Doanh nghiệp logistics loay hoay tìm đối tác công nghệ

Thu An| 07/07/2022 09:05

DNVN - Hầu hết các doanh nghiệp (DN) logistics đều đánh giá cao ảnh hưởng của chuyển đổi số (CĐS) đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, không ít DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa trong ngành này hiện vẫn đang loay hoay tìm kiếm đối tác cung cấp giải pháp công nghệ để CĐS hiệu quả.

Tích cực chuyển đổi số

Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề "Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mới đây, CĐS ngành logistics có ý nghĩa quan trọng bởi đây là trong những ngành mũi nhọn của lĩnh vực dịch vụ cũng như nền kinh tế.

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Vân Hà - Khoa Vận tải Kinh tế (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho biết: Các DN cung cấp dịch giao nhận, vận tải đang tích cực thực hiện CĐS bằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ logistics và tìm cách hạ thấp chi phí. Từ đó nâng cao một bước năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các nhà xuất nhập khẩu trong và sau dịch COVID-19.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI), có 38,24% DN logistics cho rằng, COVID-19 đã hình thành nhu cầu CĐS và 42,65% DN cho rằng tác động của đại dịch đã làm thay đổi nhu cầu của khách hàng. Có 44,74% DN cho biết có sự tương thích về công nghệ giữa DN của mình và các đối tác trong chuỗi dịch vụ logistics.

Doanh nghiệp loay hoay

Cũng theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022, DN gặp một số rào cản và vấn đề khó khăn. Đó là thiếu nhận thức về vai trò của CĐS; hạ tầng giao thông vận tải chưa hoàn thiện. Rủi ro khi triển khai công nghệ trong khi chi phí đầu tư CĐS cao. Thiếu nguồn lực đầu tư; thiếu sự phối hợp và cộng tác, chia sẻ; thiếu năng lực CĐS và nhân lực có trình độ công nghệ thấp... tác động không nhỏ đến tiến trình này.

Doanh nghiệp logistics đối mặt nhiều khó khăn trong tiến trình chuyển đổi số (Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp logistics đối mặt nhiều khó khăn trong tiến trình chuyển đổi số (Ảnh minh họa).

Kết quả khảo sát của VLI cho thấy, 42,11% DN chia sẻ nguyên nhân của việc chậm CĐS là do kinh phí hạn hẹp và nhân lực hạn chế, cũng như chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp.

Trong khi đó, 28,95% DN băn khoăn không biết nên dành kinh phí đầu tư như thế nào cho phù hợp và nên khởi đầu như thế nào trong quá trình CĐS.

Ngoài ra, gần 16% DN bày tỏ việc chuyển đổi lượng thông tin hiện hữu với khối lượng khổng lồ lên nền tảng số cũng là trở ngại.

Từ trải nghiệm thực tế với những rào cản, thách thức mà bản thân DN gặp phải trong tiến trình CĐS, bà Lê Thanh Loan - Giám đốc Công ty TNHH Gatelink Việt Nam cho biết: Thách thức đầu tiên mà DN gặp phải là tư duy nhận thức, và cách thức tiếp cận của người đứng đầu DN đối với vai trò của CĐS.Chủ DN có thể loay hoay không biết áp dụng cái gì, bắt đầu từ đâu và đầu tư bao nhiêu kinh phí cho tiến trình CĐS? DN mất bao nhiêu tiền đầu tư vào giải pháp, sau đó cử người đi học ra sao để quay về và áp dụng thành thạo trên toàn bộ hệ thống. Đây là thách thức không hề nhỏ.

Vấn đề thứ hai, không có sự thay đổi nào mà không đòi hỏi tài chính. Đối với các công ty toàn cầu, họ có tiềm lực tài chính rất mạnh nên đầu tư của họ là giải pháp đầu cuối/toàn diện. Nhưng đối với 90% DN logistics còn lại là những DN nhỏ và vừa sẽ rất khó tiếp cận những giải pháp đắt đỏ. Nếu không tính toán kỹ càng sẽ không thể có mức giá cạnh tranh.

Ngoài ra, thách thức về chuyên môn và công nghệ cũng khiến chủ DN "đau đầu". DN luôn loay hoay với bài toán nên mua giải pháp hay tự tìm đối tác công nghệ có khả năng cùng DN đồng hành phát triển phần mềm phù hợp với DN, phù hợp với khách hàng mà DN đang theo đuổi hay không?

Về môi trường và điều kiện để kết nối DN logistics và DN cung cấp giải pháp, công nghệ, không ít DN phải tự mày mò tìm kiếm, tìm hiểu các đối tác có thể giúp họ cung ứng giải pháp công nghệ. Đây là những khó khăn trên thực tế khiến hoạt động CĐS đạt tỷ lệ thấp.

"Sau khi thất bại với việc tự phát triển phần mềm do DN đối tác về công nghệ bỏ cuộc vì không đủ kiên nhẫn và kiến thức về logistics, chúng tôi quay sang tìm những giải pháp phần mềm có sẵn trên thị trường nhưng vẫn đang mất rất nhiều thời gian cho việc điều chỉnh, bổ sung để sản phẩm này có thể thực sự phù hợp với những đòi hỏi đặc thù trong hoạt động của DN. Do đó, chúng tôi rất mong có sự đồng hành từ đối tác cung ứng giải pháp công nghệ với điều kiện, họ thực sự am hiểu, thậm chí là chuyên gia trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng", Giám đốc Gatelink chia sẻ.

Đẩy mạnh liên kết với DN công nghệ

Nhóm tác giả Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 nhận định, Việt Nam tiếp tục đà phục hồi kinh tế khi các chỉ số kinh tế - xã hội quý I/2022 đều cho thấy sự tăng trưởng. Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử sẽ vẫn là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy CĐS trong ngành dịch vụ logistics. Logistics là ngành đang có dấu hiệu phục hồi tốt, vẫn được nhận định là “điểm sáng” và sẽ còn triển vọng tăng trưởng cao trong những năm tới.

Với những phân tích về triển vọng cùng những khó khăn, thách thức của ngành, nhóm nghiên cứu Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách về chuyển đổi số trong ngành dịch vụ logistics.

Đầu tư, phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng dữ liệu. Tăng cường ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp dịch vụ logistics. Tái cấu trúc ngành dịch vụ logistics, trong đó thúc đẩy sự phát triển các loại hình logistics (3PL, 4PL, 5PL..). Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thích nghi với toàn cầu hóa và chuyển đổi số.

Áp dụng rộng rãi quản trị chuỗi cung ứng, quản trị logistics trong các DN thuộc mọi thành phần, khuyến khích thuê ngoài logistics.

Bà Lê Thanh Loan - Giám đốc Công ty TNHH Gatelink Việt Nam cho biết, doanh nghiệp phải loay hoay trong việc tìm kiếm đối tác cung cấp giải pháp công nghệ.

Bà Lê Thanh Loan - Giám đốc Công ty TNHH Gatelink Việt Nam cho biết, doanh nghiệp phải loay hoay trong việc tìm kiếm đối tác cung cấp giải pháp công nghệ.

Ở góc độ DN, bà Lê Thanh Loan đề xuất: Cần có các hướng dẫn, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành về CĐS. Tư vấn các nhóm giải pháp đồng bộ về áp dụng công nghệ CĐS đối với các ngành và dịch vụ hỗ trợ, qua đó giúp DN có cơ sở hiểu biết hơn và quyết định chính xác việc DN cần làm.

DN rất cần sự tư vấn hỗ trợ từ nhiều mảng như tư vấn pháp lý, tài chính kế toán, marketing, công nghệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy độ tiếp cận của DN công nghệ đến với bản thân Gatelink và các DN logistics nói chung là ít nhất. Do đó cần tạo điều kiện đẩy mạnh tính liên kết giữa các hiệp hội ngành nghề, cụ thể ở đây là kết nối hiệp hội các DN công nghệ và các DN logistics.

"Đây là bài toán không dễ giải. Sự liên kết, kết nối và sự hiểu biết của các DN cung cấp giải pháp công nghệ để giúp DN hoàn thiện phần mềm hay hệ thống quản lý chuỗi cung ứng còn rất hạn chế. Chúng tôi cần sự đồng hành của những đối tác hiểu về logistics để tự phát triển phần mềm", bà Lê Thanh Loan - Giám đốc Công ty TNHH Gatelink Việt Nam.
Bài liên quan
  • Cơ hội phát triển ngân hàng số từ fintech
    Trong nền kinh tế số, nhiều mô hình kinh doanh mới sẽ ra đời, tồn tại song song để cạnh tranh, hỗ trợ hoặc thậm chí xóa sổ những mô hình kinh doanh truyền thống, dựa trên những ưu thế về chi phí, hiệu quả, hiệu lực và trải nghiệm khách hàng vượt trội nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp logistics loay hoay tìm đối tác công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO