Nếu không giải quyết được bài toán IPO cho các start-up công nghệ số, khó có thể nói đến thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, của quá trình chuyển đổi số, xây dựng và phát triển nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Quan điểm này được TS. Trần Văn – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) – đưa ra tại Tọa đàm “Tạo đòn bẩy thị trường vốn để các công ty công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số” diễn ra sáng 19/3/2025.
Sự kiện tập trung thảo luận về vai trò của thị trường vốn trong việc hỗ trợ sự phát triển và đổi mới cho các công ty công nghệ tại Việt Nam, các xu hướng cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, nhận diện vướng mắc và đề xuất các giải pháp cụ thể, qua đó đóng góp vào quá trình thực hiện Nghị quyết 57 – một quyết sách quan trọng được ví như “Khoán 10” của thế kỷ 21.
Chia sẻ tại Toạ đàm, bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc SSI Asset Management (SSIAM) chỉ ra một thực tế đáng suy ngẫm: các kỳ lân, start-up công nghệ Việt Nam vẫn đang tìm cách huy động vốn từ thị trường nước ngoài thay vì thị trường trong nước.
Cụ thể, trong nhiều năm qua, hầu hết các start-up Việt Nam đều lựa chọn thành lập công ty tại nước ngoài, đặc biệt là Singapore, để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Dù hoạt động kinh doanh diễn ra tại Việt Nam, việc đặt trụ sở ở nước ngoài giúp họ vượt qua những rào cản về pháp lý và tận dụng các cơ chế hỗ trợ huy động vốn linh hoạt hơn. Đó là xu hướng thứ nhất.
Xu hướng thứ hai là hệ thống doanh nghiệp start-up và hệ thống doanh nghiệp kỳ lân tthường đặt ra câu hỏi về việc huy động vốn tại các thị trường nước ngoài hay không, thay vì việc huy động vốn và niêm yết tại thị trường Việt Nam.
“Gần như không có một doanh nghiệp nào đặt mục tiêu, hoặc niềm tin rằng sẽ thực hiện được huy động vốn và niêm yết tại thị trường Việt Nam”, bà Ngọc Anh cho hay.
Thực tế này, theo Tổng giám đốc SSIAM, phản ánh rõ nét qua con số IPO khiêm tốn trong năm 2024 - chỉ có một thương vụ duy nhất, với lượng vốn huy động rất nhỏ so với các nước trong khu vực như Malaysia hay Indonesia.
“Và nếu chúng ta đặt câu hỏi, trong 10 năm vừa qua có doanh nghiệp công nghệ nào thực hiện IPO tại thị trường Việt Nam hay không, thì có lẽ câu trả lời là không. Như vậy có nghĩa là thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phải là một kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp công nghệ”, bà Ngọc Anh đặt vấn đề, đồng thời nhấn mạnh, cần phải đưa ra giải pháp để biến thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp công nghệ.
Đồng quan điểm với bà Nguyễn Ngọc Anh, TS. Trần Văn – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) cho hay, hiện nay, Việt Nam đã có một số công ty công nghệ có tiềm năng cạnh tranh trên trường quốc tế, song các doanh nghiệp này không thể lớn do gặp rào cản về huy động vốn để phát triển quy mô.
Cụ thể, theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 năm 2019, để thực hiện IPO trên sàn chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp cần bảo đảm có lợi nhuận trong 2 năm liên tiếp trước khi đăng ký IPO và không có lỗ lũy kế.
“Đây là khó khăn hay thậm chí là hàng rào kỹ thuật không thể vượt qua đối với doanh nghiệp start-up công nghệ, vì giai đoạn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp start-up thường kèm theo thua lỗ tạm thời do chi phí cao cho nghiên cứu và phát triển”, TS. Trần Văn đánh giá.
Xuất phát từ thực tế này, Viện trưởng IDS đề xuất một giải pháp có thể thực hiện ngay, đó là nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để start-up công nghệ có thể IPO trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tham gia đóng góp ý kiến tại toạ đàm, các chuyên gia cũng đồng tình về việc cần có chính sách đột phá để các doanh nghiệp công nghệ có thể huy động vốn trong nước, bảo đảm thực hiện nhanh và hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Trước mắt có thể xem xét khả năng cho phép các doanh nghiệp công nghệ thực hiện IPO và niêm yết mà không bị ràng buộc bởi điều kiện “không lỗ lũy kế” ngay trên HOSE/HNX, hoặc thử nghiệm trong khuôn khổ Trung tâm Tài chính Quốc tế đang trong quá trình xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
“Nếu không giải quyết được bài toán IPO cho các doanh nghiệp start-up công nghệ số, trong đó có doanh nghiệp fintech thì khó có thể nói đến thành công của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, của quá trình chuyển đổi số, xây dựng và phát triển nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, công dân số, làm nền tảng tăng trưởng với tốc độ 2 con số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, TS. Trần Văn nhấn mạnh.