Thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh mới

Mạnh Chung - Đức Phan| 29/08/2024 07:37

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và xu hướng dịch chuyển chuỗi bán dẫn toàn cầu, các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam cũng cần có những thay đổi với những chính sách ưu đãi vượt bậc, đột phá mới để việc thu hút các “đại bàng” công nghệ cao thực sự hiệu quả và bứt tốc...

Thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh mới - Ảnh 1
Thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh mới - Ảnh 2

“Để thay đổi mô hình tăng trưởng, khoa học và công nghệ trong đó có công nghệ cao đóng vai trò hết sức quan trọng. Việt Nam đã có nhiều chính sách về đầu tư để thu hút FDI mang theo công nghệ cao đến Việt Nam. Các chính sách đó thể hiện qua ba nhóm công cụ chính là thuế thu nhập, thuế xuất nhập khẩu, thuế đất đai.

Việt Nam cũng có các tiêu chí để thu hút FDI được ưu tiên tập trung vào các khía cạnh địa bàn đầu tư, ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, quy mô dự án đầu tư.

Các chính sách ưu đãi này đều khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế với các nội dung ưu đãi khác nhau.

Đặc biệt, chúng ta đã có Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam đến năm 2030. Đây là một chủ trương quan trọng đối với thu hút FDI chất lượng. Luật Đầu tư 2020 có chính sách ưu đãi riêng với các dự án đặc biệt quan trọng như đầu tư vào trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và triển khai, các ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Có thể nói Luật Đầu tư 2020 đã cụ thể hóa rất rõ Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, chúng ta còn có các luật khác có liên quan đến thu hút FDI kèm theo công nghệ như Luật Công nghệ cao, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu… cũng có tác dụng làm cho môi trường đầu tư hấp dẫn hơn. Trên cơ sở đó chúng ta có các nghị định, thông tư cụ thể hóa các luật này.

Chính phủ còn có một số chính sách đột phá, ví dụ như Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 quy định về những ưu đãi đầu tư cao nhất dành cho những dự án đầu tư chiến lược cũng như đã đưa ra các tiêu chí rõ ràng hơn về chuyển giao công nghệ, đầu tư cho R&D, tham gia vào chuỗi cung ứng.

Như vậy, có thể nói chúng ta đã có rất nhiều chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư và đã tạo ra một môi trường đầu tư khá hấp dẫn để thu hút FDI mang theo công nghệ cao đến Việt Nam.

Tôi cho rằng các chính sách này đã mang lại hiệu quả tốt. Việt Nam là một điểm sáng trong thu hút FDI ở khu vực và trên thế giới, kể cả trong giai đoạn Covid-19. Thu hút FDI liên tục tăng trong những năm gần đây và liên tục đạt mức kỷ lục về vốn đăng ký và vốn thực hiện. Tính đến tháng 7 năm 2024, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện đạt hơn 12,5%, tăng 8,4%; vốn FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%, vốn FDI đăng ký điều chỉnh đạt gần 5 tỷ USD, tăng 19,4%. Như vậy cả vốn đầu tư đăng ký và vốn thực hiện trong 7 tháng đều tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Trong bối cảnh biến động trên thế giới như hiện nay, tôi cho kết quả như vậy là rất đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm như dòng FDI chưa có nhiều dự án mang đến công nghệ cao, chưa tạo ra sự lan tỏa về công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, FDI chưa thật sự “xanh”, đặc biệt là còn thiếu vắng các nhà đầu tư lớn, các đại bàng trong lĩnh vực công nghệ cao và có ảnh hưởng lớn đến một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh mới - Ảnh 3

Trong bối cảnh mới đang thay đổi rất nhanh chóng và khó đoán định, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách nhanh và kịp thời, phải có những chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa để có thể thu hút đại bàng công nghệ cao đến Việt Nam làm tổ. Theo tôi về giải pháp tập trung cho thu hút “đại bàng” FDI công nghệ cao, nên tập trung vào 5 điểm chủ yếu.

Thứ nhất, cần nhận diện rõ xu hướng và yêu cầu mới, đặc biệt là công nghệ, chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đặt ra và cần nghiên cứu các chính sách của các quốc gia trên thế giới (bao gồm cả các quốc gia có đầu tư lẫn các quốc gia thu hút đầu tư) về thu hút FDI công nghệ cao và phát triển các ngành công nghệ mới, trong đó có công nghệ bán dẫn để rút ra bài học Việt Nam cần phải phản ứng như thế nào cho thích hợp .

Thứ hai, có những cơ chế chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa trong tạo môi trường hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực công nghệ.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị để tham gia vào chuỗi cung ứng có liên quan đến các ngành công nghệ cao, ví dụ như ngành bán dẫn. Tùy vào năng lực của chúng ta để tham gia ở mức độ phù hợp. Việt Nam chưa thể vào ngay được những công đoạn phức tạp và khó của chuỗi cung ứng của các ngành công nghệ cao, nhưng có thể tham gia vào công đoạn thấp hơn như hợp đồng thiết kế một phần, đóng gói, đào tạo nguồn nhân lực…

Thứ tư, các trường, tổ chức đào tạo, viện nghiên cứu nên liên kết với các doanh nghiệp lớn để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các “đại bàng” khi họ vào Việt Nam và thậm chí phục vụ họ để họ điều động đi khắp nơi trên thế giới dọc theo chuỗi cung ứng của họ. Chúng ta đang có nguồn lao động trẻ, năng động, tiếp cận với công nghệ nhanh, đây là tiềm năng rất lớn.

Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, giải phóng tiềm năng, đảm bảo sự minh bạch và thuận lợi của môi trường đầu tư. Điều này luôn luôn phải có khi thu hút FDI nói chung và FDI đi kèm công nghệ cao nói riêng”.

Thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh mới - Ảnh 4

“Là người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ về an toàn thông tin mạng, ở nhiều vai trò khác nhau, tôi thấy định hướng thu hút đầu tư là việc rất quan trọng. Điều căn bản của việc đầu tư là thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào thực tế đem lại giá trị sớm hơn và thiết thực hơn.

Việt Nam đã có nhiều chính sách và dựa trên lợi thế địa chính trị đã thu hút được nhiều tên tuổi lớn đầu tư, đặt nhà máy ở nước ta. Từ vai trò một doanh nghiệp công nghệ, tôi quan tâm đến tính thực tế hơn, đó là “đem lại giá trị sớm hơn” và “thiết thực hơn” của các công nghệ cao.

Đối với công nghệ cao chúng ta nên nhìn nhận ở quy mô rộng hơn là một quốc gia, đó có thể là người sử dụng ở khu vực này hoặc châu lục này hoặc toàn cầu. Đem lại giá trị sớm hơn cho doanh nghiệp đó có thể là doanh thu, là trình độ nhân lực. Khi có đầu tư, doanh nghiệp có thể đưa tri thức mới hoặc vốn mới vào quá trình nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm, tính năng, công cụ hay công nghệ mới cho quy trình kinh doanh hiện hữu.

Nghiên cứu là quá trình lặp đi lặp lại của việc thử nghiệm, sai sót, học hỏi để tạo ra tính mới vừa vặn với quy trình kinh doanh và thị trường. Quá trình này thường khó triển khai nếu không có sự đầu tư bài bản, và khi có đầu tư thì doanh nghiệp sẽ phục vụ khách hàng tốt hơn, gia tăng giá trị tài chính tốt hơn. Việc này rất đúng cho bối cảnh hiện này khi mà công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã trưởng thành và đòi hỏi việc ứng dụng vào trong từng ngành nghề cụ thể để chứng minh tính ưu việt của nó. Ở Việt Nam, tôi chưa thấy nhiều ứng dụng của AI cho những ngành nghề rất then chốt của nền kinh tế như là nông nghiệp, y tế, giáo dục.

Thiết thực hơn, theo tôi, công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao rất khó để “làm tất ăn cả”. Tính thiết thực được đo bằng mức độ hữu ích của công nghệ khi đưa ra thị trường, và để mức độ hữu ích ngày càng trở nên gần với người dùng hay thị trường, thì các doanh nghiệp công nghệ cao có xu hướng chia công đoạn để chuyên nghiệp hóa theo từng chuỗi. Việc này khiến cho từng công đoạn nhỏ của công nghệ cao trở nên “hoàn hảo” đối với thị trường.

Doanh nghiệp cần lựa chọn công đoạn phù hợp với mình, và đây có lẽ là phần khó của doanh nghiệp Việt Nam. Ở bình diện chung, chúng ta chưa làm chủ lựa chọn công đoạn mà chúng ta muốn. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhận diện được thì sẽ có lời giải. Các ngành công nghệ cao như AI hay bán dẫn cũng tương tự, giá trị thặng dư lớn nhất thường nằm ở những công việc đòi hỏi chất xám cao nhất.

Với công nghệ AI cho mỗi ngành nghề cụ thể thì công việc có giá trị thấp nhất là thu thập và làm sạch dữ liệu, công việc có giá trị cao nhất là nghiên cứu và phát triển các thuật toán AI tối ưu và áp dụng được cho mỗi ngành nghề, yêu cầu cụ thể. Doanh nghiệp đang thiếu những sự hỗ trợ đầu tư để có nhân lực chất lượng cao và có thị trường cần những ứng dụng này.

Đầu tư tài chính, hợp tác nhân lực xuyên quốc gia có thể giúp doanh nghiệp giải bài toán về nhân sự. Nhưng thị trường đầu ra là bài toán khó hơn rất nhiều và cần sự đầu tư ở nhiều cấp độ, từ Chính phủ đến các hội đoàn. Thu hút đầu tư kèm theo thị trường đầu ra đang là bài toán lớn nhất của các doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam”.

Thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh mới - Ảnh 5

“Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 có một số chính sách mới. Ví dụ như hoạt động nghiên cứu sản xuất thí điểm có kiểm soát, cho phép các doanh nghiệp sản xuất có thể chuyển đổi sang nghiên cứu đổi mới sáng tạo, dịch vụ khoa học và công nghệ. Đây là cơ chế theo xu thế chung của thế giới.

Cùng với đó, để thu hút đầu tư, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những chính sách khác biệt, ưu đãi hỗ trợ. Với những dự án đầu tư quy mô lớn (từ 4.000 tỷ đồng trở lên) sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp có thể kéo dài đến 30 năm. Trong Luật cũng có những quy định chung về quỹ hỗ trợ đầu tư, khởi nghiệp…

Bên cạnh đó, hiện nay, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã báo cáo TP.Hà Nội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để sửa Nghị định 74/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Các nội dung sửa đổi hiện nay đang được rà soát.

Theo Nghị định 74, đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được hưởng cơ chế chính sách đặc thù ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (đã được đưa vào quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi)); chính sách kêu gọi huy động vốn xã hội hóa để đầu tư sâu về hạ tầng kỹ thuật… Ngoài ra còn có một số cơ chế chính sách xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; cơ chế xử lý giữa doanh nghiệp hạ tầng với cơ quan nhà nước trong đầu tư hạ tầng.

Để thu hút đầu tư công nghệ cao, cốt lõi nhất là các yếu tố môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Còn các cơ chế chính sách ưu đãi về thuế không phải là vấn đề lớn nhất, bởi Việt Nam đã chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024.

Do vậy những ưu đãi về thuế không phải là lợi thế mà điều quan trọng là môi trường đầu tư, hệ sinh thái các ngành công nghiệp phụ trợ; các điều kiện về hạ tầng (điện, nước, giao thông kết nối, logistics, nguồn nhân lực…).

Ngoài ra, vấn đề cải cách thủ tục hành chính trước, trong và sau đầu tư đầu tư cũng rất quan trọng và cần thiết. Đặc biệt tính chất khu công nghệ cao cho thuê đất trực tiếp phải tuân thủ các quy định của các điều luật, nên các thủ tục mất khá nhiều thời gian. Vì vậy, việc cải cách, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa là yêu cầu quan trọng để tạo điều kiện, sức hấp dẫn trong việc thu hút nhà đầu tư.

Sau khi chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quản lý, lãnh đạo thành phố rất quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Cùng với đó đang tập trung cải cách thủ tục hành chính, đưa ra các kế hoạch cải tạo lại cảnh quan, chỉnh trang đô thị, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng…

Theo tôi, với quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố cũng như các đơn vị phối hợp, sắp tới sẽ có những chuyển biến tích cực trong khu”.

Thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh mới - Ảnh 6

“Việt Nam đang có sáu yếu tố cốt lõi, quan trọng giúp tạo cơ hội cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm cao độ để phát triển ngành bán dẫn trong nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên.

Gần gây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ.

Thứ hai, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc thu hút FDI nước ngoài. Việt Nam có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) và tổ chức kinh tế quốc tế, có nhiều kinh nghiệm thu hút doanh nghiệp FDI nước ngoài, trong đó có các tập đoàn công nghệ cao từ Đài Loan (Trung Quốc).

Thứ ba, Việt Nam đang bắt đầu hình thành hệ sinh thái bán dẫn. Tôi thấy hiện nay Việt Nam đang có các doanh nghiệp nội địa năng động trong lĩnh vực chip như FPT, Viettel… tích cực kết nối với các nguồn lực quốc tế, trong đó có Đài Loan (TQ).

Thứ tư, vị trí địa lý chiến lược, đích đến phù hợp trong tình hình địa chính trị căng thẳng. Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng kết nối với các thị trường lớn trong khu vực, thuận tiện để thiết lập cơ sở nghiên cứu, sản xuất và phân phối với các ngành công nghệ cao.

Thứ năm, trữ lượng đất hiếm dồi dào. Đất hiếm đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị bán dẫn. Việt Nam đứng thứ hai thế giới về đất hiếm, chiếm hơn 18% trữ lượng đất hiếm toàn cầu. Đây cũng là một lợi thế để thu hút đầu tư ngành sản xuất bán dẫn đối với Việt Nam.

Thứ sáu, nguồn nhân lực phong phú, chi phí hợp lý. Việt Nam đang sở hữu lợi thế về nguồn lực trẻ và dồi dào. Đội ngũ nhân lực trẻ dễ tiếp cận với khoa học kỹ thuật để phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao. Nguồn nhân lực trẻ dồi dào cũng là lý do các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn của Đài Loan (TQ) tích cực tìm kiếm cơ hội mở trung tâm R&D tại Việt Nam.

Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội để thu hút đầu tư ngành công nghệ cao cũng như bán dẫn. FCC Partners cũng đang rất tích cực đưa các doanh nghiệp Đài Loan (TQ) trong lĩnh vực thiết kế bán dẫn và đóng gói, kiểm thử bán dẫn qua Việt Nam khảo sát và tìm hiểu môi trường đầu tư.

Đây là hai công đoạn phía doanh nghiệp Đài Loan (TQ) đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội và lợi thế cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài, trong đó có Đài Loan (TQ).

Trong khâu sản xuất, chúng tôi cũng tích cực hỗ trợ các đơn vị Việt Nam qua tiếp xúc và làm việc với doanh nghiệp sản xuất bán dẫn của Đài Loan (TQ) để trao đổi về các cơ hội xúc tiến đầu tư và hợp tác trong tương lai.

Ngoài rất nhiều lợi thế, thế mạnh nêu trên, Việt Nam cũng đang dần cải thiện một số điểm hạn chế trong việc thu hút công nghệ cao cũng như bán dẫn. Việt Nam đang tích cực tìm giải pháp đào tạo để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, tích cực hợp tác với các đơn vị quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ cần có những tổ chức tài chính, quỹ đầu tư tham gia nhiều trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa ngành vi mạch bán dẫn”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO