Đề xuất nhiều cơ chế, tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Anh Nhi| 27/09/2023 10:01

Bó buộc trong “chiếc áo” cơ chế khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả và rất khó khăn…

Chia sẻ tại tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” ngày 26/9, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết dù đang nắm giữ khối tài sản “khủng” nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động không hiệu quả.

“ĐẦU VÀO” THỊ TRƯỜNG, “ĐẦU RA” LẠI HÀNH CHÍNH

Dẫn câu chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng gần đây, ông Kiên cho rằng EVN lỗ vì “chi phí đầu vào tính theo giá thị trường nhưng đầu ra lại theo cơ chế hành chính”.

“Bốn năm qua, EVN mới tăng giá điện khoảng 3%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng lạm phát cũng như chi phí đầu vào trong khoảng thời gian này. Trong khi đó, doanh nghiệp phải thực hiện giảm giá điện nhằm hỗ trợ người dân trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng như bán điện dưới giá thành để đảm bảo cung ứng điện, đảm bảo an sinh xã hội cho cả vùng sâu vùng xa”, ông Kiên nói.

Cũng bởi tập đoàn được Đảng, Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ đa mục tiêu, ngoài nhiệm vụ kinh doanh lỗ lại còn thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội nên theo ông Kiên, doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động.

Bổ sung thêm ý kiến, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng không riêng EVN mà rất nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng đang bị bó chặt trong “chiếc áo” cơ chế.

“Chúng ta rất muốn có nhiều doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt tăng trưởng nhưng nhìn lại thời gian qua, những lĩnh vực chúng ta nghĩ để Nhà nước can thiệp sẽ tốt thì những lĩnh vực đó chúng ta lại thất bại. Do vậy, chúng ta cần nhìn lại để có giải pháp nhằm cởi bỏ “chiếc áo” cơ chế thiếu linh hoạt, không phù hợp với thực tiễn của thị trường”, ông Thành nêu quan điểm.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm ngày 26/9/2023.
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm ngày 26/9/2023.

Từ thực tế thiếu hiệu quả của khu vực doanh nghiệp, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: “Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn”.

CHO PHÉP ÁP DỤNG CƠ CHẾ ĐIỀU CHUYỂN VỐN

Trao đổi tại tọa đàm, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban là mô hình mới, đặc thù và chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Vì vậy, thời gian qua, Ủy ban gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do có mô hình nhưng không có chung “tiếng nói” với các bộ ngành khác.

“Nhiều vấn đề ở doanh nghiệp do Ủy ban quản lý đòi hỏi phải xử lý ngay nhưng khi đưa sang các bộ, đợi cả vài tháng cũng không thấy có ý kiến phản hồi trong khi theo quy định phải đạt được sự đồng thuận của các bộ ngành có liên quan”, ông Sơn cho biết.

Theo đó, ông Sơn cho rằng cần tăng quyền thực tế cho Ủy ban, được phân cấp, phân quyền hơn nữa, thậm chí được quyền điều phối nguồn vốn của các doanh nghiệp.

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh  trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật.

Đến năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, tổng công ty đạt 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất đạt 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước  trong cả nước. 

“Có những doanh nghiệp dư thừa nguồn vốn nhưng không sử dụng được trong khi có doanh nghiệp thiếu vốn nhưng luật không cho phép điều phối vốn giữa các đơn vị. Điều này đang gây lãng phí nguồn lực mà các doanh nghiệp đang nắm giữ”, ông Sơn nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng có thể cân nhắc cơ chế giao vốn cho cả giai đoạn thay vì tính hiệu quả từng dự án để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp với các kế hoạch trung và dài hạn.

Tuy vậy, một vấn đề băn khoăn được vị chuyên gia nêu lên đó là không chỉ xây dựng cơ chế điều chuyển mà "quan trọng là dám điều chuyển”. Điều này có nghĩa rằng phải có những quy định rõ ràng, cụ thể việc sử dụng vốn hiệu quả chứ không thì “chẳng ai dám làm”.

“Có thể định ra KPI rõ ràng cho người đứng đầu nhưng KPI thế nào thì phải tính cho phù hợp, chẳng hạn như Đạm Ninh Bình sử dụng công nghệ sản xuất khác Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau thì giá thành sản phẩm sẽ khác. Nếu nói chi phí sản xuất của công ty này đắt hơn công ty kia thì có phải là KPI không đạt hay không?”, ông Kiên dẫn chứng và cho rằng có thể cân nhắc nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của OECD trong quản trị doanh nghiệp nhà nước để có cách thức quản lý nguồn vốn phù hợp.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cùng với việc áp dụng cơ chế quản trị minh bạch, cần có thêm cơ chế giảm sát và đặc biệt là phải tái cấu trúc mô hình quản lý.

“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về nguyên tắc phải là nhà đầu tư, có thể ví với mô hình công ty quản lý quỹ. Một công ty quản lý quỹ có thể có nhiều quỹ khác nhau, có quỹ thị trường, có quỹ an sinh, quỹ đầu tư… Mỗi loại quỹ này có cách thức hoạt động và trách nhiệm của người đứng đầu quỹ khác nhau. Có như vậy, sử dụng vốn mới vừa hiệu quả, vừa đảm bảo được nhiều mục tiêu”, ông Thành nêu quan điểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nhiều cơ chế, tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO