Kinh tế 2023 trước cơn gió thuận - nghịch

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính| 27/12/2022 11:52

Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ở kỳ họp vừa qua, nhiều lần từ “khó khăn” được lặp lại; hay những cụm từ khác thường nghe gần đây khi nói đến kinh tế trong và ngoài nước là “suy thoái”, “niềm tin lung lay”…

Trong khi đó, nhiều báo cáo của các cơ quan, tổ chức nhận định kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng của khu vực và thế giới… Điều này đặt ra yêu cầu đánh giá đầy đủ và đa chiều bối cảnh thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.

“Gió thuận” kèm thách thức bên ngoài

Kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết lĩnh vực, địa phương. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 8%, trong khi lạm phát bình quân tăng hơn 3%, xuất khẩu tăng khoảng 12%, tiêu dùng cuối cùng tăng trên 10%, đầu tư tăng khoảng 9%...

Có 3 lý do chính: Việt Nam kịp thời chuyển trạng thái chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường; kiên trì dùng nhiều chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các chỉ số tăng trưởng trên được đặt trong tương quan với mức nền khá thấp của năm trước.

Bối cảnh thuận lợi bên ngoài đang hiện rõ. Kinh tế thế giới năm 2023 có thể suy thoái, nhưng sẽ cục bộ tại một số khu vực hay quốc gia (Mỹ, châu Âu, Anh...) ở mức nhẹ và ngắn hạn, với mức tăng trưởng khoảng 2,2% (từ mức 3% năm 2022), sau đó có thể lấy lại đà tăng trưởng trước dịch (2,5-3%). Lạm phát toàn cầu đang dịu dần, giá xăng dầu - khí đốt và hàng hóa khác đang giảm nhẹ, CPI toàn cầu dự báo tăng khoảng 6,5% năm 2023 (từ mức bình quân 8,5% năm 2022) và có thể về mức 4% năm 2024.

Với bối cảnh này, các nước (nhất là Mỹ) sẽ giảm đà tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất từ cuối 2023. Như vậy, áp lực từ bên ngoài đối với lạm phát, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Kéo theo đó, rủi ro ở khu vực sản xuất, thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản sẽ giảm theo.

Mặc dù vậy, thách thức bên ngoài vẫn hiện hữu. Thứ nhất, dịch bệnh vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau.

Thứ hai, rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn, bảo hộ thương mại - đầu tư có xu hướng tăng.

Thứ ba, kinh tế thế giới suy thoái nhẹ (trong đó Trung Quốc tăng trưởng vẫn ở mức thấp - khoảng 4,5%), làm giảm nhu cầu thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế của Việt Nam.

Thứ tư, rủi ro tài chính - tiền tệ, thanh khoản, bất động sản toàn cầu còn ở mức cao, tác động đến thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản của Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Theo mô hình định lượng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 3 nước Việt Nam, Singapore và Campuchia (3 quốc gia có độ mở thương mại - đầu tư lớn nhất châu Á) chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực (giảm khoảng 2 điểm % tăng trưởng).

Trong bối cảnh đó, gió thuận trong nước chính là đà phục hồi năm nay, tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm tới. Mức tăng trưởng cao năm 2022 góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Lạm phát được kiểm soát tốt tạo điều kiện thích ứng, thận trọng (không phải thắt chặt) chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo dư địa mở rộng phù hợp chính sách tài khóa...

Nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển trung - dài hạn đã được chuẩn y; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục cho các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới. Một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và dần tháo gỡ... Với những lợi thế này, cơ hội để “vượt khó” trong năm tới rất lớn.

“Gió nghịch” nội tại

Kinh tế thế giới suy thoái khiến xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và huy động nguồn lực bên ngoài của Việt Nam khó khăn hơn và chậm lại. Lạm phát Việt Nam còn tăng do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022; và năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...).

Áp lực lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn do doanh nghiệp còn gặp khó... Những chính sách, giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư.

Vấn đề pháp lý, nguồn vốn, thị trường và lao động cho doanh nghiệp cũng cần thời gian để giải quyết. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát tiêu dùng bình quân 4,5%, cùng các mục tiêu khác, nếu không quyết liệt và khôn khéo trong điều hành, sẽ là thách thức rất lớn.

Theo tôi, cần có phân tích, dự báo sát tình hình trong và ngoài nước, chủ động đưa ra giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài. Những con số phân tích và dự báo này cần sát thực tiễn, bỏ qua bệnh thành tích để có được giải pháp hiệu quả. Vi phạm trên thị trường vốn vừa qua cũng cần được khoanh vùng, giải quyết nhanh chóng, công bằng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

Những nhiệm vụ khác như phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cân đối ngân sách trước mắt và lâu dài; tháo gỡ vướng mắc, nhất là về pháp lý và vốn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi, giải quyết các tồn đọng... đều đòi hỏi thái độ dám chịu trách nhiệm trong điều hành.

Năm 2023, cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng còn tiếp tục nên tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm có thể vẫn diễn ra, đòi hỏi giải pháp mềm dẻo, linh hoạt, đảm bảo cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ dám làm.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, quản lý rủi ro tốt hơn. Những chính sách, giải pháp này vừa là liều thuốc điều trị vừa giúp tăng năng lực tự cường, sức đề kháng của nền kinh tế và doanh nghiệp để năm 2023 sẽ khả quan hơn.

Bài liên quan
  • Phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
    Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ, kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế 2023 trước cơn gió thuận - nghịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO