Việc ban hành Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm vừa qua.
Sau kỳ họp, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan đã thực hiện rà soát kỹ thuật văn bản sau thông qua. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực văn bản Luật theo quy định.
Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Việc ban hành Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 Chương, 260 điều, trong đó, tập trung hoàn thiện các quy định, chính sách về 8 nội dung lớn.
(1) Xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 03 cấp; đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
(2) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầudự án có sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định.
(3) Thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
(4) Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất...
(5) Đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng.
(6) Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.
(7) Chế độ sử dụng đất đa mục đích; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác; đất có mặt nước sử dụng đa mục đích; hoạt động lấn biển...
(8) Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quản lý của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV trên tinh thần cẩn trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có tính kế thừa; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng; tăng khả năng chống chịu của hệ thống tổ chức tín dụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng.
Luật gồm 15 chương và 210 điều, tăng 5 chương và 47 điều so với Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, trong đó, tập trung hoàn thiện các quy định, chính sách về:
(1) Tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng; ngăn ngừa, hạn chế thao túng, chi phối hoạt động của tổ chức tín dụng thông qua các quy định như: tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ đối với người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng; mở rộng quy định người có liên quan của một số loại hình tổ chức tín dụng, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức của tổ chức tín dụng, giảm giới hạn cấp tín dụng theo lộ trình cụ thể; tăng cường công khai, minh bạch thông tin.
(2) Hoạt động của tổ chức tín dụng vừa đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn hoạt động vừa tạo điều kiện để tổ chức tín dụng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, bao gồm cả cung ứng qua phương tiện điện tử; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
(3) Tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách nhằm khẳng định địa vị pháp lý, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngân hàng này.
(4) Xử lý tổ chức tín dụng yếu kém như quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng.
(5) Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở luật hóa một số nội dung phù hợp tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.
(6) Quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực ngân hàng.