Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng: Không nhanh chân sẽ bị loại khỏi cuộc chơi

CVP| 02/12/2022 15:16

Khái niệm chuyển đổi số phải được hiểu và dùng cho chính xác hơn, để tránh việc nhiều người hiểu rằng chỉ có các NH thực hiện chuyển đổi số, mà quên đi vai trò rất quan trọng của các DN fintech, hay DN trong lĩnh vực công nghệ khác.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

Ngân hàng không đơn độc trong tiến trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số đối với nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tài chính – ngân hàng là vấn đề cấp bách, nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi vì thế giới đang đi rất nhanh. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chúng ta thấy ở Việt Nam, vấn đề đầu tiên khi tiếp cận chuyển đổi số là chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để giải thích vấn đề mới. Khi tổ chức xây dựng luật hay các quy định thì các nước không dùng khái niệm NH số. Cái này chỉ là một trong các cấu phần của chuyển đổi số.

Hiện nay công tác chuyển đổi số mà chúng ta đang đề cập nhiều ở Việt Nam chủ yếu là số hoá hoạt động truyền thống của các TCTD, trong khi chưa nói nhiều tới việc các Fintech tham gia cùng NH để kiểm soát rủi ro hay đa dạng hoá dịch vụ. Chúng ta cũng chưa nói tới việc hình thành các NH số hoàn toàn. Do đó phải dùng khái niệm cho chính xác hơn, để tránh việc nhiều người hiểu rằng chỉ có các NH thực hiện chuyển đổi số, mà quên đi vai trò rất quan trọng của các DN fintech, hay DN trong lĩnh vực công nghệ khác.

Về mục tiêu dài hạn, nhiệm vụ mới đặt ra đối với chuyển đổi số là phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phải tập trung nhóm các khách hàng mà TCTD truyền thống chưa với tới là DN nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể. Đó là dư địa để phát triển.

Đặc biệt, phải tích hợp được cái cũ và cái mới, cập nhật từng bước một cho phù hợp với người tiêu dùng, với DN và với các văn bản pháp lý, với sự phát triển của công nghệ thế giới. Các quy định liên quan cần thuận tiện cho người dân cũng phải thuận tiện cho cơ quan nhà nước giám sát. Và quan trọng là đảm bảo “miếng bánh” phát triển, tức số hóa phải phát triển khách hàng hơn nữa, đi vào những lĩnh vực mới, nơi nào NH truyền thống khó tiếp cận thì công nghệ đi vào.



TS. Trương Văn Phước, Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

Không vì ngại rủi ro mà chậm chân chuyển đổi số

Chuyển đổi số là vấn đề quan trọng của quốc gia, cần phải đưa ra thảo luận trong chương trình họp Quốc hội một cách đến nơi đến chốn. Bởi lẽ các nước đã thực hiện và đi rất nhanh, trong khi Việt Nam lại chưa đi thẳng vào vấn đề. Đồng thời, các bộ, ngành cần xem xét sửa lại luật nghiêm chỉnh, công khai minh bạch, không để ai chịu rủi ro trong câu chuyện này.

Hãy xem chuyển đổi số như chiếc xe đò đang chở đông người, ban đầu người ngồi rất khó chịu nhưng rồi đâu sẽ vào đó. Điều này hàm ý, chúng ta cứ ngại luật không theo kịp để quản lý nên cứ từ từ xem xét, trong khi hãy để cho xe chạy rồi điều chỉnh dần cũng sẽ ổn.



GS.TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia:

Dùng công nghệ quản lý rủi ro tốt hơn bằng con người

Trên thế giới luật lệ cho số hóa có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, cơ quan quản lý áp đặt các quy định và các NH số, fintech áp dụng theo. Nhiều nước xung quanh Việt Nam đã đi qua giai đoạn này từ rất lâu.

Giai đoạn 2 đó là sự phát triển của công nghệ dẫn tới áp lực đi từ dưới lên, tức các công ty công nghệ đổi mới nhanh và cơ quan quản lý không theo kịp. Điều này không hẳn là xấu dù vẫn có thể có đổ vỡ, chẳng hạn cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã đổ vỡ. Nhưng cho đến nay các đổ vỡ đó không gây ra rủi ro hệ thống, vì họ đi vào nhiều phân khúc nhỏ với hàng triệu người dùng, không cho vay lớn đến các tập đoàn.

Giai đoạn 3 của thế giới đang tiến đến là giai đoạn hỗn hợp, tức kết hợp từ trên xuống và từ dưới lên. Giai đoạn hỗn hợp có ba động lực đổi mới là các fintech, tổ chức tài chính truyền thống, các cơ quan quản lý. Ba động lực này tương tác với nhau để hoàn thiện luật lệ. Nhưng Việt Nam vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn 1, chưa có quy định rõ ràng nên các NH số, fintech hoạt động trong “vùng xám” đầy rủi ro.

Sự phát triển của công nghệ là vô biên, không thể nắm bắt được ngày mai công nghệ như thế nào để có cách tiếp cận mới. Và chúng ta hiện nay đang băn khoăn: “Quy định sự đổi mới hay đổi mới các quy định. Điều tiết cho công nghệ hay dùng công nghệ để điều tiết”. Có rất nhiều rủi ro và không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng các nghiên cứu cho thấy dùng công nghệ quản lý rủi ro tốt hơn bằng con người.

Về kinh nghiệm phát triển NH số ở Hàn Quốc, họ rất tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển, khi bước đầu triển khai có những quy định về vốn điều lệ chỉ bằng 1/4 NH truyền thống, chỉ áp dụng Basel I. Những quy định đối với lĩnh vực NH số của Hàn Quốc vừa chặt nhưng vừa tạo điều kiện đổi mới, và cân bằng tinh tế là một trong những nội dung có thể học hỏi để giải quyết những trăn trở trong chuyển đổi số lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam.


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng: Không nhanh chân sẽ bị loại khỏi cuộc chơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO