Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới đang diễn ra phức tạp, khó lường, các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, để bảo đảm nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất và đời sống, việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng là vấn đề cấp bách. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là hết sức cần thiết.
Luật đã tạo dấu ấn tích cực
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua ngày 17.6.2010 và có hiệu lực từ 1.1.2011. Tại Báo cáo tổng kết thi hành luật, Bộ Công Thương đánh giá, sau gần 14 năm thi hành, Luật đã để lại dấu ấn tích cực đối với toàn xã hội trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nói chung.
Theo Viện Năng lượng, giai đoạn 2011 - 2015, kết quả tiết kiệm năng lượng tăng gần gấp đôi giai đoạn trước (2006 - 2010), với mức tiết kiệm thực tế đạt được 5,65%, tương đương với 11.2 KTOE, góp phần tiết kiệm năng lượng cho cả hai giai đoạn.
Bên cạnh đó, việc áp dụng dán nhãn năng lượng đối với máy móc, thiết bị, phương tiện đã được đẩy mạnh. Đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai dán nhãn năng lượng cho 19 chủng loại sản phẩm theo Danh mục quy định tại Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg thuộc nhóm thiết bị gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị công nghiệp (thay thế Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg); hơn 20.000 sản phẩm đã được dán nhãn năng lượng trên thị trường. Chương trình giúp loại bỏ khoảng 45 triệu bóng đèn sợi đốt ra khỏi thị trường, nâng hiệu suất 6 loại sản phẩm tiêu thụ điện phổ biến gồm: máy biến áp, điều hòa không khí, nồi cơm điện, quạt, đèn huỳnh quang ống, đèn huỳnh quang compact (CFL); trong đó hiệu quả sử dụng điều hòa không khí tăng 13% hàng năm, tiết kiệm khoảng 100 triệu kWh/năm.
Thực hiện chương trình quảng bá thay thế bình đun nước nóng điện bằng bình đun nước nóng năng lượng mặt trời đã có tác dụng kích cầu thị trường rất lớn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thị trường bình nước nóng năng lượng mặt trời là 30 - 40% (giai đoạn 2013 - 2015). Tới năm 2015, thị trường đã tiêu thụ hơn 700.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời, tiết kiệm hơn 1 tỷ kWh/năm (tương đương với tiền điện tiết kiệm 1.600 tỷ đồng/năm).
Đã triển khai được hơn 300 lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn về tiết kiệm điện cho doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ 1.200 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng và thực hiện các giải pháp về tiết kiệm điện; vận động hơn 9.500 hộ dân lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời nối mái thông qua chương trình tiết kiệm điện...
Mặc dù vậy, trong quá trình thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Chẳng hạn, Luật quy định các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải áp dụng mô hình quản lý năng lượng, có trách nhiệm bổ nhiệm người quản lý năng lượng nhằm xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phải thực hiện kiểm toán năng lượng 3 năm một lần, song tính tuân thủ còn nhiều hạn chế, có hiện tượng doanh nghiệp thực hiện mang tính đối phó. Đến năm 2021, số lượng các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là 3.068 doanh nghiệp, chiếm khoảng 50% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước, cần tăng số lượng này để bảo đảm mục tiêu chiếm từ 65 - 70% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước.
Mặc dù chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng bằng các công cụ tài chính truyền thống (hỗ trợ vốn, đất đai, miễn giảm thuế, phí) đã có, song chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên chưa có tác dụng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này một cách bền vững...
Đề xuất 5 chính sách khi sửa đổi luật
Hiện, cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới đang diễn ra phức tạp, khó lường. Các nguồn năng lượng hoá thạch đang ngày càng cạn kiệt, các nguồn năng lượng tái tạo giá thành còn cao và thiếu ổn định, chưa hoàn toàn thay thế được năng lượng truyền thống.
Trong bối cảnh đó, để bảo đảm nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất và đời sống, việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng đang trở thành vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, trở thành giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như đẩy mạnh thực hiện lộ trình trung hoà carbon (Net Zero) vào năm 2050. Vì vậy, vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật là hết sức cần thiết, Bộ Công Thương nhìn nhận.
Theo dự thảo luật, Bộ Công Thương đề xuất tập trung vào 5 chính sách.
Một là, chính sách về quản lý năng lượng. Theo đó, bổ sung quy định về quản lý năng lượng đối với mô hình tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm soát định mức hao hụt xăng dầu; xem xét điều chỉnh tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương...
Hai là, chính sách phát triển nguồn nhân lực, tư vấn dịch vụ năng lượng và mạng lưới đơn vị tư vấn dịch vụ năng lượng. Trong đó, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định của luật liên quan đến hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các tổ chức, cá nhân tư vấn hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, lực lượng kiểm toán viên năng lượng và người quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng; nghiên cứu xây dựng các cơ chế hỗ trợ và hình thành hệ thống các công ty dịch vụ tư vấn năng lượng…
Ba là, chính sách phát triển các công cụ thị trường tiết kiệm năng lượng, bao gồm xây dựng công cụ quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bổ sung, làm rõ các quy định về hỗ trợ thuế, hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các dự án nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng…
Bốn là, chính sách quản lý hiệu suất năng lượng của phương tiện thiết bị trên thị trường. Theo đó, Bộ Công Thương nghiên cứu mở rộng, bổ sung danh mục phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng vào chương trình dán nhãn năng lượng; bổ sung đối tượng dán nhãn năng lượng cho nhóm vật liệu xây dựng là sản phẩm kính, gạch không nung...
Năm là, tổ chức triển khai thực hiện và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của bộ, ngành và UBND các tỉnh về mua sắm trang thiết bị tiết kiệm năng lượng trong các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước; rà soát việc phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của cơ quan đầu mối quốc gia, các bộ, ngành liên quan và địa phương...