Phát triển bền vững mỗi quốc gia đã hình thành từ những phát triển bền vững của từng DN - tế bào của nền kinh tế, thì quá trình chuyển đổi số có lẽ cũng phải có bước đi như vậy.
Làm gì để hiện thực hoá giấc mơ?
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31-3-2022, đã đặt mục tiêu mỗi người dân là doanh nhân số, mỗi hộ sản xuất kinh doanh là doanh nghiệp (DN) số, để đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP. Mục tiêu khả thi, tầm nhìn, chủ trương, định hướng đã rõ ràng, còn lại hành động cụ thể để hiện thực hóa giấc mơ đó.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị/địa kinh tế ở khu vực cũng như trên toàn cầu đang diễn ra gay gắt, khốc liệt, các quốc gia ứng phó, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng đến bất ngờ đó là những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.
Những câu chuyện như trừng phạt kinh tế, cấm vận, bắt giữ tài sản, đóng băng tiền gửi… giữa các quốc gia vẫn khó tránh khỏi, khi mỗi quốc gia đều đặt lợi ích quốc gia, dân tộc của mình lên cao nhất.
Do vậy, thực hiện được tầm nhìn của Đảng và Nhà nước khi xác định chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng với 3 trụ cột là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, để kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới, rất cần có nhận thức chung và nỗ lực vượt bậc của toàn xã hội, trong đó khung khổ chính sách, pháp luật là điều kiện tiên quyết và phải đi trước một bước.
Trong xu thế phát triển và thay đổi chóng mặt của khoa học công nghệ (KHCN), nhiều cái hôm qua mới là ý tưởng hôm nay đã trở thành hiện thực. Cho nên có quy định của pháp luật hôm nay đúng, ngày mai có thể lạc hậu với thực tiễn và vô tình đã kìm hãm, cản trở sự phát triển của nền kinh tế, của xã hội.
Chính phủ đã có nhiều cố gắng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách với 5 quyết định về chuyển đổi số. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống khung khổ pháp luật điều chỉnh quan hệ của các chủ thể tham gia quá trình chuyển đổi số, như các luật về giao dịch điện tử, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, tiếp cận thông tin, an ninh mạng…Từ đó, khắc phục những tồn tại, bất cập, thiếu đồng bộ do các quy định không theo kịp với tốc độ phát triển của KHCN mới và tiến trình chuyển đổi số nhanh chóng của nền kinh tế, dẫn tới giữa quy định pháp luật với việc thực thi pháp luật trong thực tế còn có những khoảng cách nhất định.
Chẳng hạn như việc quản lý thuế trong kinh tế chia sẻ, thương mại, dịch vụ xuyên biên giới trên nền tảng internet… hay vấn đề quản lý thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số.
Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để khuyến khích đầu tư vào kinh tế số, phát triển kinh tế số nhằm tăng quy mô, tiềm lực và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Thí dụ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) đối với DN công nghệ tài chính (fintech), khi cho phép thành lập các neo-bank để phục vụ cho người dân - các tế bào của xã hội số theo hướng tài chính toàn diện, mọi người dân và DN được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện với chi phí hợp lý, chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, DNNVV, DN siêu nhỏ.
Phải chủ động về công nghệ
Phát triển bền vững mỗi quốc gia đã hình thành từ những phát triển bền vững của từng DN - tế bào của nền kinh tế, thì quá trình chuyển đổi số có lẽ cũng phải có bước đi như vậy.
Kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển nhanh, nhất là trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, viễn thông, sản xuất máy tính và đồ điện tử, dịch vụ công nghệ thông tin, thương mại điện tử, logistics, truyền thông đa phương tiện... đang thay đổi hàng ngày cuộc sống của người dân. Một cái nhấp chuột máy tính hay một thao tác trên điện thoại di động là bạn có thể tự đáp ứng nhu cầu của mình. Tất cả nhờ những thành tựu vượt bậc của KHCN.
Chuyển đổi số DN phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị sẽ dẫn tới số hóa các lĩnh vực, ngành kinh tế để mang lại hiệu quả hoạt động, năng suất lao động và các cơ hội tăng trưởng mới, tăng cường năng lực cạnh tranh, khả năng chống chọi và ứng phó trước những biến động của thị trường trong nước và quốc tế của từng DN, ngành hay lĩnh vực kinh tế.
Theo Statista, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ của Việt Nam được dự báo tăng 300% từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD năm 2025, khi có tới 58% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm trên nền tảng TMĐT, 53% thừa nhận mua hàng trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống.
Quốc hội điện tử, Chính phủ điện tử cũng đang ngày một hoàn thiện, phát huy tác dụng giúp các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ không bị gián đoạn trong cả những thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh.
Việt Nam hoàn toàn không thua kém các nước trong khu vực về triển khai, ứng dụng công nghệ cao, nhưng có thể đang đi chậm hơn trong nghiên cứu cơ bản, sáng tạo công nghệ. Toàn cầu hóa sâu rộng song hành cùng cạnh tranh gay gắt về địa chính trị, địa kinh tế, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số sâu rộng đang diễn ra, đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải lường trước được để bảo đảm an ninh kinh tế và định hướng tự chủ, tự lập, tự cường của nền kinh tế.
Do đó, tiến tới chủ động về công nghệ là vấn đề lớn của cả nền kinh tế cũng như từng DN, trong quá trình từ tiếp nhận chuyển giao đến nghiên cứu, sáng tạo công nghệ.
Tính đến tháng 2-2022 đã có 65.329 DN công nghệ số được thành lập; doanh thu kinh tế số quý I đạt khoảng 53 tỷ USD, trong đó kinh tế số nền tảng tăng trưởng 28% đạt 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành với tốc độ tăng doanh thu khoảng 15%.