Chiều nay (22/11), lãnh đạo Viện chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) đã tham dự Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam” do trường Đại học Đại Nam tổ chức tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam" có nhiều đại biểu là các nhà quản lý đến từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý nhà nước như: Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan; cán bộ, giảng viên và nhà khoa học đến từ các trường đại học trong và ngoài nước; chuyên gia tài chính, ngân hàng và công nghệ đến từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và công ty Fintech.
Các diễn giả chính tại Hội thảo gồm: Mr. Hessel Abbink Spaink (Hà Lan), Mr. Maxx Tsai (Đài Loan), Mrs. Vaz, Elishia, Benchmark Suite (Mỹ), Dr. Hans Chen (Đài Loan), Prof. Tsang, Đại học Monash (Úc) và các diễn giả trong nước...
Về phía IDS, tham dự hội thảo có Chủ tịch Hội đồng khoa học IDS, TS.Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và TS. Hoàng Văn Ninh – Phó viện trưởng IDS.
Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận chính, tập trung vào các vấn đề lớn như: việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy khả năng hợp tác giữa ngân hàng thương mại, doanh nghiệp với công ty Fintech; những yêu cầu về quản lý rủi ro cũng như đào tạo đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực Fintech của đất nước...
Được biết, tính đến trước ngày diễn ra Hội thảo, BTC đã nhận được hơn 70 bài viết khoa học trong số gần 100 đề xuất nghiên cứu của các tác giả là giảng viên, nghiên cứu viên của các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà quản lý và chuyên gia Fintech. Các bài viết và đề xuất nghiên cứu đều tập trung khai thác những vấn đề chính của chủ đề Hội thảo như hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy khả năng hợp tác giữa ngân hàng thương mại, doanh nghiệp với công ty Fintech và bao gồm cả những yêu cầu về quản lý rủi ro cũng như đào tạo đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực Fintech của đất nước.
Kết quả của Hội thảo sẽ được phản ánh thông qua những kiến nghị sẽ được tập hợp và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền như Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng như các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan. Hội thảo kỳ vọng sẽ góp phần vào sự hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam, bắt kịp với xu thế và sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.