Theo đại diện Tập đoàn năng lượng Neuman & Esser (Đức), năm 2022, có 534 dự án sản xuất hydrogen quy mô lớn với tổng trị giá 240 tỷ USD được công bố trên toàn thế giới. Là quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo, Việt Nam có nhiều điều kiện tốt để phát triển “nền kinh tế hydro”.
Ngày 12-9, tại Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức tọa đàm khoa học “Năng lượng mới (Hydrogen/Amonia xanh) - Xu hướng toàn cầu và triển vọng ngành kinh tế mới của Việt Nam”. Tham gia tọa đàm có đại diện các cơ quan hoạch định chính sách, đại diện một số tập đoàn năng lượng trong nước và quốc tế…
Theo TS Trần Văn, Viện trưởng IDS, lượng khí thải carbon trên thế giới đang ở mức gần 40 tỷ tấn/năm. Mục tiêu zero carbon (lượng khí thải carbon bằng 0) vào năm 2050 đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các quốc gia trong chuyển đổi năng lượng và áp dụng công nghệ giảm phát thải.
Một trong những giải pháp năng lượng mới đang được các quốc gia đầu tư phát triển là sản xuất hydrogen/amonia xanh - phương pháp sản xuất nhiên liệu thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió, sinh khối…). Hydro “sạch” tạo ra từ phương pháp này là giải pháp hiệu quả để tích trữ và lưu giữ năng lượng, phần lớn được ứng dụng trong công nghiệp và vận tải, có thể giúp giảm tới 80 tỷ tấn CO2 vào năm 2050.
Trình bày báo cáo nghiên cứu, đại diện Tập đoàn năng lượng Neuman & Esser (Đức) cho biết, hiện thế giới đã có 40 nước thiết lập chiến lược hydro quốc gia. Năm 2022, có 534 dự án sản xuất hydrogen quy mô lớn với tổng trị giá 240 tỷ USD được công bố trên toàn thế giới, tăng 49% so với năm 2021. Con số này được dự báo tiếp tục tăng. Là quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo, Việt Nam có nhiều điều kiện tốt để phát triển “nền kinh tế hydro”.
TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, việc này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tiến tới mục tiêu zero carbon, mà còn tạo cơ hội hình thành một ngành kinh tế mới có sức hấp dẫn FDI toàn cầu và vốn đầu tư tư nhân chất lượng cao.
Để ngành này phát triển, ông Kiên cho rằng, bên cạnh những ưu đãi về mặt bằng và đào tạo nhân lực, Nhà nước cần lưu ý thiết kế chính sách thuế hợp lý, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các năng lượng “xanh”, chấp nhận tính đúng, tính đủ giá năng lượng sạch. Điểm thuận lợi ở đây, theo TS Nguyễn Đức Kiên, năng lượng là loại “hàng hoá” đặc thù nên dễ dàng điều tiết được thông qua Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).
“EVN cần được tổ chức lại để đáp ứng tốt hơn nữa vai trò là công cụ điều tiết năng lượng của Nhà nước chứ không đơn thuần là doanh nghiệp kinh doanh thông thường”, ông Kiên nêu rõ.