Mất hút trái phiếu doanh nghiệp sản xuất

Hà Tâm| 07/01/2025 08:18

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng mạnh năm 2024, nhưng chủ yếu tăng ở nhóm ngân hàng, trong khi trái phiếu doanh nghiệp sản xuất mất hút. Trái phiếu phi ngân hàng được kỳ vọng tăng tốc trở lại trong năm 2025.

Nỗi buồn trái phiếu phi ngân hàng

Tính đến ngày công bố thông tin 3/1/2025, tổng giá trị phát hành TPDN năm 2024 đạt 445.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2023. Đây là mức tăng mạnh nhất chỉ sau năm đỉnh cao 2020-2021, trước khi “quả bom Tân Hoàng Minh” nổ ra, làm tan tác thị trường TPDN.

Mặc dù vậy, xét về cơ cấu nhóm ngành, TPDN năm 2024 vẫn còn vấn đề đáng lo, khi cơ cấu phát hành ngày càng lệch về nhóm ngân hàng với tỷ trọng lên tới 68,3%. Dù thị trường tăng trưởng gần 30%, song riêng nhóm ngân hàng tăng 55%, bất động sản tăng 15%, trong khi nhiều nhóm ngành suy giảm. Đặc biệt, TPDN ngành sản xuất gần như mất hút khỏi thị trường, trong khi năm 2023 chiếm tỷ trọng tới 8%.

Nói cách khác, kênh TPDN năm 2024 dù huy động thành công gần nửa triệu tỷ đồng cho nền kinh tế, song chủ yếu vẫn là ngân hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp phi ngân hàng, kể cả doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ lẫn doanh nghiệp bất động sản, huy động còn hạn chế.

Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng: “TPDN ngành sản xuất và dịch vụ, kể cả TPDN bất động sản còn thấp vì suy thoái kinh tế. Chúng ta đã đánh giá quá thấp mức độ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sự suy giảm lực cầu của nền kinh tế. Khi cầu giảm, doanh nghiệp không có nhu cầu về vốn. Đây là nguyên nhân chính khiến TPDN phát hành năm 2024 chủ yếu là trái phiếu ngân hàng, trong khi TPDN phi ngân hàng phục hồi chậm”.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings kỳ vọng, phát hành TPDN của nhóm doanh nghiệp phi tài chính năm 2025 sẽ sôi động hơn, nhờ tháo gỡ pháp lý trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng, hạ tầng…

Cụ thể, cầu vốn sẽ tăng từ một số ngành chủ chốt như bất động sản khu công nghiệp (ăn theo tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài), bất động sản dân cư (nhờ sự cải thiện về tiến trình tháo gỡ pháp lý dự án) và đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo (nhờ việc quyết liệt khôi phục tiến trình triển khai Quy hoạch Điện VIII nhằm đối phó với rủi ro thiếu điện vào năm 2026). Ngoài ra, cầu tín dụng tiêu dùng có thể sẽ cải thiện khi nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng mới…

Dù vậy, những rào cản, khó khăn với thị trường TPDN còn rất lớn. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, thị trường TPDN phản ánh rõ nét cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP ở Việt Nam cao, nhưng phần lớn chỉ dựa vào xuất khẩu (chủ yếu nằm trong tay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài). Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào xuất khẩu và chủ yếu là các doanh nghiệp trong ngành nông, lâm, thủy sản.

Tổng giá trị TPDN lưu hành tại thời điểm ngày 31/12/2024 là 1,26 triệu tỷ đồng, chiếm 11,2% GDP năm 2024. Mục tiêu dư nợ thị trường TPDN đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030 khá thách thức. Hiện tỷ lệ chậm trả TPDN vẫn cao và áp lực đáo hạn vẫn lớn.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của GDP còn đến từ đầu tư, nhưng giống như xuất khẩu, lĩnh vực đầu tư của Việt Nam cũng xuất phát chủ yếu từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực bán lẻ cũng rơi vào tình trạng tương tự.

“Doanh nghiệp sản xuất yếu, nền kinh tế dựa dẫm vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng. Đây là lý do TPDN phát hành trên thị trường chủ yếu là trái phiếu ngân hàng và một phần trái phiếu bất động sản, trong khi TPDN sản xuất hầu như không có”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Theo chuyên gia này, nhiều doanh nghiệp sản xuất thiếu vốn trầm trọng, nhưng không thể tham gia sân chơi trái phiếu do lãi suất cao, kỳ hạn phát hành ngắn, điều kiện phát hành ngày càng khắt khe. Ngân hàng vì vậy ngày càng “một mình một chợ” trên thị trường TPDN và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào tín dụng.

Chờ “làn gió mới” mang tên trái phiếu xanh

Ngoài kỳ vọng vào sự phục hồi của trái phiếu phi ngân hàng, năm 2025, các chuyên gia cũng mong đợi sự đột phá của trái phiếu xanh.

Theo thống kê của FiinRatings, có 18 lô phát hành trái phiếu xanh cho giai đoạn 2018-2023 và riêng trong 11 tháng đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận 4 giao dịch trái phiếu xanh được phát hành với tổng giá trị đạt 6.870 tỷ đồng có xác nhận đáp ứng tiêu chuẩn xanh quốc tế. Một số lô trái phiếu được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm và đánh giá xác nhận đạt chuẩn xanh quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Thuân kỳ vọng, thị trường TPDN sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ hơn của trái phiếu xanh trước yêu cầu của nhà đầu tư tổ chức và sự tự nguyện của doanh nghiệp, cũng như sự hoàn thiện khung pháp lý.

Theo FiinRatings, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh hiện mới đạt khoảng 6.870 tỷ đồng, chiếm 2% tổng trái phiếu phi ngân hàng phát hành từ đầu năm 2024.

“Chúng tôi kỳ vọng, Khung phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh sẽ sớm được Chính phủ ban hành trong năm 2025, nhằm tạo cơ sở phát triển tài chính bền vững tại Việt Nam, cũng như thu hút vốn xanh vào các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện việc thực hiện phát hành trái phiếu xanh chủ yếu dựa trên nguyên tắc tự nguyện và chiếu theo các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Thuân nói.

Việc thúc đẩy phát hành trái phiếu xanh sẽ giúp tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường TPDN và thu hút vốn tốt hơn từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Theo Luật Chứng khoán (sửa đổi), từ năm 2026, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân sẽ bị “siết” khi tham gia đầu tư TPDN.

Giới chuyên gia cũng kỳ vọng, trong năm 2025, các chính sách phù hợp sẽ được đưa ra nhằm thu hút nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm bù đắp sự thiếu hụt của nhà đầu tư cá nhân sắp tới. Việc cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn vào TPDN dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro (Risk-Base Capital) và việc “nới” quy định về đầu tư TPDN cho tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm… sẽ kích thích dòng vốn đổ vào thị trường này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Mất hút trái phiếu doanh nghiệp sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO