Quy hoạch điện VIII: Nhu cầu vốn lớn nhưng cơ chế huy động chưa rõ ràng

Thanh Hương| 09/08/2023 11:25

Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư, gồm các nguồn vốn xanh từ nước ngoài cho phát triển năng lượng xanh.

Trong góp ý cho Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho rằng, kế hoạch cần làm rõ được các mục tiêu, định hướng, danh mục công trình dự án, phân kỳ đầu tư, cân đối nguồn vốn, các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện.

Theo đó, dự báo nhu cầu điện được lập cho từng năm nhưng việc lập kế hoạch phát triển nguồn điện, lưới điện lại theo giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, nếu không xây dựng mục tiêu phát triển các nguồn điện và lưới điện theo từng năm, Bộ Công thương cần làm rõ cơ sở xác định cân bằng cung cầu điện, bảo đảm đáp ứng đủ điện hàng năm, quản lý tiến độ của các cơ quan nhà nước, xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Cần bổ sung cơ chế giao doanh nghiệp Nhà nước triển khai hoặc lựa chọn nhà đầu tư để xem xét xã hội hoá lưới truyền tải điện

Về kế hoạch huy động vốn, do nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện Quy hoạch điện VIII là rất lớn, cần có sự tham gia của mọi thành phần kinh tế  và đa dạng hoá các nguồn vốn, trong đó có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính nước ngoài.

Tuy nhiên, Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII hiện chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút huy động các nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính nước ngoài nhằm thúc đẩy việc xây dựng, thực hiện các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; cơ chế lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện vừa đảm bảo tiến độ của quy hoạch vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường, cơ chế thu hút đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh… nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành điện.

Trước thực trạng triển khai quy hoạch điện giai đoạn trước còn xảy ra nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài ngay ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng chưa có phương án xử lý, có tình trạng được giao dự án nhưng không triển khai, chậm triển khai, không có khả năng triển khai nhưng không bị thu hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu bổ sung nội dung này vào giải pháp và tổ chức thực hiện trong Kế hoạch để giải quyết tình trạng trên.

Hiện Quy hoạch điện VIII có đề cập tới nhập khẩu điện tới 5.000 MW, thậm chí lên tới 8.000 MW đồng bộ với thực hiện liên kết lưới điện với Lào bằng các đường dây truyền tải 500 kV, 220 kV để nhập khẩu từ các nhà máy điện tại Lào.

Bởi vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị làm rõ kế hoạch cụ thể từng giai đoạn đến năm 2030 để phát huy cao nhất việc hợp tác giữa hai Chính phủ theo các biên bản và Hiệp định song phương đã được ký.

Với việc phát triển nguồn điện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị rà soát lại các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư và tình hình thực tế triển khai để xác định tiến độ phù hợp, vận hành giai đoạn 2021-2025 hoặc 2026-2030.

Đối với điện gió ngoài khơi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cần sớm tiếp tục nghiên cứu cụ thể hoá danh mục dự án và địa điểm cụ thể.

Về quy mô nguồn điện tại các địa phương, cần xem xét ghi chú làm rõ tích hợp nội dung các quy hoạch thuộc lĩnh vực điện lực theo Nghị quyết 110/NQ-CP làm cơ sở để thực hiện quản lý phát triển và đầu tư theo quy hoạch, cũng như cơ sở để thẩm định phương án phát triển mạng lưới cấp điện của các quy hoạch tỉnh có liên quan.

Với các nguồn điện mặt trời tập trung theo các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị rà soát quy mô công suất của các dự án theo địa phương để đảm bảo các yêu cầu tại Quy hoạch điện VIII, tránh phát sinh những tranh chấp pháp lý.

Liên quan đến phát triển lưới điện, Kế hoạch có dự kiến tiến độ đầu tư theo hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, đồng thời xác định dự án do Nhà nước đầu tư hoặc xem xét xã hội hoá. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc xác định các công trình, dự án lưới điện truyền tải do nhà nước đầu tư hoặc xem xét xã hội hoá cần bổ sung cơ chế giao doanh nghiệp Nhà nước triển khai hoặc lựa chọn đầu tư các dự án để xem xét xã hội hoá. Bởi đây là vấn đề vướng mắc, đặt ra nhiều rào cản trong việc bảo đảm lưới truyền tải.

Ngoài ra cần rà soát mức độ khả thi của các dự án/công trình lưới điện có tiến độ đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch điện VIII: Nhu cầu vốn lớn nhưng cơ chế huy động chưa rõ ràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO