TS. Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch hội đồng khoa học IDS đã điều phối phiên thảo luận tại diễn đàn. TS. Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng khoa học IDS có bài tham luận “Chính sách tiền tệ và tỷ giá tác động đến doanh nghiệp trong ngắn hạn - trung hạn và dài hạn”.
Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; bà Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; TS.Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nguyên thành viên Tổ tư vấn về Kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ.
Về phía lãnh đạo tỉnh Bến Tre có bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre; ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.
Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương cùng 350 doanh nhân khắp 3 miền Bắc - Trung – Nam và các doanh nghiệp trong tỉnh.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, trước những ảnh hưởng đang thấy rõ của biến đổi khí hậu, việc cấp bách của Bến Tre là giữ được “đất” và “nước” theo đúng nghĩa đen của hai từ này. Hiện nay việc sạt lở và xâm nhập mặn là những thách thức cho phát triển bền vững của không chỉ Bến Tre mà cả các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, Bến Tre đang gặp thách thức lớn trong biến đổi khí hậu, dẫn đến việc thiếu nước ngọt và mặn xâm nhập… Chính vì vậy, theo TS. Trần Du Lịch, Bến Tre không thể phát triển theo mô hình kinh tế của các tỉnh Đông Nam Bộ mà phải lựa chọn phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. “Nếu doanh nghiệp không xanh hóa sản xuất kinh doanh sẽ không còn chỗ đứng trên thế giới”, TS. Trần Du Lịch khẳng định và kiến nghị Bến Tre nên tiên phong trong việc phát triển kinh tế xanh.
Trước những chia sẻ của các chuyên gia, ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, cho biết: Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bến Tre và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã xác định và dần chuyển dịch đầu tư sản xuất, kinh doanh theo 3 hướng mũi nhọn theo hướng xanh bền vững gồm: Kinh tế dừa – Kinh tế biển, thủy sản và kinh tế du lịch.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch VACOD cho biết, bối cảnh thị trường trong nước và thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0… Từ đó đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới để bắt kịp xu thế nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Diễn đàn được tổ chức là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước về Bến Tre tìm hiểu cơ hội đầu tư, góp phần xây dựng kinh tế địa phương theo hướng xanh bền vững. Trong đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre cùng với các doanh nghiệp đã có buổi tọa đàm giải đáp những vướng mắc về cơ chế chính sách đầu tư kinh doanh tại địa phương.
Trong khuôn khổ diễn đàn diễn ra buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre và Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Qua đó, tạo cơ sở để các Hiệp hội doanh nghiệp tăng cường vai trò của mình trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong chuyển đổi xanh, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ.