Thúc đẩy nền kinh tế số

Bài và ảnh: NGUYÊN ANH| 18/12/2024 07:17

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để trở thành đầu tàu kinh tế số của cả nước. Kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố vào năm 2030…

Giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng sôi động. (Ảnh Thế Anh)
Giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng sôi động. (Ảnh Thế Anh)

Những kết quả đáng ghi nhận

Trong những năm qua, kinh tế số là một trong 10 lĩnh vực được thành phố ưu tiên phát triển. Các mô hình kinh tế nền tảng số cũng đã xuất hiện, nhất là công nghệ tài chính (Fintech).

Trong nhiều năm liên tiếp, báo cáo Global Fintech Hub xếp Thành phố Hồ Chí Minh trong danh sách các trung tâm Fintech mới nổi (Emerging Fintech Hub). Hiện, có khoảng 190 công ty Fintech đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 70% là các công ty khởi nghiệp của Việt Nam, trong đó, khoảng 50% số công ty có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thương mại điện tử được xem là phạm vi mở rộng của kinh tế số, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thành phố có thị trường hoạt động thương mại điện tử sôi động, có quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn nhất nước. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của thành phố luôn cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước.

Thành phố cũng liên tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024, cao hơn rất nhiều điểm số trung bình của cả nước và giữ thứ hạng cao trong các chỉ số thành phần.

Năm 2024, trụ cột về Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố đạt 98 điểm (dẫn đầu cả nước), trụ cột về Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng đạt 73 điểm (xếp thứ 2 cả nước) và trụ cột về Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đạt 96 điểm (dẫn đầu cả nước).

Ngoài ra, thành phố đã triển khai nhiều chương trình phát triển thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới với nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia giao dịch thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm 2024, thành phố triển khai chương trình "Trăm doanh nghiệp-Vạn đơn hàng-Triệu tài khoản" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp số hóa hoạt động kinh doanh, tiếp cận đa dạng tệp khách hàng tiềm năng và quảng bá thương hiệu.

Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết các doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử lớn của cả nước, như: Sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki...), bán hàng qua mạng xã hội, nền tảng trực tuyến (Facebook, Instagram, TikTok...).

Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố qua các năm lần lượt là 18,86% năm 2022 (xếp thứ 7 cả nước) và 21,5% năm 2023, thuộc nhóm 9 địa phương có tỷ trọng kinh tế số cao hơn 20% của cả nước. Tổng cục Thống kê đưa ra ước tính tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của thành phố Hồ Chí Minh các năm 2020-2023 lần lượt là 12,62% năm 2020, 13,84% năm 2021, 13,51% năm 2022 và năm 2023 là 14,65% (xếp thứ 7 cả nước).

Xây dựng chiến lược toàn diện phát triển hạ tầng số hiện đại

Ðể đạt mục tiêu phát triển mạnh mẽ kinh tế số, Thành phố Hồ Chí Minh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai giai đoạn 2025-2030. Ðó là phát triển các mô hình kinh tế trên nền tảng số và sáng tạo như: Kinh tế số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, kinh tế tri thức, kinh tế dữ liệu, kinh tế sáng tạo...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trong những năm tới, thành phố xây dựng chiến lược toàn diện để phát triển hạ tầng số tiên tiến, hiện đại, xanh, thông minh, mở và an toàn, ưu tiên trên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G, rô-bốt, công nghệ sinh học, in 3D, internet vạn vật và vật liệu mới.

Cùng với đó, thành phố xây dựng trung tâm dữ liệu tiên tiến, trung tâm tính toán hiệu suất cao, nền tảng số dùng chung, củng cố an ninh mạng; đầu tư xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư xây dựng khu công viên khoa học và công nghệ tại thành phố; bổ sung và hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung và hệ dữ liệu chuyên ngành.

Thành phố cũng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế số. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công; công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế-xã hội, cơ sở dữ liệu, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số; đẩy mạnh công tác quản trị số, hoàn thiện mô hình điều hành, quản trị dựa trên dữ liệu qua Trung tâm Ðiều hành thông minh (IOC); sử dụng dữ liệu lớn trong điều hành và ra quyết định, trong quản lý đô thị, hạ tầng giao thông; thúc đẩy tài chính số, thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng cơ sở dữ liệu, đo lường kinh tế số, kinh tế số trong các ngành.

Với mục tiêu phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực và các mô hình kinh doanh số, thành phố tập trung phát triển công nghiệp công nghệ số, các ngành công nghệ thông tin cốt lõi, sản xuất phần cứng công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, và doanh nghiệp công nghệ số mạnh, làm cơ sở phát triển kinh tế ICT và kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, giáo dục, y tế, quản lý đô thị và đất đai… với việc áp dụng công nghệ 4.0, rô-bốt, tự động hóa và hệ thống quản lý sản xuất thông minh.

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, như hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, tư vấn và đào tạo, xúc tiến thương mại và đầu tư…

Ðồng thời, thành phố đưa giáo dục số vào chương trình giảng dạy thông qua Chương trình dạy và học về kỹ năng số và STEM/STEAM trong bậc giáo dục tiểu học và phổ thông; chú trọng tập huấn, đào tạo giáo viên và trang bị đủ thiết bị, robotics, phần mềm; khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo kỹ năng số, STEM/STEAM, robotics để triển khai. Thành phố cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư liên quan để xây dựng, phát triển kinh tế số.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO