Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Vấn đề “sống còn”

NHUNG NGUYỄN| 25/11/2022 07:49

Ngày 24-11, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) phối hợp với Báo SGGP - Đầu tư Tài chính và Khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng: kinh nghiệm của Hàn Quốc”. Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngân hàng số tại Hàn Quốc và một số quốc gia trên thế giới.

Chỉ mất 55 giây để giải ngân

Chia sẻ về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở các nước, TS Trần Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), cho biết, Hàn Quốc đạt được sự phát triển vượt bậc trong chuyển đổi số là nhờ không ngừng hoàn chỉnh và thường xuyên cập nhật hệ thống pháp luật, nhờ ý chí chính trị của Nhà nước khi nhìn thấy lợi ích đem lại cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện Hàn Quốc có 3 ngân hàng số (internet-only) là K Bank, Toss Bank, Kakao Bank, phát triển và kinh doanh rất thành công. Khác với ngân hàng truyền thống, các ngân hàng số này chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp trong xã hội. Tất cả các quy trình làm thủ tục, cho vay, cung cấp các dịch vụ về tài chính… đều qua mạng. Khách hàng làm thủ tục vay qua ngân hàng số chỉ mất khoảng 55 giây để giải ngân, trong khi các ngân hàng khác mất khoảng 5 phút và các ngân hàng truyền thống phải mất 5 ngày để xét duyệt hồ sơ.

Không chỉ ngân hàng số, các ngân hàng truyền thống tại Hàn Quốc cũng phát triển các siêu ứng dụng trên mạng di động không thua gì các Fintech (công nghệ tài chính). Các ngân hàng cũng hợp tác với Fintech để đưa ra các ứng dụng (app) tiện ích, thân thiện nhằm phục vụ tất cả đối tượng khách hàng. Để phát triển ngân hàng số như hiện nay, Hàn Quốc đã sớm ban hành các luật có liên quan đến Fintech và ngân hàng số. Ngoài ra, Hàn Quốc có các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với phương châm cấp phép trước, điều chỉnh sau. “Khó có thể chuyển đổi số mạnh mẽ ngành tài chính, ngân hàng nếu thiếu các quy định của pháp luật vì mọi thứ đều rất mới mẻ. Cho dù công nghệ có tiên tiến đến đâu cũng khó tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn cả từ phía người dùng đến nhà cung cấp dịch vụ”, TS Trần Văn nhấn mạnh.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Vấn đề “sống còn” ảnh 1Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo SGGP phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Hoàn thiện pháp luật

TS Trần Văn gợi ý một số chính sách về chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam: nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi theo hướng cập nhật những thay đổi mới nhất về công nghệ và xu thế. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung cho kinh tế số, chính phủ số, xã hội số - 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Thúc đẩy tài chính toàn diện qua cơ chế thử nghiệm sandbox ngân hàng số và các ứng dụng Fintech khác phục vụ nhóm đối tượng có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ trong tiếp cận tài chính, tạo kế sinh nhai, lưu chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội.

Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện có 2 xu hướng chính phát triển ngân hàng số tại các quốc gia trên thế giới. Đó là chuyển đổi số, số hóa hoạt động ngân hàng (gọi là Digital banking - hoạt động ngân hàng số) và thiết lập các thực thể ngân hàng ứng dụng sâu rộng công nghệ số và dựa trên dữ liệu, chỉ hoạt động trên kênh số (gọi là Digital bank - thực thể ngân hàng số).

Tại Việt Nam, xu hướng phát triển ngân hàng số là Digital banking. Nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động hợp tác với các công ty công nghệ tài chính để cung ứng các dịch vụ ra thị trường hoặc xây dựng thương hiệu ngân hàng số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, cung cấp các trải nghiệm cho khách hàng, tạo lập hệ sinh thái số. Mới đây, có xu hướng ngân hàng truyền thống hợp tác với Fintech thiết lập nền tảng dịch vụ ngân hàng số với mô hình tổ chức kinh doanh, cấu trúc pháp lý khác biệt như nền tảng ngân hàng số Timo Plus, Cake… Tuy nhiên, về bản chất, các mô hình này không phát sinh giấy phép ngân hàng riêng mà hoạt động dựa trên giấy phép ngân hàng mẹ hoặc ngân hàng hợp tác. Theo ông Lê Anh Dũng, sự xuất hiện của những mô hình ngân hàng số này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách rõ ràng hơn và tiến tới khuôn khổ pháp lý, quy định cụ thể, đồng bộ để thích ứng với yêu cầu mới đặt ra cho công tác quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng.

Theo ông Lê Anh Dũng, những kinh nghiệm từ Hàn Quốc là những cập nhật tham chiếu tốt cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, trước mắt tại Việt Nam chưa nên đặt vấn đề về cấp phép cho thực thể ngân hàng số độc lập (Digital bank) mà cần đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành các chính sách, quy định tạo thuận lợi, thúc đẩy phát triển ngân hàng số, như: xây dựng, vận hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox, regulatory); sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định pháp luật nhằm tạo thuận lợi ứng dụng số… Trong dài hạn, việc xem xét cấp phép thực thể ngân hàng số cần được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, thận trọng trong quá trình nghiên cứu, tổng kết nhu cầu thực tiễn, xu hướng quốc tế và phải bám sát định hướng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các chuyên gia cùng cho rằng, trong bối cảnh kỷ nguyên số cùng với hành vi khách hàng thay đổi nhanh chóng, nhiều đột phá công nghệ và mô hình kinh doanh mới, các ngân hàng, tổ chức tài chính bắt buộc phải chuyển đổi số vì đây không chỉ là xu hướng mà còn là vấn đề “sống còn” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. TS Trương Văn Phước, Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là việc phải làm ngay. Để thực hiện việc này tốt nhất, các bộ, ngành nên xem xét sửa luật để không ai chịu rủi ro.

* Ông NGUYỄN THÀNH LỢI, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP: Việt Nam sớm trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng

Đối với Việt Nam, một trong các khâu đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng...”.  Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Việc Báo SGGP - Đầu tư Tài chính phối hợp Viện Chiến lược phát triển kinh tế số và Khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) tổ chức buổi tọa đàm nhằm góp thêm giải pháp để các cơ quan quản lý nhà nước chọn lọc, áp dụng phù hợp với đất nước chúng ta.

* TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Nếu không chuyển đổi, sẽ bị loại khỏi cuộc chơi

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là vấn đề “sống còn”. Nếu không chuyển đổi, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi vì thế giới đang đi rất nhanh. Nhiệm vụ mới đặt ra về việc chuyển đổi số của ngân hàng về mục tiêu dài hạn là phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cách thực hiện phải linh hoạt nhưng đảm bảo hiệu quả, thuận tiện cho người tiêu dùng và cho cơ quan quản lý nhà nước trong giám sát.

* TS DƯƠNG QUỐC ANH, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS): Chi phí chuyển đổi số rất lớn

Một trong những khó khăn để chuyển đổi số ngân hàng là nguồn nhân lực thiếu trầm trọng, vì ngành này đòi hỏi không chỉ giỏi công nghệ thông tin mà còn phải có chuyên môn về ngân hàng. Thêm vào đó, chi phí đầu tư và vận hành để số hóa của ngân hàng là rất lớn. Tính riêng 10 ngân hàng thương mại lớn nhất đang có hoạt động số hóa trên thị trường mỗi năm phải chi 15.000 tỷ đồng để đầu tư vào chuyển đổi số (mỗi ngân hàng chi 1.500 tỷ đồng/năm). Do chi phí quá lớn nên không phải ngân hàng nào cũng có khả năng đầu tư vào chuyển đổi số. Do đó, để chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hiệu quả, các tổ chức tín dụng tận dụng thành quả của công nghệ số cung cấp dịch vụ, sản phẩm tiện ích cho khách hàng; tiếp đến là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và phải có luật bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Vấn đề “sống còn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO