay ngắn hạn) và 6,8%/năm (khoản vay trung, dài hạn); Vietcombank cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống tại ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 06 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu; Techcombank cho khách hàng chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm… Tất cả các sản phẩm này đều có mức lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 3%/năm so với đầu năm 2023 của chính các TCTD này.

Có thể khẳng định rằng, với việc khách hàng cá nhân được vay vốn từ TCTD này để trả nợ TCTD khác, các TCTD đã và sẽ có thêm các sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm tới mức hợp lí trong thời gian tới và được cả khách hàng cũng như TCTD chấp nhận. Theo thống kê của NHNN mới đây, tín dụng năm 2023 chỉ thực sự tăng trưởng trong tháng 7 và tháng 8. Thông tư số 06 đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng. Tín dụng tăng trưởng tốt sẽ thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Một số khuyến nghị chính sách

Để hoạt động tín dụng ngân hàng ngày càng mang lại lợi ích cho khách hàng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển, ngăn chặn, hạn chế và chấm dứt hoạt động “tín dụng đen”, bên cạnh các kết quả đã đạt được nêu trên, cần có thêm nhiều chính sách từ các cơ quan quản lí nhà nước. Một số khuyến nghị chính sách được đề xuất như sau:

Một là, giảm thiểu hơn nữa hoạt động “tín dụng đen”. Trước tiên, cần đồng bộ các giải pháp để toàn bộ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân được tiếp cận kênh tín dụng chính thức một cách dễ dàng. Các TCTD cần được khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thuế, bảo hiểm xã hội, quyền sử dụng đất… của người dân, doanh nghiệp); từ đó, có các mô hình, giải pháp chấm điểm tín dụng và mở rộng hơn nữa việc cấp tín dụng không phải bảo đảm tiền vay. Đồng thời, cần có thêm nhiều biện pháp đồng bộ để hạn chế, chấm dứt các nhu cầu vốn bất hợp pháp; các chính sách, quy định phải đủ mạnh để người dân, doanh nghiệp không dám và không thể thực hiện các nhu cầu vay vốn bất hợp pháp.

Hai là, NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền, phối hợp/đề xuất các cơ quan quản lí nhà nước ban hành theo thẩm quyền để hướng tới môi trường “cạnh tranh hoàn hảo” trên thị trường tiền tệ - ngân hàng, nơi khách hàng có thể tự do lựa chọn, tự do chuyển đổi việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ TCTD này sang TCTD khác với chi phí rẻ, hợp lí. Đồng thời, các chính sách cũng cần tạo động lực thúc đẩy các TCTD phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với chi phí rẻ, hợp lí để cung cấp cho khách hàng. Các chính sách được xây dựng, ban hành mới cần bảo đảm hài hòa lợi ích của khách hàng, của các TCTD và mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng.
2. Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
3. Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 của Thống đốc NHNN về ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN).
4. Một số bài viết liên quan đến “tín dụng đen” trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an, NHNN, Tạp chí Ngân hàng, Wikipedia…
5. Thông tin hoạt động trên trang tin điện tử của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính.


Minh Hoàng(NHNN)


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Thông tư số 06 góp phần giảm “tín dụng đen” và hạ lãi suất cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO