Hãy lạc quan mới có niềm tin

TS Trần Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số| 24/01/2023 07:46

Năm hết, Tết đến, nhiều người vui, nhưng cũng có người lo. Vui vì nhìn lại một năm kinh doanh thành công, người lao động có thêm tháng lương thứ 13 theo luật định. Còn lo nhiều thứ lắm. Nào là kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm tới ra sao, bạn hàng, thị trường, sức mua, giá cả, tỷ giá…

Trong điều kiện bình thường có thể hoạch định, xây dựng kế hoạch sát với thực tiễn 8 đến 9 phần. Còn trong những bất ổn khó lường của thị trường, bất định của thế giới trong cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế và phân cực sâu sắc trong trung và ngắn hạn, quả thật là bài toán rất khó.

Thường vào những lúc khó khăn, người ta lại cố gắng tìm đến những tín hiệu lạc quan để lấy lại động lực hành động. Vậy trong trường hợp cụ thể của năm Quý Mão có những tín hiệu lạc quan nào?

Có lẽ nhiều người đồng tình là các nền tảng vĩ mô như cơ chế, chính sách, pháp luật, cán cân thanh toán, tỷ giá, nông nghiệp nông thôn… ổn định. Chính phủ, Quốc hội cũng đã hành động khẩn trương, quyết liệt. Nếu không làm công tác nghiên cứu, theo dõi phân tích, đánh giá chính sách, khó ai có thể nhớ được hết những chính sách đã ban hành, những nguồn lực tài chính đã phân bổ, những tiêu chí, định mức thụ hưởng cho từng đối tượng, lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách cần được đánh giá thực chất để ngày càng sát với thực tiễn, dễ thực hiện, cởi mở, công bằng, công khai và minh bạch hơn.

Một yếu tố nữa, là quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra với chiều hướng tích cực trên tất cả trụ cột, từ kinh tế số đến chính phủ số, xã hội số, đem lại những trải nghiệm mới cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân, giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của người dân và doanh nghiệp.

Nhiều kỳ lân công nghệ được hình thành, đi tiên phong trong chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy chất lượng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Các công trình dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi, viễn thông… được chỉ đạo quyết liệt, đã góp phần dần hình thành mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại của đất nước, tạo không gian phát triển mới, góp phần hạ giá thành sản xuất, logistics, dịch vụ sản xuất và xã hội, tăng cường năng lực cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nội bộ từng ngành, lĩnh vực kinh tế hay doanh nghiệp cụ thể với xu thế hướng tới công nghệ mới, công nghệ cao đang diễn ra một cách tích cực, tạo ra những xung lực mới cho những cơ hội mới.

Nhiều ranh giới ngành, nghề bị xóa nhòa nhờ sáng tạo công nghệ 4.0 cộng lực với trí tuệ nhân tạo AI, blockchain, cloud, phân tích dữ liệu, robot-tự động hóa…, đã mở ra những ngành nghề mới có sức cạnh tranh vượt bậc, tạo ra của cải vật chất với số lượng, chất lượng, trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.

Đã có những đổ vỡ, khó khăn nhất định do những yếu kém nội tại của nền kinh tế, và quản lý nhà nước chậm theo kịp những biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế do những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, những khó khăn trong ngắn hạn có thể tạo ra đường băng để nền kinh tế cất cánh, theo lý thuyết “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” của nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter (1942), để chỉ “quá trình biến đổi công nghiệp, liên tục cách mạng hóa cơ cấu kinh tế từ bên trong, liên tục phá hủy cái cũ, liên tục tạo ra cái mới”.

Đã có những đổ vỡ, khó khăn nhất định do những yếu kém nội tại của nền kinh tế, và quản lý nhà nước chậm theo kịp những biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế do những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ. Tuy nhiên, những khó khăn trong ngắn hạn có thể tạo ra đường băng để nền kinh tế cất cánh, theo lý thuyết “sự hủy diệt mang tính sáng tạo”.

Thời gian này, có lẽ thế giới đang chờ đón những đổi thay lớn lao. Vì thế khó tránh được những va chạm, xung đột như chúng ta đang chứng kiến. Những thay đổi lớn có thể tác động tới sự phồn vinh khu vực Âu - Mỹ, và những người đã từng khá giả đang khó khăn hơn, trong khi cuộc sống của người nghèo ở các nước đang phát triển hy vọng sẽ được cải thiện tốt hơn.

2023 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025, khi chúng ta sẽ kiểm điểm, đánh giá lại những thành tựu đã đạt được, những yếu kém, tồn tại đang níu kéo, làm chậm sự phát triển của đất nước, cũng như xác định lại những mục tiêu, cơ hội và thách thức phía trước.

Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển tích cực, đòi hỏi những đổi mới thực sự trong khung khổ pháp luật, cập nhật những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, trong công tác quản lý nhà nước, trong nâng cao chất lượng bộ máy công quyền, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hưởng lương ngân sách, đáp ứng yêu cầu không ngừng đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Hãy lạc quan, tự tin hướng tới tương lai. Vì chắc chắn năm mới Quý Mão sẽ mang lại nụ cười ấm áp, ánh mắt tràn đầy hạnh phúc cho ngót 100 triệu người dân trên dải đất hình chữ S muôn vàn yêu quý của chúng ta.

Bài liên quan
  • Nền tảng tăng trưởng mới
    TS. TRẦN VĂN - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách  Chúng ta bước vào năm mới Quý Mão trong một thế giới đầy biến động, sức ép cạnh tranh kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ và chỉ có năng suất, hiệu quả của nền kinh tế mới bảo đảm được sự phát triển bền vững của đất nước. Trong các điều kiện hiện tại, năng suất và hiệu quả của nền kinh tế chỉ có thể đến từ chuyển đổi số quốc gia, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Hãy lạc quan mới có niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO