Về điều kiện phát triển Mobile-Money ở Việt Nam hiện nay

TS. Lương Văn Hải /Trường Đại học Mở Hà Nội| 21/11/2022 10:21

Theo đánh giá, Mobile-Money là dịch vụ mới, khó và nhạy cảm. Vì vậy, để Mobile-Money chính thức được chấp thuận và có thể phát triển nhanh chóng ở nước ta, cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết đảm bảo cho sự phát triển của dịch vụ này.

Tóm tắt: Hiện nay, dịch vụ Mobile-Money đã trở thành xu thế chủ đạo và là phương thức thanh toán tiện lợi của người dân ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, dịch vụ Mobile-Money đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chấp thuận cho triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thực hiện thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Theo đánh giá, Mobile-Money là dịch vụ mới, khó và nhạy cảm. Vì vậy, để Mobile-Money chính thức được chấp thuận và có thể phát triển nhanh chóng ở nước ta, cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết đảm bảo cho sự phát triển của dịch vụ này. Bài viết sẽ tập trung vào làm rõ thực trạng các điều kiện phát triển Mobile-Money ở Việt Nam hiện nay, đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện các điều kiện cần thiết để phát triển Mobile-Money ở Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Mobile-Money, thanh toán điện tử, dịch vụ Mobile-Money.
ON CONDITIONS FOR THE DEVELOPMENT OF MOBILE-MONEY IN VIETNAM TODAY
Abstract: Currently, Mobile-Money service has become the mainstream and convenient payment method of people in many countries and regions around the world. In Vietnam, Mobile-Money service has just been approved by the State Bank of Vietnam for pilot deployment using telecommunications accounts to make payments for goods and services of small value. According to the assessment, Mobile-Money is a new, difficult and sensitive service. Therefore, in order for Mobile-Money to be officially approved and develop rapidly in our country, it is necessary to prepare all necessary conditions to ensure the development of this service. The article focuses on clarifying the current situation of Mobile-Money development conditions in Vietnam, thereby proposing some recommendations to improve the necessary conditions to develop Mobile-Money in Vietnam in the near future.
Keywords: Mobile-Money, electronic payment, Mobile-Money service.
1. Đặt vấn đề
Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển nhanh chóng của nhiều phương thức thanh toán điện tử. Một trong những phương thức thanh toán điện tử đang được sử dụng rộng khắp trên thế giới và có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay là Mobile-Money. Theo Báo cáo của Hiệp hội Di động toàn cầu (Global System Mobile Associations - GSMA) cho thấy, đã có khoảng 96 quốc gia và vùng lãnh thổ chấp nhận Mobile-Money và được cung cấp bởi 316 tổ chức, doanh nghiệp; có hơn 1,35 tỷ tài khoản Mobile-Money đã được đăng ký, trên 518 triệu tài khoản Mobile-Money hoạt động hằng ngày, với tổng giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Quyết định số 316/QĐ-TTg). Việc cho phép thí điểm Mobile-Money nhằm mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam. Hiện nay, Mobile-Money đang được triển khai thí điểm và hứa hẹn sự phát triển nhanh chóng trong tương lai. Tuy nhiên, khi xem xét các điều kiện để phát triển Mobile-Money cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện các điều kiện tạo thuận lợi cho Mobile-Money phát triển trong tương lai là rất cần thiết.
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính truyền thống, tài liệu nghiên cứu dựa trên nguồn dữ liệu thứ cấp từ các cơ quan, tổ chức, các nghiên cứu trong và ngoài nước về Mobile-Money.
2. Cơ sở lý thuyết về Mobile-Money
2.1. Khái niệm về Mobile-Money
Theo GSMA, Mobile-Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile-Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hóa đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng có giá trị nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động... và những dịch vụ tương tự.
2.2. Các mô hình cung cấp dịch vụ Mobile-Money 
Theo GSMA, hiện nay trên thế giới có 3 mô hình cung cấp dịch vụ Mobile-Money, đó là: (1) Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông; (2) Ngân hàng thương mại; (3) Đối tác cung cấp giải pháp phối hợp chặt chẽ với nhà mạng và ngân hàng hoặc là một liên doanh giữa ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Trong 3 mô hình trên, mô hình thứ 3 đang ngày càng trở nên quan trọng và chiếm ưu thế (GSMA, 2018).
2.3. Các điều kiện cần thiết để phát triển Mobile-Money
Một là, có hành lang pháp lý về Mobile-Money. Mobile-Money là một phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), vì vậy, phương thức thanh toán này vẫn phải tuân thủ theo các quy định chung đối với TTKDTM. Tuy nhiên, với đặc thù là sản phẩm công nghệ cao, được cung cấp chủ yếu qua các nhà mạng, Mobile-Money cần phải có các quy định pháp lý riêng phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tính riêng tư dữ liệu của khách hàng, ngăn chặn những nguy cơ về an ninh mạng, tạo ra môi trường có thể khuyến khích đổi mới, cạnh tranh và phát triển dịch vụ Mobile-Money.
Hai là, có nhiều tổ chức đủ tiêu chuẩn tham gia cung cấp dịch vụ Mobile-Money. Các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ Mobile-Money có thể là: Doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng thương mại hay công ty Fintech. Tuy nhiên, để được cấp phép tham gia dưới hình thức độc lập hay phối hợp trong cung cấp dịch vụ, mỗi tổ chức đều phải đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu đặt ra của các cơ quan nhà nước.
Ba là, nhiều người dân sử dụng điện thoại di động có thuê bao điện thoại di động. Để được tham gia dịch vụ Mobile-Money, mỗi người dân đều phải sử dụng điện thoại di động và có thuê bao điện thoại di động, vì vậy, khi tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động có thuê bao điện thoại di động cao, đây sẽ là cơ hội cho Mobile-Money phát triển.
Bốn là, có mạng di động phát triển. Do dịch vụ Mobile-Money thực hiện các giao dịch chuyển tiền, thanh toán qua tài khoản viễn thông gắn liền với thuê bao di động mà không cần có tài khoản ngân hàng và không phụ thuộc vào mạng Internet, vì vậy, để nhiều người dân có cơ hội tham gia thì mạng di động phải phát triển và được phủ sóng trên phạm vi toàn quốc.
3. Thực trạng các điều kiện phát triển Mobile-Money ở Việt Nam hiện nay
3.1. Hành lang pháp lý 
Thứ nhất, các văn bản pháp lý quy định về hoạt động TTKDTM. Thời gian qua, việc triển khai hoạt động TTKDTM dựa vào các văn bản sau: Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012  của Chính phủ quy định về TTKDTM; Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ quy định về TTKDTM; Quyết định số 637/QĐ-NHNN ngày 31/3/2017 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 2006/QĐ-NHNN ngày 17/12/2021 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. 
Thứ hai, các văn bản pháp lý quy định về dịch vụ Mobile-Money. Hiện nay, văn bản quy định riêng cho dịch vụ Mobile-Money chỉ có Quyết định số 316/QĐ-TTg. Theo Quyết định này, đối tượng được cấp phép cung cấp dịch vụ chưa đa dạng, hiện chỉ có các doanh nghiệp viễn thông có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông được tham gia. Bên cạnh đó, nội dung cung cấp dịch vụ Mobile-Money còn bị giới hạn, như: Việc nạp tiền hay rút tiền từ tài khoản Mobile-Money thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ ví điện tử của khách hàng phải là chủ tài khoản Mobile-Money và phải được thực hiện tại chính doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money; việc thanh toán chỉ được dùng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ và chỉ được thực hiện tại các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile-Money; việc chuyển tiền sang tài khoản Mobile-Money của người dùng khác vẫn chỉ giới hạn trong cùng một nhà mạng; hạn mức giao dịch (không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile-Money cho tổng các giao dịch: Rút tiền, chuyển tiền và thanh toán) còn quá thấp so với hạn mức của ví điện tử là 100 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, vẫn chưa có chính sách nào cho người sử dụng Mobile-Money để họ có thể tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác. 
3.2. Các tổ chức có thể tham gia cung cấp dịch vụ Mobile-Money
Các doanh nghiệp viễn thông
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và đứng trong Top 10 Công ty Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) uy tín năm 2021, có đủ khả năng để tham gia cung cấp dịch vụ Mobile-Money, với những tên tuổi nổi bật như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), FPT, MobiFone, Vinaphone. Nổi bật hơn cả là Viettel, hiện đang đứng ở vị trí 227 trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2022” và đứng thứ 18 thế giới về giá trị thương hiệu viễn thông; Viettel tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thương hiệu viễn thông tại Đông Nam Á và nằm trong Top 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực (Văn Phong, 2022). Ngoài ra, trong báo cáo khảo sát tháng 3/2021 của Vietnam Report cho thấy, ngành CNTT-VT nằm trong Top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng nhất trong ba năm tới và dẫn đầu với tỷ lệ 72,7% (Vietnam Report, 2021).
Năm 2021, nhờ sự cố gắng của các doanh nghiệp viễn thông, đã có 03 doanh nghiệp được NHNN cấp phép thử nghiệm dịch vụ Mobile-Money, đó là: Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media), MobiFone, Viettel. Đến nay, 03 doanh nghiệp trên đã và đang triển khai dịch vụ Mobile-Money ra thị trường (Hoàng Linh, 2022). Tuy nhiên, các doanh nghiệp viễn thông vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Theo khảo sát của Vietnam Report, các khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp CNTT-VT Việt Nam đang phải đối mặt trong hoạt động nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng trong thời gian tới là: Điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều hạn chế (70,6%); thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (64,7%); thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước (58,8%) (Vietnam Report, 2021).
Hệ thống ngân hàng
Thời gian qua, các ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng, như: eKYC, QR Code, thanh toán không tiếp xúc,... từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng, như: Hệ sinh thái Mobile Banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông... Đến cuối năm 2021, cả nước có trên 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet, 44 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động và 21 ngân hàng triển khai mở tài khoản thanh toán cho cá nhân bằng eKYC với khoảng 2,7 triệu tài khoản đang hoạt động. Hiện nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt (Lê Anh Dũng, 2022). Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số (thanh toán, tiền gửi, tiết kiệm,...) đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến, mọi lúc mọi nơi của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch Covid-19; thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh; các ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Ngoài ra, để tăng khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nhiều ngân hàng đã hợp tác với các công ty Fintech trong và ngoài nước, như: Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Ngoại thương Việt Nam, NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTMCP Á Châu, NHTMCP Quốc tế, NHTMCP Tiên Phong (TPBank), NHTMCP Sài Gòn Thương Tín, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)... đã hợp tác với Ví MoMo để phát triển ví điện tử; NHTMCP Quân đội đã hợp tác với Công ty Boomerang Technology cho ra đời sản phẩm eMBee Fanpage; VPBank đã  hợp tác với Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VnPay), Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), Payoo, Bankplus... để triển khai các giải pháp thanh toán và giao dịch ngân hàng trực tuyến; VietinBank kết hợp với Opportunity Network (Anh), CIMB Bank Việt Nam kết hợp với Toss (Hàn Quốc), VPBank kết hợp với BE Group (Thụy Điển), NHTMCP Phương Đông kết hợp với RippleNet (Mỹ) và TPBank kết hợp với Backbase (Hà Lan)... Theo đánh giá, sự hợp tác giữa các ngân hàng truyền thống và các công ty Fintech sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức trong vấn đề hoàn thiện các quy định pháp lý, đồng bộ và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng để kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số, thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng, đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng... (Thu Thủy, 2022).
Các công ty Fintech 
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có trên 150 công ty Fintech, các công ty này hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, lĩnh vực trung gian thanh toán (Payment) có 37 công ty, chiếm 24%; lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) có 25 công ty, chiếm 16%; lĩnh vực chuỗi khối, tiền số và chuyển tiền (Blockchain, Crypto & Remittance) có 22 công ty, chiếm 14%. Các công ty còn lại được phân lẻ sang nhiều lĩnh vực khác, như: Internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở (Đỗ Quang Trị, 2022). Trong số các công ty Fintech, VNG, VnPay và MoMo đã trở thành 03 doanh nghiệp “kỳ lân” công nghệ tại Việt Nam, riêng MoMo được định giá trên 2 tỷ USD vào cuối tháng 12/2021. Ngoài ra, theo NHNN, tính đến ngày 09/5/2022, đã có 48 tổ chức không phải ngân hàng được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Thị trường Fintech Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển nên được đánh giá còn rất màu mỡ, vì vậy đã tạo ra được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2021, thị trường Fintech Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các công ty Fintech. Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Indonesia, Singapore) về thu hút vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 11% tổng số vốn của khu vực, đạt khoảng 4 tỷ USD, gấp ba lần so với năm 2020 (Minh Khôi, 2022). Tuy nhiên, hiện nay, các công ty Fintech chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, chưa phát triển ở vùng nông thôn, thường gặp khó khăn trong việc xác định mô hình quản trị kinh doanh, định hướng phát triển và còn thiếu một hành lang pháp lý để phát triển. 
Mạng di động
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, hạ tầng mạng viễn thông ở Việt Nam đã được các doanh nghiệp không ngừng đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đến nay, nhiều vùng lõm đã được phủ sóng, mạng di động có sử dụng dữ liệu (2G, 3G, 4G) đã phủ sóng tới 99,8% dân số. Tốc độ dịch vụ băng rộng di động (3G, 4G) đạt 35,14Mbps, đứng thứ 48/141 (tăng 9 bậc so với 2020). Còn mạng 5G cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm tại 16 tỉnh, thành phố với 300 trạm phát sóng 5G, có tốc độ trung bình đạt từ 500 - 600Mbps, gấp 10 lần so với tốc độ 4G (Việt Nga, 2022). Hiện nay, có 07 nhà mạng di động với chất lượng dịch vụ di động rất tốt được nhiều người sử dụng, đó là: Viettel, Vinaphone, Mobifone, Vietnamobile, Gmobile, I-Telecom, Reddi. Bên cạnh đó, mạng viễn thông hiện có mức độ ổn định và chỉ số an toàn, an ninh mạng rất cao. Năm 2021, theo báo cáo của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố về lĩnh vực an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng quốc tế (GCI), từ vị trí 50 năm 2020 lên vị trí 25 năm 2021 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) xếp hạng. Về chỉ số phát triển viễn thông (IDI) của Việt Nam ước tính xếp 74/176 quốc gia (tăng 3 hạng so với năm 2020) (Hoàng Linh, 2022). Ngoài ra, việc xử lý SIM rác và tích hợp 4G cho điện thoại nhập khẩu đã được Cục Viễn thông rất quan tâm. Theo Cục Viễn thông, năm 2021 đã xử lý gần 1,1 triệu SIM có dấu hiệu thông tin thuê bao không đúng quy định; chặn hơn 78 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; xử lý 227.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác; 100% máy điện thoại nhập khẩu đã tích hợp 4G, có VoLTE; số máy điện thoại có VoLTE tăng 117%; số người sử dụng VoLTE tăng 3 lần (Ictvietnam, 2022). Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng SIM rác, tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo đã giảm nhiều nhưng vẫn còn tồn tại, do một số doanh nghiệp viễn thông chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, thực thi giải pháp khắc phục chưa triệt để; vẫn còn nhiều vũng lõm sóng trên cả nước chưa được phủ sóng.
Người dân sử dụng điện thoại di động và thuê bao di động
Hiện nay, ở Việt Nam, có số lượng người dân sử dụng điện thoại di động chiếm một tỷ lệ rất cao, mà chủ yếu là dùng Smartphone. Theo Cục Viễn thông, đến cuối năm 2021, Việt Nam đã có 91,3 triệu thuê bao Smartphone. Đến quý II/2022, đã có thêm hơn 2 triệu thuê bao sử dụng Smartphone, nâng tổng số thuê bao dùng Smartphone tại Việt Nam lên con số 93,5 triệu. Ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng Smartphone đạt khoảng 73,5%. Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với người dân khi tham gia sử dụng Mobile-Money, đó là thói quen sử dụng tiền mặt và tâm lý e ngại khi làm quen với loại hình thanh toán điện tử mới.
4. Một số khuyến nghị
Thứ nhất, Chính phủ cần xây dựng và ban hành một hành lang pháp lý cho Mobile-Money. Chúng ta đều biết rằng, khi hành lang pháp lý phù hợp nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ Mobile-Money, nếu không nó sẽ kìm hãm sự phát triển của dịch vụ này. Chính vì vậy, để xây dựng hành lang pháp lý cần có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công an, NHNN...; đồng thời, cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước có dịch vụ Mobile-Money phát triển để đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ và nhất quán trong các văn bản.
Xây dựng hành lang pháp lý cần hướng đến: (1) Mở rộng đối tượng tham gia, vì đây là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng và rất thành công. Còn ở nước ta, nếu chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông được phép tham gia cung cấp dịch vụ Mobile-Money, thì lĩnh vực này sẽ khó thu hút đầu tư, thiếu các sản phẩm và dịch vụ mang tính mới mẻ và sáng tạo, đồng thời cũng rất khó phổ cập dịch vụ này tới tất cả người dùng và điểm bán hàng. Trong khi, hệ thống ngân hàng, các công ty Fintech đang rất phát triển và có nhiều lợi thế, kinh nghiệm trong cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ Mobile-Money, qua đó thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức tham gia; (2) Nâng hạn mức giao dịch của Mobile-Money lên, bởi vì hạn mức hiện nay đang là cản trở đối với những người thường xuyên chi tiêu và mua sắm, nhất là ở khu vực thành thị. Việc nâng hạn mức làm sao không để quá chênh lệch so với ví điện tử và thỏa mãn được nhu cầu chi tiêu của đa số người dân Việt Nam, đồng thời có thể hạn chế tối đa các loại tội phạm liên quan đến dịch vụ này; (3) Có chính sách cho người sử dụng dịch vụ Mobile-Money. Chính sách phải mang lại những lợi ích cho người sử dụng dịch vụ, có thể tiếp cận được các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác.
Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư vào công nghệ, thiết bị viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, an ninh mạng; tiếp tục phủ sóng các vùng lõm sóng và mạng 5G trên toàn quốc; giải quyết dứt điểm SIM rác, cuộc gọi rác, thư rác.
Thứ ba, đối với các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ cần chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch và bảo vệ quyền lợi khách hàng nhằm hạn chế những rủi ro xảy ra.  
Các doanh nghiệp viễn thông ngoài đầu tư vào công nghệ, thiết bị viễn thông, còn phải xây dựng mạng lưới điểm giao dịch và chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, quy trình cung cấp dịch vụ Mobile-Money đồng bộ, đồng thời đào tạo một đội ngũ nhân viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng; thực hiện nhiều chương trình quảng cáo và hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile-Money mang đến sự hiểu biết và niềm tin của người dân vào dịch vụ này.
Các ngân hàng cần tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và công nghệ số theo hướng đồng bộ, tập trung thống nhất có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác.
Các công ty Fintech cần đầu tư mở rộng hoạt động về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chú trọng vấn đề bảo mật thông tin để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. 
Thứ tư, đối với người dân nên sử dụng dịch vụ Mobile-Money, vì đây là phương thức thanh toán mang đến nhiều tiện lợi, dễ sử dụng và rất an toàn.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Quang Trị (2022), Cơ hội và thách thức phát triển Fintech tại Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/co-hoi-va-thach-thuc-phat-trien-fintech-tai-viet-nam-86436.htm 
2. GSMA (2018), State of the industry report on Mobile-Money 2018. Truy cập tại: https://www.gsma.com/r/wp-content/uploads/2019/02/2018-State-of-the-Industry-Report-on-Mobile-Money-1.pdf 
3. GSMA (2021), State of the Industry Report on Mobile-Money 2021. Truy cập tai: https://www.gsma.com/mobilefordevelopment/wp-content/uploads/2021/03/GSMA_State-of-the-Industry-Report-on-Mobile- Money-2021_Full-report.pdf 
4. Hoàng Linh (2022), Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2020. Truy cập tại: https://ictvietnam.vn/nam-2021-doanh-thu-nganh-tttt-dat-3462170-ty-dong-tang-truong-9-so-voi-nam-2020-20211222155621615.htm 
5. Ictvietnam (2022), Việt Nam khởi động nghiên cứu 6G ngay trong năm 2022. Truy cập tại: http://www.cuctanso.vn/tin-tuc/pages/hoat-dong-su-kien.aspx?ItemID=2998 
6. Kiến An (2021), Lượng người dùng smartphone ở Việt Nam đứng trong top 10 toàn cầu. Truy cập tại:  https://vov.vn/cong-nghe/sanh-dieu/luong-nguoi-dung-smartphone-o-viet-nam-dung-trong-top-10-toan-cau-863220.vov
7. Lê Anh Dũng (2022), Thanh toán điện tử góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/thanh-toan-dien-tu-gop-phan-day-manh-thanh-toan-khong-dung-tien-mat.htm
8. Minh Khôi (2022), M&A Fintech sẽ sôi động. Truy cập tại: https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tbnh/tbnh_chitiet? 
9. Thu Thủy (2022), Đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/day-manh-chuyen-doi-so-va-bao-dam-an-ninh-an-toan-thong-tin-trong-hoat-dong-ngan-hang.htm
10. Văn Phong (2022), Viettel đứng thứ 18 thế giới về giá trị thương hiệu viễn thông. Truy cập tại: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/viettel-dung-thu-18-the-gioi-ve-gia-tri-thuong-hieu-vien-thong-685338
11. Vietnam Report (2021). Công bố Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021. Truy cập tại: https://vietnamreport.net.vn/Cong-bo-Top-10-Cong-ty-Cong-nghe-uy-tin-nam-2021-9941-1049.html
12. Việt Nga (2022), Chuyển đổi hạ tầng số vì nhu cầu phát triển. Truy cập tại: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1025119/chuyen-doi-ha-tang-so-vi-nhu-cau-phat-trien

TS. Lương Văn Hải
Trường Đại học Mở Hà Nội

Bài liên quan
  • Bảo mật truyền thông IoT qua mạng di động trong hệ thống ngân hàng số
    Bài viết đưa ra phương pháp bảo mật đa lớp để đảm bảo truyền nhận thông tin từ thiết bị IoT đến máy chủ qua mạng di động. Phương pháp đề xuất này sử dụng nhiều yếu tố khóa lồng nhau, khi được triển khai thực tế chúng sẽ cung cấp một giải pháp tổng thể về kết nối an toàn cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Về điều kiện phát triển Mobile-Money ở Việt Nam hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO