Doanh nghiệp fintech cần tập hợp để có tiếng nói chung

CVP| 02/12/2022 15:31

Hành lang pháp lý đối với hoạt động của các doanh nghiệp (DN) fintech còn rất nhiều khoảng trống, đòi hỏi phải ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung, thay vì đợi cơ quan quản lý đi giải trình với từng bộ, ngành. Vì vậy các DN fintech cần thành lập hiệp hội và chủ động, tích cực tham gia giải trình, cung cấp thông tin trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan.

Nhiều NHTM cũng đang chật vật để số hoá

Ông Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng có 3 xu hướng: (1) các NH áp dụng công nghệ số để cải tiến quy trình của mình; (2) các công ty công nghệ tài chính (fintech), các công ty công nghệ thông tin lớn (bigtech) tham gia cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính; (3) NH số hoàn toàn. Vậy Việt Nam đang nằm ở xu hướng nào trong dòng chảy số hóa của lĩnh vực tài chính – ngân hàng thế giới?

Trước đây, một ngày chỉ có khoảng 50.000 giao dịch thanh toán qua NH, hiện nay lên đến 8 triệu giao dịch/ngày, với giá trị giao dịch lên đến 40 tỷ USD. Các NH và trung tâm thanh toán kết nối liên thông, tốc độ giao dịch nhanh, chi phí thấp, nhờ đó gần như miễn phí dịch vụ. Cùng với NH, fintech phát triển rất nhanh và hiện đã có những công ty rất lớn. Tuy  nhiên Việt Nam chưa có NH số và NHNN chưa có định hướng cấp phép cho NH số đúng nghĩa.

Ông Quốc Anh chỉ ra những khó khăn chính của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Thứ nhất, khó khăn về nhân lực, vì để số hóa đòi hỏi phải có một lực lượng cán bộ giỏi về công nghệ thông tin (CNTT) và cũng phải hiểu biết tài chính, ngân  hàng. 

Thứ hai, chi phí đầu tư và vận hành số hóa rất lớn, hiện 10 NH lớn đang có hoạt động số hóa mạnh trên thị trường chi khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm, tức trung bình mỗi NH chi khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Hiện Việt Nam có hơn 30 NH nên khoảng 20 NH khó theo kịp chi phí này.

Thứ ba rất quan trọng chính là vấn đề pháp lý. Ông Quốc Anh phân tích, thực ra cơ sở để fintech và NH số hóa đang có rất nhiều. Chính phủ đã có “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (eKYC) phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Riêng NHNN cũng có Quyết định 810/2021, phê duyệt “Kế hoạch CĐS ngành NH đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ qua eKYC, ban hành tiêu chuẩn chung về thẻ chip, QR Code, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo trình cho Quốc hội sửa Luật Giao dịch điện tử 2005.

Vậy nhưng, các quy định cho số hóa trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng chưa rõ, chưa đồng bộ. Một số quy định về thủ tục dù số hóa nhưng vẫn yêu cầu giao dịch trực tiếp, chưa có nguồn dữ liệu xác định khách hàng qua kho dữ liệu dân cư. Các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số chưa bắt kịp với quá trình chuyển đổi số. Các quy định liên quan đến tố tụng, sở hữu trí tuệ chưa rõ ràng. Và một khó khăn nữa liên quan bảo mật thông tin khách hàng, bởi vừa qua các vụ lộ lọt thông tin khiến cho nhiều người dân lo lắng.

Khuyến khích liên kết giữa DN fintech với NH

Trên cơ sở phân tích thực trạng, Phó Viện trưởng IDS đưa ra một số khuyến nghị:

Thứ nhất là định hướng nào đối với Việt Nam để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng? Làm sao để các NH, TCTD tận dụng được các thành quả của công nghệ số nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích cho khách hàng? Ông Quốc Anh phân tích, do yêu cầu về nguồn nhân lực, vốn đầu tư, chi phí vận hành, nên việc số hoá các hoạt động là khó khăn lớn đối với rất  nhiều  NH.

Ở Việt Nam hiện nay có hơn 30 NHTM thì lĩnh vực được số hoá mạnh mẽ nhất là hoạt động thanh toán, trong đó cũng chủ yếu tập trung vào 10 NH lớn, trong đó 3-4 NHTM có vốn Nhà nước, còn lại là một số NHTMCP. Khoảng 20 NH còn đang rất khó khăn trong việc số hoá hoạt động.

Trong khi đó, thực trạng hiện nay là 72% DN fintech đang có các hoạt động phối hợp với NH thì hướng phát triển tốt nhất là khuyến khích hoạt động liên kết, hợp tác giữa fintech với NH để triển khai số hoá hoạt động.

Đề xuất thứ 2 là liên đến việc quan hoàn thiện khung khổ pháp lý để chuyển đổi số nhanh trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trong đó cần lưu ý rằng việc ban hành các quy định quản lý trong môi trường số hoàn toàn là rất khác biệt với các quy định pháp lý truyền thống.

Ông Dương Quốc Anh cho hay, việc ban hành các qui định pháp lý cho hoạt động của các TCTD bao giờ cũng đòi hỏi 3 nguyên tắc: (i) chặt chẽ, rõ  ràng  về pháp lý, (ii) tạo ra sự bình đẳng giữa các bên tham gia hoạt động, và (iii) tương xứng giữa mức độ rủi ro với các yêu cầu về mặt pháp lý. Nhưng trong điều kiện công nghệ số phát triển nhanh và khó lường thì 3 nguyên tắc này rất khó áp dụng và tất cả các quốc gia phải yêu cầu các cơ quan quản lý, gồm NHNN, Bộ Tài chính, Bộ TTTT, Bộ KHCN, cùng đại diện của ngành Công nghệ tài chính, tức là các Fintech, các chuyên gia, giới học thuật, phải tọa đàm, trao đổi một cách cởi mở với nhau để hiểu đầy đủ các nội dung, nhất là khả năng phát sinh rủi ro cũng như các giải pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro nếu có, trong quá trìnhxây dựng hành lang pháp lý. Khi chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chưa xác định rõ được rủi ro, đứng trước yêu cầu cần tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới, sáng tạo của các Fintech thì các quốc gia phải ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox đối với những sản phẩm mới này.

Trong khi đó, ở Việt Nam vừa qua, quá trình soạn thảo và thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các Fintech tham gia vào việc cung cấp một số dịch vụ tài chính, ngân hàng thì cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được rất nhiều yêu cầu của các bên có liên quan phải cho biết trước các rủi ro có thể phát sinh và cơ chế kiểm soát. “Vấn đề là chúng ta chưa biết rủi ro là gì, nên mới cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để xem rủi ro là cái gì”, ông Quốc Anh nêu nghịch lý.

Từ đó, ông đề nghị các DN fintech cần ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung, thay vì để một mình cơ quan chủ trì đi giải trình với các bộ ngành và các bên có liên quan. “Tôi rất mong là các fintech thành lập hiệp hội có tiếng nói chung và tham gia quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, từ đó giải trình cho các cơ quan quản lý để họ có thể hiểu được. Trong bối cảnh này đừng ngồi im chờ đợi cơ quan quản lý làm cho mình vì sẽ rất lâu”, ông Dương Quốc Anh khuyến nghị.

Kiến nghị thứ 3 của ông Quốc Anh liên quan tới việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Hiện nay có một vấn đề bất hợp lý ở thị trường tài chính Việt Nam là cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính lại nằm ở Bộ Công thương. Riêng lĩnh vực dịch vụ tài chính thì phải có cơ quan quản lý riêng. Ví dụ liên quan NH có cơ quan thanh tra giám sát NH. Liên quan đến bảo hiểm, chứng khoán, hay các dịch vụ tài chính khác, cũng phải có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.

“Khi các DN đưa ra sản phẩm cho người tiêu dùng thì họ cũng phải hình dung được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là như thế nào”, ông Quốc Anh chia sẻ.


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp fintech cần tập hợp để có tiếng nói chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO