Động lực cải cách và nhu cầu phải sống của doanh nghiệp - Bài 1: Khó khăn nói ra được chỉ là bề nổi

Khánh An| 12/07/2023 07:14

Tác động tiêu cực, quá lớn, khó dự báo của các “cơn gió ngược” từ thị trường đang khiến nhiều doanh nghiệp liêu xiêu. Nhưng tình thế có thể sẽ sớm xoay chuyển nếu những quyết định “vì nhu cầu phải sống” của doanh nghiệp được đưa ra vào chính lúc này.

Tác động tiêu cực và quá lớn, khó dự báo của các “cơn gió ngược” từ thị trường, cả quốc tế và trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp liêu xiêu, đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng chính lúc này, chỉ cần có những quyết định “vì nhu cầu phải sống” của doanh nghiệp, tình thế sẽ xoay chuyển rất nhanh.

Chưa bao giờ, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay và cũng chưa bao giờ lại khó nhận diện các khó khăn đến vậy. Trong ảnh: Sản xuất thép xây dựng tại nhà máy của Tập đoàn Hoà Phát. Ảnh: Đức Thanh 

Bài 1: Khó khăn nói ra được chỉ là bề nổi

Nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp rất khó nói, khó nhận diện.

Tại sao lại làm khó vào lúc này

“Chúng tôi xin phép vì không thể nói ngắn được. Khi biết có cuộc họp này, các doanh nghiệp đã gửi đến rất nhiều ý kiến, yêu cầu chúng tôi phải chuyển tới các cơ quan nhà nước. Đã hai năm rồi mới có cuộc hội thảo bàn sâu về nội dung này”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trần tình, khi được Chủ tọa đề nghị nói ngắn gọn.

Không khí Hội thảo bàn về tháo gỡ rào cản điều kiện kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội nóng hơn cả thời tiết trưa hè ở Thủ đô, với những đề nghị phát biểu dường như không dứt.

Ông Nam chia sẻ, kể từ khi dịch bệnh, khi các khó khăn về dòng tiền, đơn hàng, về đứt gãy nổi lên, doanh nghiệp có rất ít cơ hội để trình bày kỹ càng, rõ ràng về những vướng mắc trong các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh…, cũng như các loại công văn, giấy tờ, khiến nhiều vướng mắc dù được đề cập, nhưng không được giải quyết.

“Nhiều quy định đẩy doanh nghiệp vào tình trạng “chắc chắn sẽ vi phạm”, như Quyết định 490/QĐ-BHXH sửa đổi quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… vừa có hiệu lực vào đầu tháng 4/2023 yêu cầu thời gian nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng”, ông Nam bức xúc trình bày một phần rất nhỏ trong số các vấn đề mà VASEP liệt kê trong 7 trang ý kiến, chưa kể phụ lục các điều khoản cụ thể có liên quan.

Theo Điều 122, Luật Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp được kê khai nộp trong vòng 30 ngày không bị phạt. Quy định này phù hợp với các công tác lao động - tiền lương của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, thường kết thúc vào cuối tháng, sau khi đối chiếu với khối lượng công việc trong tháng. Nhưng với quy định mới, nếu doanh nghiệp không nộp đúng vào ngày cuối tháng, sẽ bị liệt vào danh sách chậm nộp, sẽ bị phạt.

“Chúng tôi không hiểu tại sao phải thay đổi, lại làm khó, làm khổ thêm doanh nghiệp vào chính lúc này, dù pháp luật vẫn thế? Với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, chỉ cần nghe phong thanh có vi phạm, dù vì bất kỳ lý do gì, đối tác có thể dừng đơn hàng ngay lập tức”, ông Nam đặt câu hỏi.

Đó cũng là câu hỏi được ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu lên, với lo ngại rất lớn về khả năng đứt gãy hoạt động vận tải hàng hóa quá cảnh.

Ông cho biết, vài tháng gần đây, cơ quan hải quan cửa khẩu thường xuyên kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh, cho dù hàng hóa được vận chuyển theo hình thức này không phải hàng cấm, không được tiêu thụ trong thị trường nội địa, phương tiện vận chuyển đi đúng tuyến đường và đi đúng thời gian quy định. Đáng nói là, khi ra quyết định xử phạt hành chính với doanh nghiệp vận tải, cơ quan hải quan thường áp dụng lý do khai sai so với quy định và có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

“Chúng tôi có giải thích với cơ quan hải quan là doanh nghiệp vận tải hàng hóa quá cảnh không thể can thiệp vào hàng hóa trong các container có niêm phong của chủ hàng nước ngoài. Các container này cũng có kẹp chì niêm phong, gắn định vị của cơ quan hải quan cửa khẩu nhập. Nhưng khi kiểm tra, cơ quan hải quan không sử dụng thiết bị công nghệ, máy móc soi chiếu mà kiểm tra thủ công bằng cách rạch bao bì hàng hóa, khiến doanh nghiệp bị vi phạm yêu cầu về niêm phong của chủ hàng nước ngoài”, ông Quyền bức xúc kể khi gửi văn bản kiến nghị bổ sung các vướng mắc tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trước đó, đầu tháng 6/2023, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã gửi văn bản dài 9 trang nêu các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp do các quy định chưa phù hợp, thiếu thực tiễn trong hàng loạt văn bản liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô, hoạt động vận tải siêu trường, siêu trọng; trong đào tạo, sát hạch lái xe…

Đây không phải lần đầu tiên, các đề xuất này được Hiệp hội tập hợp và gửi đi.

Vô vàn điều khó hiểu

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM không ngại đặt chuyến bay sáng sớm từ TP.HCM ra Hà Nội, để trực tiếp gửi kiến nghị của Hội tới lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị giải quyết vướng mắc ngay trong quý III/2023.

“Chúng tôi buộc phải đưa lại vấn đề đã nêu ra 5 năm nay, Chính phủ đã có chỉ đạo sửa đổi rồi, nhưng đến giờ, văn bản đó chưa được sửa đổi. Chúng tôi đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Câu hỏi là, chúng tôi có đang vi phạm pháp luật không?”, bà Chi đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.

Vấn đề mà bà Chi nhắc đến từng là cuộc tranh luận dai dẳng, kéo dài từ năm 2016, khi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được ban hành. Theo đó, các doanh nghiệp phải bổ sung

i-ốt vào muối và bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, yêu cầu này không đúng với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không phù hợp với thông lệ quốc tế, yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu… Sau 2 năm với rất nhiều cuộc làm việc giữa các bên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nghị định này theo hướng bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” và thay vào đó là cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng, đưa vào nội dung Nghị quyết 19-2018/NQ-CP.

“Từ đó đến nay, năm nào chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, để an tâm là làm đúng quy định, nhưng chưa thấy Bộ Y tế triển khai. Thậm chí, bộ này còn đang lấy ý kiến các bên liên quan và đề xuất Chính phủ chỉ đạo đi ngược với Nghị quyết 19-2018/NQ-CP”, bà Chi bức xúc.

Cũng phải nói thêm, về vấn đề này, đầu tháng 3/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016/NĐ-CP theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2018/NQ-CP. Khi đó, bà Chi tâm sự, các doanh nghiệp mừng vì tin là mọi việc sẽ sớm được giải quyết, vì Chính phủ rất quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp.

Khoảng cách giữa chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện của bộ máy thực thi khiến việc nhận diện đúng khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt trở thành thách thức trong giải quyết.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tiếp tục nhắc tới các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến sửa đổi Thông tư 06/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, với nhiều lo ngại.

“Việc sửa đổi là cần thiết, nhưng chúng tôi muốn nhắc đến thực tế là 3 năm liền, năm nào Bộ Xây dựng cũng sửa quy chuẩn này, khiến doanh nghiệp chưa kịp tuân thủ thì đã thành vi phạm. Có cơ quan quản lý nào lưu tâm đến việc này chưa?”, ông Hiệp nói.

Câu trả lời dường như đã rõ khi hàng ngàn nhà xưởng xây mới hoặc cải tạo, nhưng không thể đưa vào hoạt động do không đáp ứng kịp sự thay đổi của chính sách, không thể kiểm định, cấp phép phòng cháy, chữa cháy. Nhiều doanh nghiệp bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động…

Khó khăn nói ra được chỉ là bề nổi

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nam thẳng thắn, nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp rất khó nói, khó nhận diện.

Nếu nhìn sâu vào cách ứng xử với các kiến nghị về các khó khăn này của các cấp thực thi, nhìn vào khoảng cách giữa sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và xu hướng thực thi có phần khắt khe, khó khăn hơn, thì khó khăn mà doanh nghiệp chia sẻ với báo chí chỉ là phần nổi của tảng băng.

Đây là lý do mà ông Nam buộc phải đề xuất rằng, trong lúc này, nếu các cơ quan quản lý không gỡ được những khó khăn mà doanh nghiệp đề đạt, chưa tạo được thuận lợi hơn, thì đừng bổ sung, thay đổi, ban hành thêm quy định, quy trình gì cả. Đó cũng là giải pháp để doanh nghiệp đỡ khó, đỡ khổ.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Động lực cải cách và nhu cầu phải sống của doanh nghiệp - Bài 1: Khó khăn nói ra được chỉ là bề nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO