TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII là định hướng nhưng không phải bất biến. Nó "bất biến" ở mục tiêu đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển KT-XH, tiệm cận dần với năng lượng xanh, sạch nhưng phải "khả biến" ở chỗ nhà đầu tư thấy đầu tư vào đâu là phù hợp thì Nhà nước phải ưu tiên.
Việt Nam là một trong những nước có ưu thế sản xuất điện hydrogen/amoniac xanh do có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đường bờ biển dài.
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023 đặt tham vọng sử dụng hydrogen xanh và Amonia xanh với "Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ…) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước; Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới khoảng 15.000 MW đến năm 2035 và khoảng 240.000 MW đến năm 2050".
Phát triển công nghiệp hydrogen xanh đang được xem là một hướng đi mới cho Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, đây là một loại hình công nghệ mới với cả thế giới, vì vậy, để phát triển loại hình năng lượng này đặt ra cả thách thức và cơ hội cho Việt Nam. Để làm rõ hơn vấn đề này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Ông đánh giá thể nào về tầm quan trọng của Hydrogen/Amoniac xanh với dịch chuyển năng lượng của Việt Nam thời gian tới?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra yêu cầu phát triển xanh và bền vững. Để triển khai Nghị quyết, tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, từ nay đến năm 2030 sẽ ưu tiên phát triển năng lượng xanh, sạch, trong lộ trình đến năm 2050 thực hiện trung hoà phát thải (Net Zero). Việc triển khai các bước để thực hiện mục tiêu trên là rất quan trọng, trong đó, một trong những vấn đề được nêu rõ là "phát triển hệ thống lưu trữ và tích trữ năng lượng". Đây là vấn đề mới đối với cả quốc tế và Việt Nam.
Với tình huống năng lượng xanh, đặc biệt là điện mặt trời như Việt Nam hiện nay thì việc phát triển công nghệ lưu trữ là hướng đi tuyệt đối đúng để giải quyết các khó khăn khi đến hết giờ cao điểm các hệ thống năng lượng tái tạo không hoà được lưới - đây cũng là vấn đề gây "nhức đầu" khi phát triển hệ thống năng lược tái tạo, vì lo ngại "khoảng trống" mất an toàn cho an ninh hệ thống. Nếu xử lý được vấn đề này đồng thời sẽ xử lý được vấn đề của năng lượng tái tạo. Một điều may mắn là trên thế giới hydro/amoniac xanh cũng là lĩnh vực các nước tiến tiến, nhà đầu tư đang dốc nhiều công sức, trí tuệ, tài chính hỗ trợ. Nếu bắt kịp, Việt Nam có thể sẽ là một trong những nước đầu tiên áp dụng công nghệ xanh này.
Đã có nhiều đánh giá về vai trò và tiềm năng hydrogen/amoniac xanh với công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với đó là những thách thức với lĩnh vực rất mới này. Tham gia nghiên cứu vấn đề này, ông có thể chia sẻ rõ hơn về nút thắt với hydrogen/amoniac xanh ở Việt Nam?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Thách thức với Việt Nam hiện nay lớn nhất là nhận thức của xã hội và người làm công tác chính sách vĩ mô với hydro xanh.
Nguyên tắc của công nghệ mới là tính toán tác động môi trường, xã hội, và để giải quyết vấn đề này cần chi phí rất lớn. Giống như khi chúng ta bắt đầu phát triển năng lượng tái tạo điện mặt trời thì giá 1 KW điện năng lượng tái tạo mặt trời đắt gấp đôi năng lượng than. Vì vậy, việc đưa năng lượng xanh vào hoạt động đòi hỏi xã hội có nhận thức, chấp nhận "giá điện cao nhưng là giá điện xanh" mà không thể đòi hỏi "giá điện thấp vì thu nhập thấp". Nếu chúng ta cứ mãi lập luận theo cách "giá điện thấp vì thu nhập thấp" thì sẽ không bao giờ có công nghệ thân thiện môi trường để phát triển.
Khó khăn thứ 2 là toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước phải chuyển đổi nhận thực từ hỗ trợ sang đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhà nước không thể có đủ vốn đầu tư các công trình lớn để phát triển hydro xanh mà phải chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp, cộng đồng. Theo đó, cần phải có quan niệm đồng hành cùng doanh nghiệp. Quy hoạch điện VIII là định hướng nhưng không phải bất biến. Nó bất biến ở mục tiêu đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; bất biến ở chỗ phải tiệm cận dần với năng lượng xanh, sạch. Nhưng quy hoạch phải khả biến ở chỗ nhà đầu tư cảm thấy việc đầu tư vào đâu hoàn vốn nhanh, đảm bảo hệ số tài chính thì nhà nước phải ưu tiên. Mặc dù có thể lúc đầu quy hoạch không có dự án ở đó nhưng nhà đầu tư tính toán thấy phù hợp thì chúng ta phải tính toán lại để cân bằng.
Đối với doanh nghiệp cũng phải thay đổi nhận thức ngay từ khi đầu tư phân xưởng, nhà máy, cần phải đặt ra các vấn đề về môi trường. Ví dụ như làm nhà máy dệt may thì phải có điện áp mái để giải quyết vấn đề giảm phát thải nóng trên mái tôn, cùng với đó có thể sử dụng điện mái nhà để giải quyết một phần nhu cầu của người lao động, còn lại dùng điện lưới để chạy máy. Ý thức ngay từ đầu sẽ làm thay đổi tư duy của tất cả doanh nghiệp.
Với xã hội, chúng ta phải chấp nhận rằng, muốn phát triển bền vững, sống trong bầu khí xanh, sạch thì phải trả phí điện cao hơn, hình thành thói quen tiết kiệm điện, tiến tới hỗ trợ phát triển công nghệ tiết kiệm điện. Với bức tranh tổng thể như trên nền công nghiệp Việt Nam sẽ có sức bật mới.
"Quá mới" có thể coi là một trong những thách thức để phát triển Hydrogen/Amoniac xanh không, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Đây đúng là một thách thức nhưng với góc độ nghiên cứu vĩ mô thì chúng tôi thấy rằng đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Trên thế giới nghiên cứu, phát triển hydro xanh đã bắt đầu hơn chục năm trở lại đây nhưng việc hiện thực hoá từ nghiên cứu ra sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Nếu Việt Nam bắt đầu vào cùng thời điểm này thì chúng ta có thể trở thành một trong những nước đi đầu thế giới về công nghệ này. Đi cùng với đó, công nghệ mới bao giờ cũng đòi hỏi chi phí lớn hơn.
Gần đây, có một số ý kiến cho rằng nên có một luật mới về hydrogen/amoniac xanh. Đó là ý kiến không sai nhưng chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, có quan điểm đi tắt, đón đầu với 1 số quốc gia, vào 1 số lĩnh vực công nghệ đầu tầu. Vì vậy, trong xây dựng căn cứ pháp luật nếu có 1 bộ luật để hỗ trợ phát triển xanh, trong đó có hydro xanh là rất tốt nhưng trước mắt có lẽ phải bằng lòng với 1 đoạn trong nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách hàng năm. Ngay tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV này, việc Quốc hội có thể làm được ngay là yêu cầu Chính phủ phải có báo cáo về kế hoạch phát triển xanh và Quốc hội sẽ phân bổ ngân sách hàng năm để Chính phủ thực hiện kế hoạch ấy. Ở góc độ thực tiễn, đó là phương án tối ưu. Sau 5 năm chúng ta có thể thực hiện sơ kết, nếu thấy cần thiết có thể nâng thành luật riêng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!