Từng bước hiện thực hoá mục tiêu sản xuất hydrogen

ĐÌNH VŨ| 01/08/2024 07:36

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu công suất sản xuất hydrogen đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030. Bà Stefanie Peters, Thành viên Hội đồng Hydro quốc gia CHLB Đức nhấn mạnh, đây là mục tiêu đầy tham vọng và cần những bước đi rất cụ thể để hiện thực hoá.

453063417_470537049114949_8342012118604754578_n

Toạ đàm Giới thiệu quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số vấn đề liên quan đến năng lượng tái tạo. Ảnh: NK.

Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) vừa tổ chức toạ đàm Giới thiệu quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số vấn đề liên quan đến năng lượng tái tạo; ký Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Tập đoàn Neuman&Esser (CHLB Đức).

Chia sẻ thông tin tại toạ đàm, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, ngày 1/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu tổng quát là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Cụ thể, về chuyển đổi năng lượng công bằng là phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Cùng với đó là xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Về phương án phát triển nguồn điện, Quy hoạch điện VIII đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.

Mục tiêu, đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật của Việt Nam khoảng 221.000 MW); phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới.

Đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500 MW.

Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ…) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.

Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới khoảng 15.000 MW đến năm 2035 và khoảng 240.000 MW đến năm 2050.

Khuyến nghị các giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện, ông Nguyễn Đức Kiên khuyến nghị, cần phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Kịp thời cập nhật tiến bộ khoa học - công nghệ trên thế giới về các nguồn năng lượng mới (hydro, amoniac…) để sử dụng cho phát điện;

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí sang nhiên liệu sinh khối, amoniac, hydro…; Tổ chức nghiên cứu, đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng phi truyền thống.

Giải pháp về pháp luật, chính sách, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu), sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và các quy định khác có liên quan, như: Xây dựng Luật Điện lực sửa đổi để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý các vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện; Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo; Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ngày 7/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Việt Nam phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ car-bon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030, và tăng lên 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050. Đây là nguồn năng lượng xanh, sạch, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng "0".

Đánh giá về mục tiêu nêu trên, bà Stefanie Peters, Thành viên Hội đồng Hydro quốc gia CHLB Đức, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Neuman&Esser cho biết, đây là mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần có những bước đi rất cụ thể.

Trong thời gian từ 30/7 - 2/8, đoàn công tác của Tập đoàn công nghiệp Neuman&Esser (CHLB Đức) đến thăm và làm việc tại Việt Nam để tìm hiểu về tình hình hiện tại, triển vọng của kinh tế vĩ mô Việt Nam, cũng như triển vọng của ngành công nghiệp hydrogen.

Bà Stefanie Peters cho biết, với lịch sử gần 200 năm (thành lập năm 1830), có 30 công ty con, xuất hiện tại 10 quốc gia trên thế giới, Neuman&Esser là doanh nghiệp hàng đầu của CHLB Đức về cơ khí chế tạo và hiện nay là thiết bị cho ngành hydrogen.

Đại diện Neuman&Esser khẳng định sẽ sớm quyết định đầu tư tại Việt Nam, trước mắt là mở Văn phòng đại diện, tiếp đến là đầu tư cơ sở sản xuất, ưu tiên đặt tại khu vực phía Nam, gần với thị trường năng lượng tái tạo nói riêng và công nghiệp năng lượng nói chung.

Ngày 30/7, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội và bà Thái Quỳnh Mai Dung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV, Tập đoàn Neuman & Esser đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp hydrogen tại Việt Nam, đặt nền móng cho việc nghiên cứu cơ bản về cơ chế, chính sách, pháp luật, thị trường cho việc đầu tư nhà máy sản xuất, nhu cầu cung ứng cũng như chuyển giao công nghệ hydrogen cho các đối tác tại Việt Nam.

TS. Trần Văn, Viện trưởng IDS khẳng định, việc NEA - một tập đoàn công nghiệp lâu đời và hàng đầu của CHLB Đức hợp tác với IDS - nơi tập hợp nhiều chuyên gia đầu ngành về chính sách công, kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành của Việt Nam, là sự lựa chọn hợp lý cho những bước phát triển về thị trường của Tập đoàn trong thời gian tới tại Việt Nam. Hai bên hoàn toàn tin tưởng vào thành công của sự hợp tác có ý nghĩa này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Từng bước hiện thực hoá mục tiêu sản xuất hydrogen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO