Động lực cải cách và nhu cầu phải sống của doanh nghiệp - Bài 4: Cải cách cần bắt đầu từ “ai làm và làm thế nào”

Khánh An| 17/07/2023 10:49

Các động thái của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự mạnh mẽ trở lại của cải cách thể chế đang hiện hữu với hàng loạt giải pháp chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn tăng trưởng cũng như siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ.

Tác động tiêu cực và quá lớn, khó dự báo của các “cơn gió ngược” từ thị trường, cả quốc tế và trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp liêu xiêu, đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng chính lúc này, chỉ cần có những quyết định “vì nhu cầu phải sống” của doanh nghiệp, tình thế sẽ xoay chuyển rất nhanh.

Bài 4: Cải cách cần bắt đầu từ “ai làm và làm thế nào”

Các động thái của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự mạnh mẽ trở lại của cải cách thể chế đang hiện hữu với hàng loạt giải pháp chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn tăng trưởng cũng như siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ. Lúc này, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, nền kinh tế đang cần thấy rõ cách thức, lộ trình thực hiện và công việc, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

"Trong bối cảnh này, vấn đề cần quan tâm nhất vẫn là cải cách thể chế".          

Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, Thủ tướng đã nhắc tới việc sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đây không phải nghị quyết đầu tiên về vấn đề này, nhưng bổ sung, cập nhật các giải pháp phù hợp với tình hình mới. 

Sắp tới, khó khăn có thể nhiều hơn thuận lợi, nhất là trong bối cảnh thị trường đối mặt với yếu tố mới đe dọa sự cạnh tranh, song chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ. Trong bối cảnh này, vấn đề cần quan tâm nhất là cải cách thể chế. Cụ thể là giải quyết nhanh và dứt điểm những yếu tố đang trì hoãn sản xuất - kinh doanh; kiểm soát tốt việc ban hành các quy định mới, không làm tăng thêm chi phí cho sản xuất - kinh doanh...

Lúc này, có thể thử nghiệm hình thức hỗ trợ theo hướng nới lỏng một số quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho một số ngành, lĩnh vực, với địa chỉ và thời hạn cụ thể, để doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất - kinh doanh, như cho phép chủ đầu tưdự ánbất động sản mở bán khi chưa hoàn thành đầu tư hạ tầng.

Tôi muốn nhấn mạnh lại tinh thần triển khai các nghị quyết của Chính phủ giai đoạn Covid-19, đó là thực hiện rất nhanh, áp dụng theo hướng tự động, hạn chế xin - cho. Thời điểm này, chính sách càng sớm đến đối tượng thụ hưởng, thì tác động đến lợi ích càng lớn.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).

"Đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, thực hiện cải cách vì doanh nghiệp".        

Khi tiến hành nghiên cứu, nhận diện một số vấn đề về môi trường kinh doanh, chúng tôi nhìn thấy những xu thế đi ngược.

Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ có khoảng 40 văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh tới cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Các phiên họp Chính phủ hàng tháng luôn nhấn mạnh tới cải cách môi trường kinh doanh. Chính phủ cũng tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp.

Nhưng cải cách môi trường kinh doanh chậm, nhiều lĩnh vực không có chuyển biến, có lĩnh vực thì rào cản nặng nề hơn như phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm, xăng dầu... Có thể do thiếu sự giám sát của các bên trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong thời gian gần đây. Có doanh nghiệp gửi hồ sơ liên quan đến những khó khăn trong thủ tục đất đai, thuế tới cả gram giấy.

Cũng đang có xu hướng là, động lực cải cách của một số bộ, ngành suy giảm trong khi sự khôi phục quyền lực quản lý nhà nước ngày càng gia tăng. Ít khó khăn của các doanh nghiệp được giải quyết, sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn và niềm tin kinh doanh phần nào bị sụt giảm. Có thể vì vậy mà mức độ sẵn sàng chia sẻ các vấn đề và đóng góp chính sách của cộng đồng doanh nghiệp cũng giảm dần.

Đây là lý do chúng tôi đề xuất khôi phục lại nghị quyết riêng về môi trường kinh doanh, để thúc đẩy nỗ lực cải cách kinh doanh, nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi, trong đó đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, thực hiện cải cách vì doanh nghiệp.

Trước mắt, kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/2022/NQ-CP và Nghị quyết số 01/2023/NQ-CP. Từ đó, kiến nghị các phương án gồm: thu hẹp phạm vi của một số ngành nghề; đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn; đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc mục tiêu quản lý không rõ ràng…

Đề nghị các bộ, ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, phát huy vai trò của các cơ quan nghiên cứu, đánh giá độc lập. Chúng tôi cũng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan phản ánh kịp thời các vấn đề, bất cập và đề xuất giải pháp, kiến nghị.

TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế.

"Giải quyết cơ bản tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm của công chức".

Để lấy lại niềm tin của thị trường, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư với việc hoạch định chính sách, pháp luật và quản lý, điều hành của Chính phủ, tôi có một số đề xuất.

Một là, hạn chế tối đa ban hành chỉ thị, công văn trong chỉ đạo, điều hành. Chỉ thị chỉ ban hành khi vụ việc cần giải quyết đã xác định rõ “phải làm gì, làm thế nào”, có nguy cơ chậm tiến độ, cần chỉ thị để thúc tiến độ.

Hai là, hạn chế ngay thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Ba là, không sửa đổi nghị định, thông tư một cách đột ngột và giật cục, làm gián đoạn, đứt gãy hoạt động đầu tư kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Hạn chế và tiến tới tuyệt đối không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.

Bốn là, giải quyết dứt điểm một số vấn đề gây bức xúc xã hội, đang cản trở, gây bất lợi lớn đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, như các quy chuẩn về an toàn cháy bất hợp lý.

Đặc biệt, giải quyết cơ bản tình trạng “sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm, không muốn làm” của công chức.

Giải pháp trong nhiệm kỳ này là lập tổ công tác độc lập gồm các chuyên gia pháp lý, kinh tế có trình độ chuyên môn cao, có uy tín, đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Thường trực Ban Bí thư, thực hiện nghiên cứu, xây dựng đề án giải quyết các nhóm vấn đề làm khó cho thực thi.

Đó là các vấn đề thực tiễn phát sinh, nhưng pháp luật chưa quy định; những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa các luật và quy định có liên quan; các vấn đề đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau; vấn đề đã có quy định, nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn.

Tôi đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về các định hướng, giải pháp xử lý các vấn đề trên ngay trong năm 2023.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

"Doanh nghiệp cần biết rõ các bộ, ngành cải cách những gì và làm thế nào".   

Ít có giai đoạn nào nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị gặp chúng tôi như hiện nay để nói về khó khăn. Nhưng họ không đến để chia sẻ khó khăn về thị trường, về đơn hàng, mà nói về khó khăn từ chính sách. Chính từ ý kiến của các doanh nghiệp, chúng tôi nhận diện, đang có sự không đồng nhất giữa mục tiêu chính sách và thực hiện chính sách.

Ví dụ, Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục xem xét hạ lãi suất cho vay, tăng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước phải rất vất vả để thực hiện. Nhưng cùng thời điểm, tình trạng vốn của doanh nghiệp đọng trong các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng rất lớn. Doanh nghiệp ngành gỗ, tinh bột sắn, sản xuất hàng xuất khẩu đều kêu về tình trạng này, với số tiền rất lớn.

Có doanh nghiệp nói với chúng tôi, mấy tháng rồi họ phải dừng xuất hàng, vì vốn đọng quá lớn do chưa được hoàn thuế, nên thiếu dòng tiền. Trước đó, doanh nghiệp này thường xuất khoảng 420 tỷ đồng/tháng - con số không hề nhỏ.

Hay như các doanh nghiệp tham gia Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi nói rằng, họ cứ nghĩ lúc khó khăn, được mời đến để thảo luận về việc giảm thuế, nhưng hóa ra là tăng thuế, do nhiều ngành hàng được bổ sung vào Dự thảo. Việc áp dụng định mức tái chế vào đầu năm tới cũng vậy, đúng thời điểm doanh nghiệp khó khăn nhất, sẽ đẩy chi phí hoạt động lên cao...

Doanh nghiệp đặt vấn đề với chúng tôi rằng, tại sao cùng là cơ quan nhà nước mà đưa ra những thông điệp trái ngược nhau. Vì vậy, mặc dù Chính phủ nói nhiều về mục tiêu cải cách, nhưng doanh nghiệp cần biết rõ cách thức, lộ trình thực hiện cải cách, các bộ, ngành cải cách những gì và làm thế nào.

Xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ làm rõ nguyên tắc “kiên quyết chỉ ban hành và duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết, với chi phí tuân thủ thấp”, giao rõ nhiệm vụ “rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân”,

xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để phản ứng chính sách kịp thời trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Cùng với đó, Thủ tướng giao trực tiếp các nhiệm vụ cụ thể tới các vị bộ trưởng của nhiều bộ, như Công thương, Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường...
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Động lực cải cách và nhu cầu phải sống của doanh nghiệp - Bài 4: Cải cách cần bắt đầu từ “ai làm và làm thế nào”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO