Tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đang có những dấu hiệu tích cực, do đó báo hiệu thị trường trái phiếu doanh nghiệp những tháng cuối năm 2024 và năm 2025 sẽ khởi sắc nếu hệ thống giải pháp trên đấy được thực hiện có kết quả.
Nhằm góp phần khơi thông, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sáng 16/8 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững".
Hội thảo có sự góp mặt của lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, Hiệp hội, các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty niêm yết, tổ chức xếp hạng tín nhiệm...
Nhadautu.vn xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), với chủ đề: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Thực trạng và triển vọng.
Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo Điều 4 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 1 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
Điều 2 Nghị định 153 quy định: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định các đối tượng được mua trái phiếu doanh nghiệp gồm:
- Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
- Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
Trái phiếu doanh nghiệp có một số đặc điểm: 1. Kỳ hạn trái phiếudo doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp; 2. Khối lượng phát hànhdo doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp; 3. Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu: i) Đối với trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước, đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu là đồng Việt Nam; ii) Đối với trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế, đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu là ngoại tệ theo quy định tại thị trường phát hành và tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. 4. Mệnh giá trái phiếu: i) Trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước có mệnh giá là 100 triệu đồng/bội số của 100 triệu đồng; ii) Mệnh giá của trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế theo quy định tại thị trường phát hành. 5. Lãi suất danh nghĩa trái phiếu có thể xác định theo một trong các phương thức: lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu/lãi suất thả nổi/kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi; Trường hợp lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi/kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể cơ sở tham chiếu để xác định lãi suất danh nghĩa tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu về cơ sở tham chiếu được sử dụng;
Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, nhà đầu tư mua trái phiếu có các quyền lợi sau:
- Được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định này; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu.
- Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.
- Được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
- Được yêu cầu người bán trái phiếu cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành khi mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quý I/2024 cho thấy sự trầm lắng về giá trị phát hành. Tuy nhiên, triển vọng trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 dự báo sẽ sôi động hơn nhờ sự cải thiện kinh tế vĩ mô làm tăng các hoạt động đầu tư và huy động vốn dài hạn, lãi suất ngân hàng thấp được duy trì, kỷ luật được nâng cao nhờ thị trường đã dần làm quen với những quy định mới.
Trong 3 tuần đầu tháng 3 thị trường chỉ ghi nhận 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 18-36 tháng, lãi suất 9,8%-10% và Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An 1.250 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 9,8%.
Theo số liệu từ FiinRatings, trong tháng 3, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 6 giao dịch phát hành với tổng giá trị 7.250 tỷ đồng từ 4 doanh nghiệp, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, lượng phát hành tăng 3,4 lần so với tháng trước. Hoạt động mua lại đạt mức 8.030 tỷ đồng, tuy tăng nhẹ so với các tháng trước nhưng cũng tương đối trầm lắng.
Tính đến hết quý I/2024, thị trường có 18 lô trái phiếu do 15 doanh nghiệp phát hành, giá trị đạt 18.750 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 55% tổng giá trị, doanh nghiệp xây dựng và vật liệu chiếm 24% và dịch vụ tài chính chiếm 8%.
Kỳ hạn phát hành trong quý I dưới 5 năm chủ yếu là trái phiếu tăng vốn, do các ngân hàng thương mại không tham gia...
Theo FiinRatings, tháng 3/2024 thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp có thanh khoản tốt; tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong tháng 3/2024 đạt hơn 79.000 tỷ đồng, tăng 49,4% so với mức bình quân tháng 2. Thanh khoản trung bình ngày tăng đạt 3.970 tỷ đồng, tăng 19,5% so với bình quân tháng 2. Trái phiếu ra công chúng đạt tổng giá trị giao dịch 6.700 tỷ đồng trong tháng 3 và thanh khoản bình quân ngày đạt 334 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng 2.
Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp của VISRating nhận định: “Những quy định còn lại của Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã có hiệu lực, bao gồm đăng ký giao dịch bắt buộc, quy định chặt chẽ hơn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc sẽ giúp hình thành kỷ luật chặt chẽ hơn giữa tổ chức phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư giúp nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới phát hành".
Chuyên gia của VISRating cho biết, gần 40% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã thực hiện đăng ký giao dịch trên Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) tới tháng 12/2023. Việc đăng ký giao dịch này sẽ giúp các công bố thông tin từ tổ chức phát hành được quản lý và thông tin nhà đầu tư được lưu ký tập trung dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước.
Việc xếp hạng tín nhiệm sẽ trở thành một nguồn thông tin bổ sung quan trọng cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường khi đánh giá về các doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn, vốn thường hạn chế công bố thông tin ra bên ngoài. Tại các quốc gia khác trong khu vực, xếp hạng tín nhiệm là một nguồn thông tin quan trọng khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển hơn về quy mô và chất lượng để nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác về rủi ro đầu tư, mức chịu đựng rủi ro phù hợp và phần bù rủi ro cần thiết đối với khoản đầu tư.
So với năm 2023, thị trường đối mặt với gánh nặng từ các lô trái phiếu doanh nghiệp chậm gốc/lãi được gia hạn thông qua Nghị định 08, ước tính giá trị cần xử lý đạt 99.700 tỷ, bao gồm những trái phiếu doanh nghiệp cơ cấu lại và giãn hoãn kỳ hạn đạt mức 195 nghìn tỷ đồng của 135 nhà phát hành cho đến ngày 31/12/2023, chiếm 16,13% tổng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành và 23,76% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng lưu hành. Bất động sản chậm trả chiếm 31%, Năng lượng chiếm 47,1%, Thương mại và dịch vụ chiếm 19,92%.
Năm 2024 giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ước tính đạt 234 nghìn tỷ đồng, trong đó ngành Bất động sản chiếm hơn 41%, tổ chức tín dụng chiếm 22,2%.
Từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lưc, các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn các phương án tái cấu trúc để xử lý vấn đề thanh khoản trước mắt.
Theo FiinRatings, 61,9% giá trị trái phiếu doanh nghiệp tái cấu trúc với gia hạn gốc/lãi chiếm 77,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp, là phương thức được áp dụng phổ biến nhờ tối ưu hoá chi phí và chỉ cần đồng thuận giữa hai bên liên quan so với phương thức khác như thanh lý tài sản đảm bảo, hoán đổi tài sản bất động sản hoặc quyền thu. Một số lô trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận thay đổi các điều khoản như điều chỉnh lãi suất, bổ sung tài sản đảm bảo cùng các cam kết khác. Trong giai đoạn tới, FiinGroup kỳ vọng tỷ lệ chậm trả sẽ tiếp tục tăng, song giá trị chậm thanh toán gốc/lãi trong năm 2024 sẽ thấp hơn so với năm 2023.
Áp lực thanh toán của doanh nghiệp Bất động sản được dự kiến khó được giải tỏa khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, vướng mắc pháp lý vẫn tiếp diễn vì độ trễ chính sách, các doanh nghiệp cần thời gian để cân đối lại dòng tiền kinh doanh. Rủi ro chậm trả của thị trường cũng sẽ gia tăng do một số điều khoản gia hạn trong Nghị định 08 đã hết hiệu lực lẫn áp lực từ các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có cam kết mua lại trong năm 2024.
Fiingroup kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn với việc áp dụng những yêu cầu cao hơn đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường, qua đó giúp hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi. Nhiều quy định trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực vào năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với tất cả các bên liên quan, hỗ trợ cho việc khôi phục niềm tin của thị trường. Nhu cầu phát hành lớn của nhóm ngân hàng để bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ dẫn dắt thị trường trái phiếu trong năm 2024.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán MBS, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 2 là 74.000 tỷ đồng, sẽ giảm xuống 52.000 tỷ đồng trong quý 3 năm nay.
Hiện tại tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 193.000 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường, trong đó, ngành Bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.
TPDN đang đứng trước áp lực lớn từ gánh nặng các lô trái phiếu chậm trả gốc/lãi được gia hạn thông qua Nghị định 08, đồng thời có cơ hội khi nền kinh tế năm nay có xu hướng tăng khá cao. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận đinh: GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01 là 6%; cộng đồng và xã hội kỳ vọng tăng trưởng nửa cuối năm sẽ cao hơn; do đó đó Bộ đã xây dựng 2 kịch bản, 1)Tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6%, cả năm đạt 6,5%; 2) Tăng trưởng quý III là 7,4%, quý IV là 7,6%, cả năm đạt 7% với hệ thống giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách, nhất là hổ trợ tài chính, tín dụng, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, cải cách nhanh hơn và có hiệu quả hơn nền hành chính quốc gia.
Trên cơ sở đó, tôi đồng tình với nhiều chuyên gia kinh tế về các giải pháp đối với trái phiếu doanh nghiệp, xin kiến nghị:
Trực tiếp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp là một số điều khoản trong Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hiệu lực, phải trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, trong đó có 3 điều kiện, điều khoản mà hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã cho phép là giãn, hoãn, cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp. Nếu Chính phủ không kịp thời ban hành quy định mới thích ứng với tình hình hiện nay thì tạo ra khoảng trống về pháp luật điều chỉnh hoạt động trái phiếu doanh nghiệp.
Để thị trường phát triển lành mạnh, có hiệu quả cần da dạng hóa trái phiếu doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư cá nhân, bởi vì thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ thực sự trở thành kênh dẫn vốn trực tiếp nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân, là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, giảm áp lực cung ứng vốn cho tín dụng ngân hàng.
Nghị định 88/2014/NĐ-CP được ban hành năm 2014 quy định về việc cấp phép và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đã tạo điều kiện thành lập một số tổ chức thị xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Đến nay đã có hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép hoạt động là CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (SaigonRatings) và CTCP Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings (FiinRatings). Số lượng tổ chức xếp hạng tín nhiệm Việt Nam tương đương với một số nước ASEAN. Indonesia có 2 tổ chức xếp hạn với hơn 700 doanh nghiệp đã được xếp hạng, con số tương ứng của Malaysia là 2 và hơn 250, của Philippines là 1 và hơn 75, của Singapore là 3 và hơn 100, cuả Thái Lan là 2 và hơn 200, của Việt Nam là 2 và 30.
So với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thì các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam có một số lợi thế: i) Am hiểu tập quán và văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam; ii) Phương pháp xếp hạng được thiết kế dựa trên tham khảo các tổ chức quốc tế, được điều chỉnh phù hợp với môi trường Việt Nam; iii) Chi phí xếp hạng của các doanh nghiệp Việt Nam bình quân thấp hơn so với chi phí xếp hạng của các nước trong khu vực.
Tuy vậy cũng có một số rào cản như số lượng doanh nghiệp tham gia còn ít, hạn chế về chất lượng dữ liệu về thị trường và doanh nghiệp phát hành và danh tiếng trên thị trường, đồng thời khuyến khích sự kết nối giữa công ty xếp hạng tín nhiệm với các bên tham gia thị trường như các công ty chứng khoán, các công ty tư vấn phát hành như kinh nghiệm của một số nước, theo đó các ngân hàng đầu tư và công ty chứng khoán tham gia tích cực vào quá trình đánh giá xếp hạng thông qua việc cung cấp, chia sẻ thông tin và tư vấn lộ trình phù hợp cho công ty được xếp hạng.
Coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, chính sách về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, về tình hình hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; khuyến nghị những rủi ro cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ; đào tạo nhà đầu tư về kiến thức tài chính, đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; nếu không minh bạch thông tin sẽ không thể và không bao giờ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp có chất lượng được.
Cần có thông tin về đường cong lãi suất trái phiếu doanh nghiệp để nhà đầu tư biết được mức giá đang giao dịch nhằm tránh tình trạng dò dẫm, không biết giá nào đúng để đặt lệnh giao dịch. Thông tin từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cung cấp độc lập, khách quan là yếu tố quan trọng cho khách hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Để nhà đầu tư gia tăng niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp thì quan trọng nhất làm sao vừa minh bạch thông tin, vừa đảm bảo thông tin chính xác, tin cậy.
Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu, đơn giản hoá quy trình thủ tục phát hành ra công chúng.
Hiện nay thủ tục phát hành trái phiếu còn phức tạp, thời gian phê duyệt dài nên doanh nghiệp găp khó khăn khi phát hành trái phiếu ra công chúng. Do vậy hạ tầng số áp dụng đối với hệ thống đăng ký mới, lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán quốc gia nhằm giúp phi vật chất hóa các chứng chỉ sở hữu trái phiếu, tăng cường việc thu thập và tập trung dữ liệu thông tin về các đợt phát hành và các công ty phát hành, cải tiến phần mềm cung cấp các mức giá niêm yết tham khảo trái phiếu doanh nghiệp trên hệ thống giao dịch OTC, rút ngắn quy trình thanh toán và giảm rủi ro thanh toán, nhờ đó tăng cường tính thanh khoản của việc giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trên thị trường, tác động tích cực đối với doanh nghiệp phát hành, tuy vậy việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Do vậy, cần tăng cường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai quy định mới của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Tình hình kinh tế- xã hội của nước ta đang có những dấu hiệu tích cực, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài và người dân gia tăng, do đó báo hiệu thị trường trái phiếu doanh nghiệp những tháng cuối năm 2024 và năm 2025 sẽ khởi sắc nếu hệ thống giải pháp trên đấy được thực hiện có kết quả.