Tài sản ảo - vấn đề pháp lý và quản lý

LTV| 06/06/2024 12:11

Như nhiều lĩnh vực khác, những công nghệ số mới nổi hiện nay đã tạo ra nhu cầu cấp thiết xây dựng một khung pháp lý về tài sản ảo, cũng như định ra một sân chơi hợp pháp, bình đẳng và minh bạch cho các đối tượng sở hữu, cung cấp và dịch vụ liên quan đến tài sản ảo.

Tài sản ảo (VA - virtual asset) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP - virtual asset services provider) là một khái niệm mới, là loại tài sản mới nổi với nhiều ưu điểm vượt trội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc xây dựng luật pháp và quy định phù hợp để quản lý tài sản ảo là rất cần thiết.

Tài sản ảo, liên quan trực tiếp đến tiền ảo (virtual currency) - cũng có thể gọi là tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa, tiền điện tử - không phải là một khái niệm mới. Hiện nay trên thế giới đang lưu hành nhiều loại tiền ảo, trong đó thông dụng nhất là Bitcoin. Khác với tiền giấy truyền thống hiện đang sử dụng (bao gồm cả giao dịch tiền mặt và không tiền mặt) do các ngân hàng và tổ chức tài chính lưu giữ và quản lý, tiền ảo được lưu trữ trên máy chủ đám mây hoặc thiết bị điện tử cá nhân và có thể được sử dụng để trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng cách sử dụng các ứng dụng thanh toán.

Ưu điểm nổỉ bật của tiền ảo là khả năng bảo mật rất cao, tốc độ giao dịch nhanh và tiện lợi trong sử dụng.

Bitcoin và các tài sản ảo khác đang trở nên phổ biến và được thị trường chú ý khi giá của chúng đã tăng mạnh trong quá khứ, trong khi công nghệ blockchain có tiềm năng rất lớn.

Tài sản ảo không có dạng vật chất và là đại diện kỹ thuật số của giá trị có thể được giao dịch, chuyển nhượng hoặc sử dụng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư.

Tài sản ảo tồn tại trong môi trường kỹ thuật số, có giá trị kinh tế và có thể được giao dịch, có thể bao gồm: tiền ảo (Bitcoin, Ethereum, Litecoin, Dogecoin…), vật phẩm, nhân vật, tiền tệ trong trò chơi trực tuyến, mã thông báo trò chơi…

Tuy nhiên, cần phải hiểu các đặc điểm và rủi ro của tài sản mới nổi đó. Không như tài sản truyền thống, tài sản ảo thường không có bất kỳ giá trị nội tại nào và cũng không được hỗ trợ bởi chính phủ hoặc ngân hàng nào. Giá của chúng chủ yếu dựa vào niềm tin của nhà đầu tư cũng như cung và cầu thị trường vốn rất nhạy cảm với thông tin thị trường.

Điều này có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản và khả năng thao túng thị trường. Do tính chất ảo và kỹ thuật số, tài sản ảo liên quan đến nhiều loại rủi ro khác nhau, bao gồm rủi ro nền tảng giao dịch, rủi ro xuyên biên giới, tấn công mạng, bảo mật ví, rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ngày càng có nhiều vụ lừa đảo liên quan đến tài sản ảo , trong đó những kẻ lừa đảo sử dụng tài sản ảo làm mồi nhử để lấy tiền của bạn.

Sự cấp thiết của việc xây dựng khung pháp lý

Hiện tại, Việt Nam chưa có luật riêng về tài sản ảo. Luật Dân sự 2015 chỉ coi tài sản ảo là “tài sản khác” hoặc theo Nghị định 101/2020/NĐ-CP đã đề cập đến vấn đề quản lý, sử dụng dịch vụ thanh toán trung gian trên mạng.

Ngày 23/2/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, với mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo (VA) và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo (VASP), và chứng minh việc thực thi khung pháp lý. Thời hạn hoàn thành là tháng 5/2025.

Nhằm thu thập ý kiến của các đơn vị, tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực tài sản ảo, góp ý xây dựng khung pháp lý VA-VASP phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, đảm bảo lợi ích quốc gia và tương đồng với tiêu chuẩn quốc tế, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã liên tục tổ chức các chương trình lấy ý kiến góp ý rộng rãi của cộng đồng qua các kênh truyền thông và tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến công khai tại Hà Nội, TP. HCM và nhiều tỉnh thành.

Hội thảo khoa học “Góp ý xây dựng khung pháp lý VA - VASP - Nhìn từ góc độ người dùng” do VBA tổ chức ngày 5/6/2024 tại TP. HCM vừa qua là một trong loạt sự kiện này.

Việc Chính phủ quyết liệt thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó, bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ và biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, là một tín hiệu tích cực trong tiến trình xây dựng hành lang pháp lý về tài sản ảo, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) hoạt động hợp pháp và lành mạnh ở thị trường Việt Nam.

Theo số liệu từ Chainalysis được Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ trong một chương trình tập huấn tại Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam vào cuối tháng 8/2023, tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 - 10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD. Cũng theo Chainalysis, Việt Nam là nước có chỉ số chấp nhận tài sản ảo, tiền mã hóa top 3 năm 2023, riêng hai năm 2021-2022, Việt Nam dẫn đầu thế giới về chỉ số này. Đặc biệt, thống kê của Triple-A năm 2023 cho thấy Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền mã hoá cao nhất thế giới, với tỷ lệ 21,2% dân số.

Tuy nhiên, do thiếu hụt khung pháp lý, đến nay thị trường tiền mã hóa nói riêng và tài sản ảo nói chung vẫn đang trong giai đoạn không hoàn chỉnh, dẫn đến tình trạng hoạt động thiếu lành mạnh của phần lớn VASP. Để đóng góp ý kiến xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh nhằm quản lý và điều chỉnh VA và VASP hoạt động lành mạnh, Hiệp hội Blockchain Việt Nam mong muốn các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trực tiếp trong ngành Blockchain hoặc có quan tâm, nghiên cứu gửi ý kiến góp ý để Hiệp hội tập hợp, báo cáo các cơ quan chính phủ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Tài sản ảo - vấn đề pháp lý và quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO