Nâng hạng thị trường và chuyện “hút” vốn ngoại vào doanh nghiệp niêm yết

Vân Phong| 21/03/2024 09:51

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng vào năm 2025, việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp gắn với các tiêu chí phát triển bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp niêm yết thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn từ các tổ chức lớn nước ngoài.

Nâng cao chất lượng quản trị và trách nhiệm với nhà đầu tư là một giải pháp giúp doanh nghiệp theo kịp những thay đổi của cơ quan quản lý trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trái chiều thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Nói về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết tổng vốn FDI đăng ký hai tháng đầu năm 2024 đạt gần 4,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 38,6% so với cùng giai đoạn năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 3,6 tỉ đô la, tăng 55,2%.

Vốn thực hiện đạt 2,8 tỉ đô la trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 9,8% so với cùng đoạn năm 2023. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam có sự cải thiện.

“Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, khai thác tối đa thời cơ để thúc đẩy các lĩnh vực mới, ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế”, ông Dũng nói tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2024.

Trước đó, vốn FDI vào Việt Nam cũng ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2023 với số vốn giải ngân đạt 23,18 tỉ đô la trong tổng vốn đăng ký đạt 36,6 tỉ đô la.

Tuy nhiên nhìn trên cơ cấu dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam lại cho thấy sự chênh lệch. Thực tế, vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng trưởng sau giai đoạn dịch bệnh nhưng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) qua động mua cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp đã chững lại khá lâu. Thậm chí thời gian qua, dòng tiền này có xu hướng rút ròng trên thị trường vốn.

Năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị hơn 1 tỉ đô la trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2024, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị bán ròng của các quỹ ETF là 2.700 tỉ đồng, vượt giá trị rút ròng cả năm 2023 là 1.700 tỉ đồng.

Tương tự các quỹ ETF và quỹ chủ động, khối ngoại cũng bán ròng hơn 3.000 tỉ đồng trong hai tháng đầu năm, nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận đột biến.

Đáng lưu ý, Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường bị rút ròng trong cả hai tháng đầu năm 2024, trong khi các thị trường Châu Á lớn khác đều ghi nhận có dòng tiền giải ngân tốt trong tháng 2. Trong đó, Ấn Độ được rót 3,1 tỉ đô la, Indonesia với 70 triệu đô la.

Lý giải điều này, các chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, việc thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ nằm trong danh sách thị trường cận biên khiến dòng vốn ETF vào Việt Nam kém tích cực. Trong khi đó, dòng vốn ETF vào thị trường đang phát triển khác trong khu vực đều có mức bật tăng tốt trong hai tháng đầu năm.

Ông Johan Nyvene, Chủ tịch Công ty Chứng khoán TPHCM mới đây đã chỉ ra ba yếu tố khiến Việt Nam khó trong thu hút dòng vốn FII. Nếu không cải thiện, tình trạng rút ròng có thể còn tiếp diễn, tiếp tục làm lệch thêm bức tranh thu hút vốn ngoại vào Việt Nam.

Thứ nhất, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn không rõ ràng, hoặc đang hạn chế tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) ở mức 49%, ngay cả khi kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không hạn chế.

Thứ hai, hầu hết doanh nghiệp vẫn chỉ quen công bố thông tin bằng tiếng Việt, khiến nhà đầu tư quốc tế rất khó tiếp cận thông tin cũng như cơ hội đầu tư.

Thứ ba, thị trường vốn Việt Nam kém cạnh tranh so với nhiều thị trường vốn quốc tế khi yêu cầu nhà đầu tư ngoại phải ký quỹ trước giao dịch. Đồng thời, nhà đầu tư ngoại không được sử dụng margin (vay vốn từ các tổ chức tài chính trung gian) để đầu tư như nhà đầu tư trong nước.

Dự báo triển vọng thu hút vốn FII của thị trường Việt Nam, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu Việt Nam khó có thể đem lại sự bứt phá trong ngắn hạn, trừ trường hợp các giải pháp giúp nâng hạng thị trường được thực hiện quyết liệt hơn.

Về trung hạn, dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ dòng tiền chuyển dịch sang thị trường đang phát triển. Tuy nhiên điều này thường sẽ chỉ xuất hiện sau khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Doanh nghiệp cần chủ động thay đổi

Hơn 2.800 tỉ đồng là số tiền Công ty cổ phần Cơ điện Lạnh (REE) huy động được kể từ khi tiên phong cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán. Chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE, nhấn mạnh thị trường chứng khoán là nơi “tôi luyện” cho các doanh nghiệp niêm yết để làm ăn đàng hoàng và minh bạch. Đồng thời doanh nghệp niêm yết cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ với các bên liên quan như nhà đầu tư, nhà tài trợ, khách hàng, nhân viên và cả nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Với hệ sinh thái Vingroup, lợi ích thu về từ thị trường chứng khoán cũng là sự quản trị chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Hoạt động huy động vốn được thực hiện đa dạng từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu qua hình thức riêng lẻ và ra công chúng. Không chỉ là số tiền thu về, mà còn là những nhà đầu tư, cổ đông chiến lược, tạo thành một mạng lưới với kinh nghiệm, hỗ trợ và hợp tác về quản trị, sản xuất, kênh bán hàng, vốn hay công nghệ.

Yếu tố “trách nhiệm của hội đồng quản trị” là thách thức thực sự và cần quyết tâm lớn hơn để cải thiện để thu hút dòng vốn ngoại.

Với Vinamilk, từ một đơn vị kinh doanh đa ngành, đơn vị này đã loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện để mở giới hạn về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Quy định này đã mang tới lợi ích cho nhiều chủ thể như việc nhà đầu tư quốc tế rộng đường rót vốn vào Vinamilk, doanh nghiệp được gia tăng sức mạnh tài chính để phát triển.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sau Vinamilk, chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp chủ động làm gọn ngành nghề kinh doanh, nới room lên 100%, tạo cơ hội thực sự cho vốn ngoại gia tăng đầu tư vào doanh nghiệp nội.

Để thúc đẩy sự thay đổi từ chính doanh nghiệp niêm yết, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong quá trình sửa đổi Nghị định số 155/2020, cơ quan soạn thảo sẽ quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp đại chúng. Theo đó, doanh nghiệp phải rà soát ngành nghề đăng ký kinh doanh, chủ động làm gọn những ngành nghề không thực hiện và thông báo minh bạch tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại hàng năm.

“Đại đa số doanh nghiệp đại chúng hiện nay không rà soát, hoặc có rà soát nhưng không báo cáo/công bố tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, nên giới hạn đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài vẫn phổ cập ở tỷ lệ 49%. Trong lần sửa Luật Đầu tư tới đây, Ủy ban Chứng khoán đã đề xuất với Chính phủ về việc cần rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài ở những lĩnh vực đặc biệt của nền kinh tế”, bà Bình nói.

Cũng theo vị này, quy định tới đây sẽ yêu cầu doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn, tức có vốn góp của chủ sở hữu từ 120 tỉ đồng trở lên, phải công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Thời điểm dự kiến áp dụng từ 1-1-2025. Với các doanh nghiệp có quy mô vốn góp nhỏ hơn, thời điểm dự kiến áp dụng từ 1-1-2026.

Thực tế, Ngân hàng Thế giới (World Bank) từng cảnh báo sự hạn chế về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khiến thị trường Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa là 5 tỉ đô la. Bởi tới thời điểm đó, thị trường chỉ chiếm chưa đến 1% chỉ số thị trường mới nổi (EM) toàn cầu. Ngược lại, khi vấn đề về được giải quyết hoàn toàn, thì tỉ trọng của thị trường Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và điều này có thể thu hút 8-15 tỉ đô la.

Coi các doanh nghiệp niêm yết là “hàng hóa” trên thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho rằng, hàng hóa phải tốt và không có hàng giả. Để thực hiện mục tiêu này, bản thân doanh nghiệp luôn đặt đúng tầm trách nhiệm cho các vấn đề nhà đầu tư quan tâm và đã được cam kết tại công bố thông tin, hồ sơ phát hành. Ngoài ra, HĐQT công ty phải chịu trách nhiệm về công bố thông tin báo cáo định kỳ và giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn huy động được đặt đúng chỗ và phát huy hiệu quả.

Bổ sung, ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) đánh giá, chất lượng quản trị doanh nghiệp Việt Nam tăng từ thấp lên trung bình trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mức độ này vẫn thấp và kém xa so với nhiều nước ASEAN khác.

Dựa trên quan sát từ thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS, với tần suất đánh giá hai năm một lần), vị này cho biết, quản trị công ty Việt Nam so với khu vực có nhiều vấn đề cần cải thiện. Chẳng hạn, yếu tố “quyền cổ đông” và “đối xử công bằng giữa các cổ đông” gần tiệm cận mặt bằng chung trong khu vực do đã được quy định trong văn bản pháp luật. Trong khi đó, yếu tố “công bố thông tin và minh bạch” có thể tiệm cận khu vực nếu cải thiện chất lượng công bố thông tin.

Tuy nhiên, yếu tố “trách nhiệm của hội đồng quản trị” là thách thức thực sự và cần quyết tâm lớn hơn để cải thiện.

Với yếu tố “công bố thông tin và minh bạch”, ông long cho rằng cần nâng cao chất lượng công bố thông tin, công bố các thông tin quan trọng, gồm thù lao của từng thành viên HĐQT, mức chi phí trả cho các dịch vụ, đặc biệt là công bố thông tin bằng tiếng Anh. Theo khảo sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hiện chỉ có 10% công ty niêm yết công bố thông tin báo cáo bằng tiếng Anh.

“Tại mỗi kỳ đánh giá ACGS, 100 doanh nghiệp tại mỗi quốc gia tham dự sẽ được lựa chọn để chấm điểm. Tuy nhiên, do tình trạng công bố thông tin bằng tiếng Anh còn hạn hẹp, Việt Nam chỉ có thể lựa chọn 87 doanh nghiệp tham gia chấm điểm. Chưa kể, khoảng cách về thực hành quản trị và công bố thông tin của các doanh nghiệp rất lớn, vậy nên điểm trung bình bị kéo xuống thấp”, ông Long cho biết.

Với yếu tố đảm bảo trách nhiệm của HĐQT, vị này cho rằng trọng tâm cần cải thiện với các doanh nghiệp niêm yết là tỷ lệ của thành viên HĐQT độc lập, bộ quy tắc ứng xử, đạo đức, đào tạo phát triển năng lực thành viên HĐQT và kế nhiệm.

Bài liên quan
  • Cần “lấp đầy” khoảng trống lớn trong thu hút vốn FDI
    Các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) từ lâu đã chứng tỏ là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tại Luật Đất đai 2013 và dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này, các dự án FDI do cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dường như đang bị “đặt ra ngoài” diện được tiếp cận đất đai để phát triển dự án. ThS Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý bất động sản có những bình luận về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Nâng hạng thị trường và chuyện “hút” vốn ngoại vào doanh nghiệp niêm yết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO