Bộ Chính trị thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua chủ trương đầu tư dự án này trước khi Chính phủ trình Quốc hội…
Ngày 18/9, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận đây là công trình rất quan trọng và rất cần thiết.
Tuyến đường sắt tốc độ cao với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng Giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.
Dự án còn góp phần tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng với đó là bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics.
Tuyến đường sắt tốc độ cao là tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cần đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hoàn thành 1.541 km đường sắt tốc độ cao qua 20 tỉnh, thành phố trong 10 năm, phấn đấu xong năm 2035. Để đạt mục tiêu, cần nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất; nghiên cứu lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hồi tháng 7/2024
Trước đó, trong tháng 3/2023, kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có nêu rõ về định hướng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Từ thời điểm đó đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành khảo sát tại 6 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển trên thế giới.
Cụ thể, Bộ đã phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức 3 hội thảo về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các vấn đề liên quan đến đầu tư, khai thác và phát triển công nghiệp đường sắt; đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động nợ công của dự án.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cũng đã nhiều lần tổ chức họp cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, phương án đầu tư, tốc độ thiết kế, tổ chức thực hiện, phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách để đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước, Ban Kinh tế trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; các Ủy ban của Quốc hội; 24 bộ, ngành tham gia Ban Chỉ đạo, Ban Kinh tế Trung ương; ý kiến các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, Thường trực Chính phủ để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h.
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM). Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.