Thị trường Nhật Bản: “Thời điểm vàng” để doanh nghiệp phần mềm Việt khai thác

Phan Anh| 09/08/2023 11:29

Việc đồng Yên Nhật giảm giá trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam sang Nhật Bản. Tuy vậy, tiềm năng cũng như cơ hội từ thị trường Nhật Bản vẫn rất lớn. Đặc biệt, trước xu hướng dịch chuyển mới đang diễn ra, đây được coi là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tập trung khai thác cơ hội của thị trường Nhật Bản...

Ông Lê Quang Lương, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam- Nhật Bản (VJC) trực thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA); Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Luvina Software, đã nhấn mạnh điều này khi trò chuyện với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về cơ hội và vị trí thị trường Nhật Bản với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay.

ĐỐI TÁC SỐ 1 CỦA DOANH NGHIỆP PHẦN MỀM VIỆT

Ước tính, nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản mỗi năm khoảng hơn 30 tỷ USD. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm khoảng 6-7% thị phần. Doanh thu từ thị trường này đóng góp lớn trong số 14 tỷ USD doanh thu thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam năm 2022 với tốc độ tăng trưởng 20-40%. Những doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin được coi là “con gà đẻ trứng vàng”, mang ngoại tệ về cho đất nước.

Tại sự kiện Vietnam IT Day 2023 mới đây, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, đã kể câu chuyện về một doanh nghiệp công nghệ Việt Nam năm 2022 lần đầu tiên đạt doanh thu ký từ thị trường nước ngoài 1 tỷ USD. Chính doanh nghiệp đó hơn 20 năm trước đã phải khăn gói rời khỏi Mỹ, Ấn Độ, đóng cửa văn phòng vì không có hợp đồng. Trong thời điểm khó khăn đó, thị trường Nhật Bản đã mở một con đường cho công ty này và cho cả cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt.

Thị trường Nhật Bản: “Thời điểm vàng” để doanh nghiệp phần mềm Việt khai thác - Ảnh 1

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ hai và được các đối tác Nhật Bản ưu tiên lựa chọn. Các doanh nghiệp phát triển mạnh về chất và lượng với hơn 500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho Nhật Bản, trong đó hơn 10 doanh nghiệp quy mô trên 1.000 lao động (như Rikkeisoft, Luvina, CMC Global, Fujinet, VMO, VTI…), hàng chục doanh nghiệp quy mô 500 - 1.000 người, hàng trăm doanh nghiệp quy mô 100-500 nhân sự.

Đến nay, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tại Nhật ngày càng lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20-30%. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đối tác chiến lược của nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản.

Chia sẻ điều này, ông Lê Quang Lương khẳng định: trong suốt 20 năm qua, Nhật Bản là đối tác số 1 của các doanh nghiệp ngành xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam. Doanh thu từ thị trường Nhật Bản luôn chiếm hơn 50% tổng doanh thu của các doanh nghiệp ngành phần mềm Việt Nam và bằng tổng doanh thu của tất cả các thị trường khác cộng lại.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tỷ giá đồng Yên đã sụt giảm khoảng 20-30%, thậm chí so thời điểm giá đồng Yên cao nhất (đầu năm 2021) với lúc thấp nhất (năm 2022), mức chênh lệch lên đến 40%.

Theo ông Lê Quang Lương, điều này đã ảnh hưởng nặng nề tới doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam sang Nhật Bản trong năm 2022. Mức độ ảnh hưởng này có giảm dần trong năm 2023.

DOANH NGHIỆP VIỆT TRƯỚC BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ YÊN

Theo phân tích của ông Lương, với những doanh nghiệp lãi doanh thu 20%, nhưng do biến động tỷ giá Yên giảm 20% thì có nghĩa là hòa vốn. Còn nếu giá đồng Yên giảm 30% thì doanh nghiệp đã lỗ. Như vậy, trong năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản chắc chắn lỗ.

Trước khó khăn này, VINASA đã tập hợp các doanh nghiệp trong ngành cùng chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp vượt qua khó khăn. Thông qua đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra, như: sử dụng các thủ pháp tài chính, ký hợp đồng trước, thỏa thuận với khách hàng về tỷ giá đồng Yên trong tương lai… để quản trị rủi ro.

Ông Lê Quang Lương, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam- Nhật Bản, VINASA.
Ông Lê Quang Lương, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam- Nhật Bản, VINASA.
"Trước đây Việt Nam là đối tác thứ 3 ở thị trường Nhật Bản, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thứ 2 ở thị trường này, chỉ sau Trung Quốc.
Thực tế hiện nay, lượng công việc doanh nghiệp Việt Nam nhận từ Nhật Bản còn chiếm rất nhỏ so với Trung Quốc. Trung bình, nếu lượng việc Nhật Bản đưa sang Trung Quốc là 5 thì đưa sang Việt Nam chỉ 1.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng áp dụng biện pháp tăng giá (điều chỉnh đơn giá theo tỷ giá đồng Yên). Theo đó, nếu đồng Yên tăng, doanh nghiệp giảm giá cho khách hàng và ngược lại. Khi các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá với các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ giảm mức độ ảnh hưởng. Tất cả các doanh nghiệp làm với thị trường Nhật Bản đều có động thái đàm phán tăng giá sản phẩm dịch vụ ở các mức độ khác nhau khi đồng Yên giảm giá.

Thực tế, để tăng giá, các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp Việt phải có lợi thế cạnh tranh hơn những sản phẩm dịch vụ doanh nghiệp khác mà thị trường khác không làm được.

Còn với những doanh nghiệp chưa đàm phán tăng giá, chưa cải thiện được dòng tiền, ông Lương cho rằng rất cần chính sách hỗ trợ vốn vay để duy trì, chờ thời điểm nắm bắt cơ hội từ thị trường này trong tương lai.

Chủ tịch VJC nhấn mạnh: điều quan trọng trong năm 2022 là các doanh nghiệp trong ngành đã thiết lập được một mặt bằng đơn giá xuất khẩu mới với thị trường Nhật Bản. Đây là bước tiến quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể duy trì sự tồn tại, phát triển hợp tác với thị trường Nhật Bản hiện nay.

Theo ông Lương, trước đây Việt Nam là đối tác thứ 3 ở thị trường Nhật Bản, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thứ 2 ở thị trường này, chỉ sau Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nhật Bản khó có thể tìm kiếm đối tác khác thay thế Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay lượng công việc doanh nghiệp Việt Nam nhận từ Nhật Bản còn chiếm rất nhỏ so với Trung Quốc. Trung bình, nếu lượng việc Nhật Bản đưa sang Trung Quốc là 5 thì đưa sang Việt Nam chỉ 1.

Ngoài ra, trước tình trạng giá cả dịch vụ và sản phẩm ở các thị trường tăng, Nhật Bản có xu hướng lùi sâu vào các tỉnh lục địa của Trung Quốc; đồng thời khai thác nguồn nhân lực phụ nữ ở thị trường trong nước.

CƠ HỘI MỚI TỪ LÀN SÓNG DỊCH CHUYỂN

Trong năm 2022, Quốc hội Nhật Bản thông qua đạo luật thúc đẩy an ninh kinh tế. Theo đó, yêu cầu với các ngành kinh tế trọng điểm ứng dụng phần mềm khi chuyển giao công việc ra nước ngoài phải xem xét rõ đối tác nhận việc.

Các doanh nghiệp triển khai công nghệ dịch vụ phần mềm ở một số lĩnh vực như tài chính, đời sống thiết yếu, cơ sở hạ tầng (giao thông, y tế…) ở Nhật Bản có xu hướng hạn chế đưa việc sang thị trường Trung Quốc và dịch chuyển sang các thị trường khác trong đó có Việt Nam.

Tài chính là ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chiếm khối lượng phần mềm lớn nhất thế giới. Với khối lượng công việc lớn như vậy, chỉ riêng một thị trường phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin của Việt không thể đáp ứng được.

Vì vậy ông Lương khẳng định đây chính là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp làm phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam nên tập trung vào thị trường Nhật Bản để khai thác, tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển này.

Các ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến cuộc sống thiết yếu của người dân như tài chính, giao thông, y tế, năng lượng, điện nước, thực phẩm… của Nhật Bản sẽ là những điểm nhấn, mở ra cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp làm phần mềm dịch vụ công nghệ của Việt Nam.

Về mặt công nghệ, hệ thống phần mềm xương sống (Backbone Network) những ngành thiết yếu của Nhật Bản hiện nay đã được xây dựng từ 30 năm trước, đang vận hành ổn định. Tuy nhiên, khi công nghệ thay đổi, Nhật Bản mong muốn đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các hệ thống này. Đây là trào lưu sẽ diễn ra trong 10 năm tới ở thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản bắt nhịp nhanh, chú trọng tìm kiếm các đối tác để cùng khai thác cơ hội từ các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT… để hỗ trợ cải thiện năng suất lao động, tạo ra các giá trị mới.

HƯỚNG NÀO CHO CÁC DOANH NGHIỆP MỚI?

Có thể thấy cơ hội thị trường Nhật Bản dành cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam là rất lớn. Điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt, tận dụng các cơ hội này. Ông Lương cho rằng nếu các doanh nghiệp Việt nhận thức được bài toán nhu cầu và cơ hội thị trường, có giải pháp phù hợp, hiệu quả, cộng với sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước thì họ sẽ thành công.

Luvina là một trong những doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam tập trung định hướng vào các giải pháp cung cấp hệ thống phần mềm xương sống của Nhật Bản. Doanh nghiệp đã khai thác các cơ hội sự dịch chuyển dịch vụ các ngành tài chính từ Nhật Bản sang Việt Nam. Dự kiến trong năm 2023, công ty sẽ đạt mức tăng trưởng 10-20% so với năm trước.

Theo Chủ tịch VJC, với những doanh nghiệp mới có ý định tham gia thị trường Nhật Bản ở những lĩnh vực xương sống Backbone Network, hiện đại hóa hệ thống sẽ rất khó, bởi những công việc này dành cho doanh nghiệp lớn, có lịch sử lâu đời. Khi mới tham gia thị trường, các đối tác Nhật Bản sẽ theo dõi kết quả doanh nghiệp Việt làm với các đối tác nhỏ hơn, khi có kinh nghiệm, đủ độ chín mới hợp tác, giao tham gia các dự án lớn...

Bài liên quan
  • Kinh tế số là động lực tăng trưởng trong dài hạn và trung hạn
    Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số là trọng tâm của chuyển đổi số, tạo ra sự phát triển của nền kinh tế. Đó là động lực tăng trưởng trong dài hạn, trung hạn và là yếu tố để Việt Nam đạt đến mốc năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao...

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Thị trường Nhật Bản: “Thời điểm vàng” để doanh nghiệp phần mềm Việt khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO