Khi AI ra sức ‘vơ vét’ tài nguyên tri thức trên Internet

Nguyễn Lương Sỹ| 05/05/2024 19:20

Chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI) trong vài năm trở lại đây đã được “quần thảo” khắp mọi diễn đàn, nhưng chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. AI đã mang đến vô vàn tiện ích cho những người nắm bắt công nghệ. Từ viết lách, vẽ vời, lên ý tưởng, đến lập kế hoạch… AI tạo sinh đã và đang hỗ trợ đắc lực cho việc tối ưu hóa sức lao động của con người. Vậy nhưng, vô vàn rủi ro cũng theo đó rình rập phát sinh, đặc biệt khi liên quan đến vấn đề bản quyền.

Các mối lo ngại về bản quyền trong quá trình sử dụng AI thực ra chẳng có gì mới mẻ. Không chỉ dừng lại ở mức độ thảo luận, vấn đề này đã sớm leo thang thành các cuộc tranh chấp thực tế đang được thụ lý bởi tòa án nhiều nước. Hẳn cũng chẳng mấy ai bất ngờ khi biết rằng, OpenAI và Microsoft, các chủ nhân của ChatGPT lừng danh, đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện tụng nhất. Mới nhất là với tờ báo nổi tiếng The New York Times, trước đó là với hiệp hội tác giả lớn và lâu đời nhất nước Mỹ – Author’s Guild, hay hàng loạt vụ kiện tập thể với các tác giả, hay kỹ sư phần mềm.

Các tập đoàn lớn khác cũng không là ngoại lệ khi dính đến AI. Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta (công ty mẹ của Facebook) đều đang nỗ lực giải quyết nhiều tranh chấp với tập thể tác giả liên quan đến bản quyền. Công thức của các tranh chấp kể trên dường như cũng chỉ có một: AI đang “vơ vét” tài nguyên tri thức trên Internet, bao gồm cả hằng hà sa số tác phẩm đang được bảo hộ quyền tác giả. Lẽ hiển nhiên là các chủ thể liên quan không thể đứng yên nhìn đứa con tinh thần (và cả vật chất) của mình bị ngang nhiên sử dụng miễn phí.

Sáng chế, bí mật… nhìn đâu cũng thấy rủi ro

Sự phiền toái của AI không bị giới hạn ở quyền tác giả, mà dường như bất kỳ đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nào cũng đang đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng. AI đã len lỏi vào địa hạt phức tạp nhất như sáng chế, tạo ra những giải pháp kỹ thuật đạt trình độ ngang với con người. Vậy là giờ đây, các nhà chức trách phải đau đầu giải quyết vấn đề bảo hộ cho sáng chế tạo ra bởi AI, điển hình như chuỗi vụ kiện liên quan đến DABUS. Hệ quả pháp lý của nó thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của các triết lý về quyền sở hữu trí tuệ vốn đã đứng vững hàng trăm năm qua.

AI đã len lỏi vào địa hạt phức tạp nhất như sáng chế, tạo ra những giải pháp kỹ thuật đạt trình độ ngang với con người.

Đâu chỉ vậy, AI còn đang là mối lo ngại hàng đầu cho bí mật thương mại của doanh nghiệp. Các nền tảng AI vốn được khai thác chủ yếu bởi người dùng. Trong quá trình đó, người sử dụng có thể sẽ cung cấp thông tin bí mật cho AI dưới dạng dữ liệu đầu vào để trích xuất kết quả. Từ đó, người ta lo ngại rằng, các nền tảng AI có đủ bảo mật để không vô tình hay hữu ý tiết lộ thông tin đó cho một bên thứ ba không được phép.

Chẳng hạn, nhiều công ty luật lớn hiện nay bước đầu thử nghiệm một số công cụ AI để hỗ trợ hoạt động phân tích pháp lý. Nhằm thúc đẩy tiến độ, các luật sư sẽ cung cấp nội dung vụ việc cho AI để khoanh vùng, hay giới hạn phạm vi công việc. Ai dám bảo đảm rằng, công cụ AI đấy sẽ không tự động lưu trữ và “tiếp thu kiến thức”, rồi sử dụng nó làm nguồn dữ liệu đầu vào để trả lời cho người dùng khác?

Nguy cơ đối với sở hữu trí tuệ trong trường học

Rất nhiều trường đại học trên khắp thế giới đã bày tỏ sự quan ngại về tác động của AI đến hoạt động giáo dục. Một mặt, vô số nghiên cứu của các trường đang bị thu thập bởi AI để phục vụ cho nguồn dữ liệu đầu vào. Từ đấy, cơ sở giáo dục có lý do để lo lắng về sự sụt giảm khả năng khai thác thương mại đối với khoản đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Mặt khác, như đã nói, AI đang dần trở thành công cụ không thể thiếu cho tất cả mọi người, trong đó có người học. Sinh viên có vẻ ngày càng dễ dàng hoàn thành môn học hơn dưới sự trợ giúp của AI. Việc lạm dụng AI trong học tập và thi cử dẫn đến ít nhất hai nguy cơ rõ ràng.

Một là, gia tăng tình trạng đạo văn, vốn là điều đại cấm kỵ trong khoa học, khi người dùng không hề kiểm soát được nguồn gốc câu trả lời. Hai là, rất nhiều người dùng đã nhanh chóng nhận ra rằng, AI lắm lúc tự “sáng tác” câu trả lời cho các vấn đề khoa học mà không hề có bất kỳ cảnh báo nào. Từ đó, nếu người học quá phụ thuộc vào AI thì sẽ đối diện nguy cơ tiếp thu các kiến thức lệch lạc, sai trái.

AI cũng có nỗi lo riêng mình

AI gây ra quá nhiều lo ngại, nhưng bản thân nó cũng tự đối diện với những nguy cơ của riêng mình. Không phải nền tảng AI nào cũng thu thập dữ liệu đầu vào một cách bừa bãi, đặc biệt là khi pháp luật đang bắt đầu thắt chặt vấn đề khai thác dữ liệu. Vậy nếu một công cụ AI tự xây dựng được cơ sở dữ liệu hợp pháp, liệu nó có được độc quyền khai thác hay cũng sẽ bị khai thác lại bởi các công cụ cạnh tranh khác?

Về nguyên tắc, dữ liệu là đối tượng không có tính sáng tạo, nên không phù hợp để bảo hộ bởi luật sở hữu trí tuệ. Phần lớn các quốc gia hiện nay tuân thủ nguyên tắc nói trên, không cung cấp một cơ chế bảo hộ nghiêm ngặt nào cho hoạt động sưu tập dữ liệu. Điều này được hiểu rằng, một AI chỉ có thể được bảo hộ về thuật toán, chứ không được bảo hộ về cơ sở dữ liệu của mình, bất chấp việc nó được chủ sở hữu đầu tư rất lớn để thu thập một cách hợp pháp.

Liên minh châu Âu vốn từ lâu đã xây dựng một chế định riêng biệt với quyền sở hữu trí tuệ truyền thống, từ đấy thiết lập độc quyền cho các cơ sở dữ liệu được đầu tư đáng kể về tài chính, thời gian và công sức. Nhưng đến nay, châu Âu vẫn rất cô đơn với ý tưởng tiên phong này. Vậy mới nói, chính AI và chủ sở hữu nó cũng đang đau đầu với câu chuyện của riêng mình.

Bài liên quan
  • Gần 40% việc làm trên thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi AI
    Người lao động ở một số ngành nghề, lĩnh vực có thể bị tác động mạnh bởi AI và robot trong tương lai gần. Tuy nhiên, rất nhiều công việc mới sẽ được tạo ra, giải quyết các vấn đề phức tạp khi con người tự học để làm chủ AI và robot...

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Khi AI ra sức ‘vơ vét’ tài nguyên tri thức trên Internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO