Giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025: Áp lực cuối năm

Nguyên Đức| 09/04/2025 09:22

Dù kinh tế quý I/2025 mới đạt mức tăng trưởng 6,93%, nhưng Chính phủ vẫn quyết giữ mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay cho dù đây là bài toán không dễ giải.

Làm hàng tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Đức Thanh

Quý I tăng trưởng 6,93%, áp lực cuối năm

Mức tăng trưởng 6,93% của quý I/2025 đã chính thức được công bố. Bình luận về con số này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã nói về những kết quả tích cực của nền kinh tế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

“Đây là mức tăng trưởng cao nhất của các quý I giai đoạn 2020-2025. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Không chỉ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nhiều địa phương trong cả nước cũng vui mừng trước tốc độ tăng trưởng của cả nước cũng như của từng địa phương.

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM, khi tham dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tăng trưởng GRDP quý I của TP.HCM đạt mức 7,51%, một mức tăng trưởng cao trong nhiều năm qua. “Kết quả tăng trưởng 3 tháng đầu năm sẽ tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong năm 2025”, ông Nguyễn Văn Được nói. Trong khi đó, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, quý I/2025, tăng trưởng GRDP của Hà Nội đạt 7,35%, vượt kịch bản đề ra (7,21%) và đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Khi chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ cũng vui mừng khi nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương đóng vai trò động lực đạt mức tăng trưởng cao. Thậm chí, có 9 địa phương tăng trưởng 2 con số, như Bắc Giang (tăng trưởng 13,82%), Hòa Bình (12,76%), Nam Định (11,86%), Đà Nẵng (11,36%), Lai Châu (11,32%), Hải Phòng (11,07%), Quảng Ninh (10,91%), Hải Dương (10,87%), Hà Nam (10,54%)…

Những kết quả này là rất tích cực. Tuy vậy, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thừa nhận, con số này chưa đạt kịch bản tăng trưởng năm 2025 là 8%, trong đó mục tiêu của quý I tăng trưởng 7,7%, đã đề ra. Hơn thế nữa, trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính khi “soi” tình hình thực hiện khoán tăng trưởng của các địa phương cũng cho biết, trong quý I/2025, chỉ có 26 địa phương đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GRDP theo kịch bản và có tới 37 địa phương không đạt. Đáng chú ý, trong số không đạt, có nhiều địa phương đóng vai trò động lực tăng trưởng. TP.HCM tiếp tục là một ví dụ điển hình.

Mặc dù đầu tàu kinh tế cả nước đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua, với 7,51%, nhưng lại thấp hơn kịch bản 1,03 điểm phần trăm. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có mức tăng trưởng GRDP thấp nhất, đạt 2,48%, thấp hơn 7,52 điểm phần trăm so với kịch bản. Nghệ An tăng trưởng 8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với kịch bản.

Tương tự, Thanh Hóa tăng trưởng 7,57%, thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với kịch bản. Hải Dương tăng trưởng 10,87%, thấp hơn 0,12 điểm phần trăm; Hải Phòng tăng trưởng 11,07%, thấp hơn 0,81 điểm phần trăm...

Nhưng vấn đề không chỉ là câu chuyện của quý I, mà theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, các động lực tăng trưởng năm 2025 có nguy cơ suy giảm, khiến mục tiêu tăng trưởng gặp thách thức nặng nề hơn.

“Nếu bị áp mức thuế 46% trên diện rộng, xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị tác động mạnh, lây lan ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, lao động việc làm trong nước…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng

Mức tăng trưởng 6,93% của quý I - không đạt kịch bản đề ra, đã khiến Bộ Tài chính phải cập nhật lại kịch bản tăng trưởng. Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2 điểm % so với kịch bản đề ra.

Đây là kịch bản rất thách thức. Tuy vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết tâm không thay đổi mục tiêu tăng trưởng, cả năm phải đạt trên 8%. Câu hỏi đặt ra là, liệu nền kinh tế Việt Nam có thể đạt được con số này?

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, thì 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2 điểm % so với kịch bản đề ra.

“Kịch bản này rất thách thức nhưng có lý do để chúng ta có thể đạt được”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nói.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng. “Ngay từ quý I, công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 9,28%. Trong quý II, công nghiệp chế biến, chế tạo cần tăng 10,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có nhiều giải pháp để khắc phục các chỉ tiêu đóng góp vào tăng trưởng chưa đạt yêu cầu như công nghiệp khai khoáng, sản xuất điện, khí đốt…”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.

Ngoài lĩnh vực này, theo Bộ Tài chính, cũng cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ, du lịch đang duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý I, còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy.

Nhưng quan trọng hơn cả, để thúc đẩy tăng trưởng, cần nỗ lực rất lớn của các địa phương. Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo 37 địa phương không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP theo kịch bản rà soát, đánh giá các khu vực không đạt mục tiêu tăng trưởng so với kịch bản quý I đã đề ra, trên cơ sở đó làm rõ các nguyên nhân, đề xuất giải pháp để thực hiện trong các tháng, quý còn lại của năm 2025.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương này phối hợp với Bộ để điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng GRDP và các khu vực cho các quý còn lại của năm 2025 trên cơ sở ước thực hiện của quý I, để bảo đảm đạt mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP.

Ông Nguyễn Văn Được cho biết, TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các dự án lớn, tồn đọng kéo dài; quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…; đồng thời tiếp tục thúc đẩy các động lực mới, như đẩy nhanh xây dựng trung tâm tài chính quốc tế...

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ khởi công hàng loạt dự án với tổng vốn hơn 100.000 tỷ đồng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành các công trình trọng điểm, phấn đấu đạt tăng trưởng trên 10% trong quý II”, ông Lê Trung Chinh nói.

Sự nỗ lực của các địa phương chắc chắn sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025: Áp lực cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO