Đề xuất quy định mới về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô

Minh Hiển| 02/11/2024 10:22

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, thay thế Thông tư số 19/2019/TT-NHNN ngày 5/11/2019.

Đề xuất quy định mới về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô- Ảnh 1.
Thống đốc NHNN chấp thuận thành lập chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô

Bổ sung thẩm quyền của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định: Tổ chức tài chính vi mô là tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Dự thảo đề xuất quy định thẩm quyền chấp thuận về mạng lưới của tổ chức tài chính vi mô.

Theo đó, Thống đốc NHNN chấp thuận thành lập chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô; bắt buộc chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô.

Dự thảo bổ sung thẩm quyền của Thống đốc NHNN chấp thuận các nội dung về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô để thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tài chính vi mô được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về thẩm quyền của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng. Theo đó, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng chấp thuận thành lập phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô; bắt buộc chấm dứt hoạt động, giải thể phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của tổ chức tài chính vi mô.

Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn (bao gồm cả trường hợp thay đổi địa điểm trước khi khai trương hoạt động); chấp thuận việc tự nguyện chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô.

NHNN cho biết, quy định thẩm quyền chấp thuận mạng lưới của Thống đốc và thẩm quyền chấp thuận mạng lưới của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên để thực hiện phân cấp thủ tục hành chính, nhằm giảm tầng nấc, khâu trung gian, tạo sự chủ động trong quá trình xử lý.

Không giới hạn mức nhận tiết kiệm bắt buộc của một khách hàng tài chính vi mô trong một ngày

Dự thảo đề xuất quy định về điểm giao dịch. Theo đó, tổ chức tài chính vi mô quyết định và chịu trách nhiệm về việc mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch do chi nhánh, phòng giao dịch quản lý trong phạm vi địa bàn hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch đó theo Quy chế quản lý hoạt động tại điểm giao dịch và quy định tại Thông tư này.

Việc mở, chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi điểm giao dịch hoạt động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tài chính vi mô quyết định mở hoặc chấm dứt hoạt động tại điểm giao dịch.

Chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô chỉ được thực hiện một hoặc một số hoạt động sau tại điểm giao dịch:

a) Nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu khách hàng;

b) Tư vấn, hướng dẫn việc thành lập nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn;

c) Tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ, hồ sơ vay vốn; tiếp nhận hồ sơ vay vốn; giải ngân và thu nợ đối với những hợp đồng tín dụng đã ký giữa chi nhánh hoặc phòng giao dịch với khách hàng;

d) Nhận tiền gửi tự nguyện trực tiếp của một khách hàng tài chính vi mô không quá 1,5 triệu đồng trong 01 ngày;

đ) Chi trả tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô.

NHNN cho biết, điểm mới của dự thảo là không giới hạn mức nhận tiết kiệm bắt buộc của một khách hàng tài chính vi mô trong một ngày như quy định tại Thông tư số 19 do về bản chất tiết kiệm bắt buộc được coi như tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng tài chính vi mô tại tổ chức tài chính vi mô. Do vậy, sẽ không phát sinh rủi ro đối với người gửi tiền tiết kiệm bắt buộc.

Đồng thời, dự thảo nâng giới hạn nhận tiền gửi tự nguyện của một khách hàng tài chính vi mô trong một ngày từ mức 01 triệu đồng tại Thông tư số 19 lên 1,5 triệu đồng cho phù hợp với mức tăng thu nhập tương ứng với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua của khách hàng tài chính vi mô.

Việc cho vay của chi nhánh, phòng giao dịch được thực hiện như sau:

a) Cho vay khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo cư trú hợp pháp trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch;

b) Cho vay khách hàng là cá nhân thuộc hộ nghèo, cá nhân thuộc hộ cận nghèo, người lao động tự do, hộ gia đình có thu nhập thấp chỉ được thực hiện thông qua tổ vay vốn và thuộc danh sách được tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch phê duyệt hoặc giới thiệu cho tổ chức tài chính vi mô. Tổ chức tài chính vi mô phải xác định được nơi cư trú hợp pháp của khách hàng trong tổ vay vốn, bao gồm cả các khách hàng không cùng cư trú trên cùng một địa bàn dân cư thuộc đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

c) Cho vay khách hàng là người lao động theo hợp đồng làm việc tại doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch.

Tổ chức tài chính vi mô phải xây dựng Quy chế quản lý chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch

Dự thảo Thông tư quy định, tổ chức tài chính vi mô phải xây dựng Quy chế quản lý chi nhánh, phòng giao dịch, Quy chế quản lý hoạt động tại điểm giao dịch để đảm bảo hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch và hoạt động tại điểm giao dịch an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật.

Quy chế quản lý chi nhánh, phòng giao dịch phải do Hội đồng thành viên của tổ chức tài chính vi mô ban hành và phải có tối thiểu các nội dung sau:

a- Hạn mức giao dịch đối với từng cấp quản lý tại chi nhánh, phòng giao dịch theo từng sản phẩm dịch vụ hoặc nhóm sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng;

b- Cơ chế quản lý, giám sát và chế độ thông tin, báo cáo giữa trụ sở chính với chi nhánh và giữa phòng giao dịch với chi nhánh quản lý phòng giao dịch;

c- Tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh Giám đốc chi nhánh, Trưởng phòng giao dịch hoặc các chức danh tương đương phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc;

d- Quy định về kho quỹ, phòng cháy, chữa cháy, điều chuyển tiền và lưu trữ chứng từ để đảm bảo an ninh, an toàn tài sản, trong đó quy định cụ thể mức tồn quỹ cuối ngày của chi nhánh, phòng giao dịch căn cứ vào điều kiện thực tiễn hoạt động và điều kiện an ninh, an toàn của chi nhánh, phòng giao dịch đó. Số tiền tồn quỹ cuối ngày vượt mức quy định phải gửi vào tài khoản ngân hàng của tổ chức tài chính vi mô.

Quy chế quản lý hoạt động tại điểm giao dịch phải do Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tài chính vi mô ban hành.

Tổ chức tài chính vi mô phải rà soát định kỳ các Quy chế nêu trên tối thiểu một năm một lần và sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) đảm bảo phù hợp với hoạt động trong từng thời kỳ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Bài liên quan
  • Tín hiệu gì từ việc NHNN tăng lãi suất trên thị trường mở?
    Ngân hàng Nhà nước có động thái tăng lãi suất trên thị trường mở trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn ở mức cao. Kịch bản tăng lãi suất tiếp tục được nhắc đến, nhưng thanh khoản thị trường được cho là vẫn ổn định và bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất quy định mới về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO