IDS hoàn thành chương trình khảo sát thực tế về phát triển ngân hàng số tại Hàn Quốc

CVP| 02/10/2022 15:34

Từ ngày 17-24/9, chương trình khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm về phát triển ngân hàng số tại Hàn Quốc do IDS chủ trì đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đoàn công tác do TS. Trần Văn, Viện trưởng IDS làm Trưởng đoàn, cùng một số cán bộ Ngân hàng Nhà nước và đại diện doanh nghiệp (DN) fintech của Việt Nam.

6.jpeg
Đoàn công tác của IDS làm việc tại trụ sở KDB

Trong 4 ngày làm việc chính thức, đoàn công tác đã có 13 cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin với các đối tác Hàn Quốc. Trong đó gồm 2 cơ quan quản lý Nhà nước (cấp Bộ) trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng; 3 Hiệp hội và tổ chức; 3 ngân hàng thương mại cổ phần; cùng các công ty fintech, ngân hàng số, công ty dịch vụ tài chính, và DN cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu.

Năm 2022 là cột mốc đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Đồng thời sau một thời gian chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động giao lưu giữa hai nước bị tạm dừng thì nay đã trở lại bình thường. Vì vậy các cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc đều bày tỏ vui mừng và hoan nghênh chuyến thăm của đoàn.

Hai bên đánh giá đây là dịp để nhìn lại mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian qua và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để hoạch định đường hướng phát triển trong giai đoạn tới.

Khung pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng 

Tới thăm Uỷ ban giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS), ông Park Sang Won, Phó Chủ tịch FSS cho biết, Hàn Quốc đã có 3 thoả thuận hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn thực hiện. Hoạt động đào tạo nhân lực mà phía Hàn Quốc hỗ trợ cũng đang được triển khai thông qua văn phòng đại diện của cơ quan này tại Hà Nội.

Ông Park Sang Won đánh giá, fintech ở Việt Nam đang phát triển sôi động. Việc sử dụng điện thoại hay các thiết bị di động để thực hiện giao dịch và dịch vụ tài chính ngày càng phổ biến. Hiện nay Hàn Quốc cũng đã ứng dụng khá đồng bộ các phương tiện, kỹ thuật để thực hiện các dịch vụ này và lĩnh vực này đang phát triển nhanh.

1.jpeg
TS. Trần Văn – Viện trưởng IDS (đứng thứ 6 từ trái sang) cùng đoàn công tác chụp hình lưu niệm với Phó Chủ tịch FSS (đứng thứ 7 từ trái sang)

Uỷ ban dịch vụ tài chính (FSC) thông tin thêm, vừa qua Hàn Quốc đã ban hành Luật về ngân hàng số, mà phía bạn gọi là “internet-only bank”. Cùng với đó, đã có 3 ngân hàng internet-only được cấp phép hoạt động. Một số cơ chế, chính sách đặc thù khác gồm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox trong lĩnh vực ngân hàng, fintech; nền tảng Open Banking (hoạt động từ năm 2019) và cơ sở dữ liệu mở MyData (hoạt động từ năm 2022)… đã thúc đẩy toàn diện quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Hàn Quốc.

2.jpeg
Đoàn công tác làm việc tại FSC

Các TCTD truyền thống và fintech, bigtech vừa cạnh tranh vừa cộng sinh bình đẳng

Tại các cuộc làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Hàn Quốc (KFB), Hiệp hội DN fintech Hàn Quốc (Korfin) và Trung tâm Fintech Hàn Quốc, đoàn công tác đã được lắng nghe chia sẻ của các bên về sự phát triển của công nghệ tài chính – ngân hàng trong thời gian gần đây. Cùng với đó là nhu cầu và các hành động thực tiễn của tất cả các bên (ngân hàng, công ty fintech, bigtech…) nhằm ứng dụng các công nghệ này để chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trong quá trình đó, vai trò của các hiệp hội, tổ chức là vô cùng quan trọng để làm cầu nối chính sách từ ngân hàng, DN tới cơ quan quản lý Nhà nước.

3.jpeg
Đoàn công tác làm việc tại Trung tâm Fintech Hàn Quốc.

KFB nhận định, ngành tài chính – ngân hàng của Hàn Quốc đang trải qua một cuộc chuyển đổi chưa từng có, với sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới. Nếu như trước đây cuộc cạnh tranh chỉ có giữa các TCTD với nhau thì hiện nay các TCTD phải cạnh tranh thêm với fintech và bigtech. Đây là những đơn vị cung cấp dịch vụ theo cách sáng tạo và đổi mới, với nền tảng công nghệ hỗ trợ thấu hiểu khách hàng sâu sắc hơn.

Tuy nhiên KFB cho rằng điều này vừa là sức ép cũng vừa là động lực thúc đẩy các TCTD nỗ lực đổi mới kỹ thuật để đáp ứng khả năng gia nhập thị trường tài chính, cùng cạnh tranh với bigtech và fintech. Qua thời gian, các diễn biến trên thị trường cũng chứng minh đã có sự vừa cạnh tranh vừa hợp tác giữa bigtech và fintech với các TCTD truyền thống. Trước bối cảnh đó, KFB đã có các hoạt động tích cực để hỗ trợ các bên ứng phó với các thay đổi về chính sách pháp luật, tham gia đóng góp ý kiến để thay đổi và sửa đổi các chính sách này.

4.jpeg
TS. Trần Văn giới thiệu về hoạt động của IDS với Hiệp hội DN fintech Hàn Quốc

Ông Lee Keun Ju, Chủ tịch Korfin cho biết, đơn vị này là một trong những hiệp hội liên kết các DN fintech lớn nhất của Hàn Quốc. Hiện tại Korfin đang quy tụ từ DN bigtech cho tới những DN mới khởi nghiệp, với khoảng 390 thành viên và số lượng tham gia ngày càng đông. Các hội viên của Korfin đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thanh toán, quản lý tài sản, đầu tư tài chính, bảo mật xác thực… với nhiều tên tuổi lớn.

Công nghệ hỗ trợ các TCTD truyền thống mở rộng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng

Làm việc với 3 ngân hàng thương mại quy mô top đầu của Hàn Quốc, gồm Ngân hàng Nong Huyup (NHB), Ngân hàng Phát triển (KDB), và Ngân hàng Công nghiệp (IBK), đoàn công tác đã được lắng nghe chia sẻ về tầm nhìn và kế hoạch hành động của các đơn vị này, nhằm bắt kịp xu thế và không bị động trước sự thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Các ngân hàng này đều khẳng định, nếu như với mô hình truyền thống trước đây, các ngân hàng chỉ tập trung vào mảng dịch vụ cốt lõi, thì trong tương lai sẽ phát triển các dịch vụ gia tăng khác để hỗ trợ khách hàng. Đồng thời với việc xây dựng được cơ sở dữ liệu cả tài chính và phi tài chính, các ngân hàng có thể cung cấp thêm nhiều dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.

Đơn cử như NHB vào năm 2016 đã cho ra mắt app “all-in-one bank” trên nền tảng di động. Nền tảng này được tích hợp tất cả các dịch vụ truyền thống mà NHB đang cung cấp, cùng với các dịch vụ gia tăng khác liên quan tới đời sống của khách hàng cá nhân. Đây cũng được coi là nền tảng tiêu biểu của NHB.

5.jpeg
Đoàn công tác chụp hình lưu niệm với Ngân hàng Nong Hyup.

KDB đã bắt đầu dự án tự động hoá quy trình bằng robot (RPA) từ năm 2020. Năm 2021, kỹ thuật này giúp phát hiện và áp dụng công nghệ để tự động hoá khoảng 40 công việc mang tính chất lặp đi lặp lại trong quy trình nghiệp vụ hàng ngày. Nhờ đó KDB tiết kiệm được khoảng 120.000 giờ lao động cho cán bộ, nhân viên, giúp họ tập trung vào các công việc mang tính sáng tạo nhiều hơn.

6.jpeg
Ban lãnh đạo KDB chào mừng đoàn công tác của IDS đến khảo sát thực tế.

Công ty Bảo hiểm Hanwha Life cũng là một tổ chức tài chính lâu năm, đang dành sự quan tâm lớn tới các lĩnh vực liên quan tới fintech. Đơn vị này đã có những bước chuẩn bị để ra mắt sản phẩm bảo hiểm tài chính số, nhằm cung cấp các trải nghiệm thú vị với chi phí hợp lý cho tất cả các đối tượng khách hàng.

7.jpeg
Đoàn công tác tham quan trụ sở của IBK

Cơ sở hạ tầng dữ liệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tài chính – ngân hàng tại Hàn Quốc, không thể không kể đến vai trò của cơ sở hạ tầng dữ liệu. Trao đổi với đoàn công tác của IDS, các đơn vị trong lĩnh vực này gồm NICE, Info Plus, Smartro, BC card đã làm rõ hơn về sự phát triển của ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu của Hàn Quốc; vai trò của ngành này trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng.

Theo đó, trước khi vận hành cơ sở dữ liệu mở MyData (thuộc quyền quản lý của FSC) cho phép chia sẻ thông tin tài chính, tín dụng, ngân hàng phân tán ở nhiều nguồn khác nhau, các DN này cũng đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu riêng qua những nguồn thu thập khác nhau. Nhờ đó, các DN này vừa cung cấp dữ liệu cho các tổ chức tài chính – ngân hàng để khai thác và đa dạng hoá dịch vụ; vừa cung cấp các dịch vụ chuyên biệt trên cơ sở nền tảng dữ liệu sẵn có.

8.jpeg
Đoàn công tác làm việc với các DN trong lĩnh vực cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu.

Đơn cử như NICE, là công ty duy nhất trong ngành kinh doanh trên toàn bộ cơ sở hạ tầng tài chính. Hiện nay đơn vị này vừa cung cấp dữ liệu cho các TCTD, công ty fintech, các DN dữ liệu khác; vừa kinh doanh các dịch vụ đặc thù như quản lý điểm tín dụng, chấm điểm dịch vụ tín dụng… Info Plus đi theo hướng sử dụng dữ liệu để trở thành nền tảng hỗ trợ phía sau, kết nối các tổ chức phi tài chính với ngân hàng và tổ chức tài chính, thực hiện các nghiệp vụ thanh toán nhanh chóng và thuận tiện.

9.jpeg
Đoàn công tác chụp hình lưu niệm tại trụ sở NICE.

Ngân hàng internet-only giúp bao phủ tín dụng tới các đối tượng yếu thế

Qua khảo sát thực tế, đoàn công tác của IDS nhận thấy rõ sự lớn mạnh của các DN fintech Hàn Quốc, khi vào năm 2011 chỉ có 62 DN thì đến năm 2021 đã có 506 DN. Trong số đó có 3 DN đã được cấp phép thành lập ngân hàng số (internet-only bank) là KT với K-bank, Toss với Toss bank và Kakao với Kakao bank.

Làm việc với Toss bankKakao bank, đoàn công tác được trực tiếp nghe chia sẻ về sự tăng trưởng vượt trội của các ngân hàng internet-only, thể hiện qua các con số về tài khoản đăng ký và kích hoạt sử dụng dịch vụ, doanh số… sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động.

10.jpeg
Ban lãnh đạo Toss bank chia sẻ về quá trình hình thành và kết quả hoạt động của ngân hàng internet-only.

Các ngân hàng internet-only này có cổ đông lớn là các ngân hàng truyền thống, DN fintech bị giới hạn nắm giữ tối đa 34% vốn, chỉ được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường mạng và không có bất kỳ một chi nhánh, phòng giao dịch vật lý nào. Các ngân hàng này chủ yếu phục vụ các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp mà ngân hàng chưa chú trọng, bị hạn chế về số lượng và quy mô dịch vụ thanh toán, tiết kiệm và cho vay.

Mặc dù chịu nhiều hạn chế, nhưng tổng tài sản cuối năm 2021 của các ngân hàng này đã đạt 63,7 tỷ won, tăng trưởng 101,8% năm 2021.

11.jpeg
Đoàn công tác chụp hình tại trụ sở của Kakao bank

TS. Trần Văn, Viện trưởng IDS khẳng định các kinh nghiệm về xây dựng khung khổ pháp lý, chính sách quản lý, thanh tra giám sát của Hàn Quốc đối với các ngân hàng internet-only, cũng như các tổ chức tài chính - ngân hàng truyền thống, sẽ cung cấp cho Việt Nam nhiều bài học tốt để ứng dụng ngay vào lĩnh vực này.

Kết quả chuyến đi sẽ được xây dựng thành báo cáo trình lên các cơ quan hữu quan để gợi ý chính sách và tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới.


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
IDS hoàn thành chương trình khảo sát thực tế về phát triển ngân hàng số tại Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO