“Chất keo” kết nối nền kinh tế thực

CVP| 02/12/2022 14:59

Những doanh nghiệp (DN) tiểu thương và lực lượng lao động đi kèm theo họ là đối tượng ưu thế của fintech. Vì đối với ngân hàng (NH) họ gần như vô hình. Phần lớn trong số họ không tiếp cận dịch vụ cho vay hoặc các giải pháp tài chính của NH, vì NH không có số liệu để tham khảo và hỗ trợ.

2.png
Ông Nguyễn Bá Diệp (ảnh trái) và ông Huỳnh Trọng Thận (ảnh phải) phát biểu tại toạ đàm "Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Kinh nghiệm của Hàn Quốc", do IDS tổ chức ngày 24/11.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Ví điện tử MoMo:

NH số giúp bao phủ tài chính lên các đối tượng yếu thế

Theo thống kê hiện Việt Nam có 5 triệu DN cá thể sử dụng 28,8 triệu lao động, chiếm khoảng 55-60% trong lực lượng lao động chung. nhóm DN đó chủ yếu sử dụng tiền mặt và họ trả lương cho người lao động bằng tiền mặt. Như vậy, khi chuyển đổi số tập trung vào những DN đó, toàn bộ xã hội sẽ tự động chuyển đổi số.

Chúng tôi từng khảo sát khi làm việc với các DN này, điều đầu tiên họ hỏi là sẽ được lợi gì khi chuyển đổi số? Chi phí như thế nào? Có chịu thêm thuế hay không? Chúng tôi đã tiếp cận bằng cách tư vấn họ dán QR Code để xem khách hàng sử dụng dịch vụ có tăng lên hay không. Sau khi khách hàng dùng nhiều, các DN đó lại bày tỏ với chúng tôi là muốn có thêm nhu cầu khác (chẳng hạn như buôn bán trên đa nền tảng). Từ đó, chúng tôi xây dựng và phát triển dần.

Kinh nghiệm đó cho thấy rằng, những DN tiểu thương và lực lượng lao động đi kèm theo họ là đối tượng ưu thế của fintech. Vì đối với ngân hàng (NH) họ gần như vô hình, không tiếp cận dịch vụ cho vay hoặc các giải pháp tài chính của NH, vì NH không có số liệu để tham khảo và hỗ trợ.

Ở tầm rộng hơn, chúng ta nói rất nhiều về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính NH, song thời gian qua việc chuyển đổi số chỉ phát triển mạnh nhất trong lĩnh vực thanh toán và ứng dụng NH. Do vậy cũng có ý kiến cho rằng vì sao fintech và NH không kết hợp thành bộ đôi hoàn hảo? Thực ra với NH cũng có nhiều mối quan tâm khác nên số hóa chỉ là một phần công việc. Xa hơn nữa là vấn đề pháp lý, nếu cơ sở pháp lý vững vàng thì sự hợp tác của NH và fintech mới tạo ra thị trường mới, giúp cho việc cung cấp dịch vụ cho 5 triệu tiểu thương và 30 triệu khách hàng trong lĩnh vực đó.

Hay vì sao có ý kiến cho rằng fintech không làm luôn các dịch vụ như NH? Đúng là fintech không làm được như NH. Có hai lý do. Một là không có kinh nghiệm về quản lý tài chính và xử lý các vấn đề chi tiết chuyên môn sâu như NH. Hai là chính sách quản lý của NHNN đối với NH rất chặt chẽ nên fintech cũng không làm được.

Ngược lại NH muốn làm như fintech nhưng cũng không làm được. Vì quan điểm hai lĩnh vực khác nhau. Fintech tập trung vào phân tích dữ liệu và hành vi khách hàng để đưa ra sản phẩm phù hợp. Còn NH có sản phẩm và ngồi đợi khách hàng đến. Hai điểm chạm rất khác nhau nên không thể làm việc của nhau.

Chính vì vậy mô hình của NH số ở Hàn Quốc thú vị để Việt Nam tham khảo, vì đứng sau tất cả các NH số đều là các tổ chức tài chính và các NH. Bản chất những NH số cung cấp dịch vụ trong ngành tài chính NH, còn fintech đóng vai trò cung cấp cho khách hàng điểm chạm mới từ hệ thống dữ liệu của họ, điều đó giúp cho sự phối hợp toàn diện hơn.

Hiện nay MoMo hợp tác với nhiều NH để cung cấp một số dịch vụ cho NH. NH đang sử dụng công nghệ, dữ liệu và công cụ của fintech để thực hiện các sản phẩm, dịch vụ mới. Thí dụ như fintech cung cấp dịch vụ eKYC, tạo ra hệ thống thông tin tham khảo để chấm điểm tín dụng khách hàng trên dữ liệu lớn cho NH, vì NH chủ yếu tập trung chấm điểm trên thông tin tài chính. Hay các thông tin khác của khách hàng như mua gì, ăn gì, đi đâu, làm gì… là thông tin mà fintech có và đã dùng để hỗ trợ NH.

Đồng thời, fintech có thế mạnh về công cụ phòng chống lừa đảo trên môi trường mạng, vì hoạt động trực tuyến và toàn bộ sản phẩm đều tập trung ở đây. Các fintech cũng hỗ trợ NH thiết kế phần mềm thẩm định khách hàng. Lợi ích khi fintech phối hợp NH là toàn bộ các bước đều điện tử hóa nên triển khai rất nhanh.

Nhìn từ Hàn Quốc, họ có mô hình rất hay, tức họ dùng thông tin tín dụng của Chính phủ kèm theo tất cả các thông tin khác để xây dựng hệ thống đánh giá riêng của từng đơn vị, thông qua đó họ có thể “nói chuyện” với các NH, tức là qua fintech có thể biết lãi suất cho vay với khách hàng tại NH A hay NH B là bao nhiêu. Đó là những vấn đề Việt Nam có thể tham khảo.

Ông Huỳnh Trọng Thận, Giám đốc điều hành Finviet

Fintech đẩy nhanh tốc độ số hoá ngành bán lẻ

Khi nói đến số hóa ngành bán lẻ, cũng như việc áp dụng các dịch vụ fintech (công nghệ tài chính) cho nhóm đối tượng là người tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực này tại Việt Nam, có thể nhận ra ngay sự khác biệt của kênh hiện đại so với kênh truyền thống. Đó là kênh hiện đại được số hóa tốt hơn khi ứng dụng các dịch vụ fintech nhiều hơn. Thế nhưng, hiện nay kênh truyền thống vẫn đang thống trị với hơn 85%. Vì sao?

Thực tế hiện nay cho thấy, đặc thù văn hóa, địa lý của Việt Nam đã tạo điều kiện cho kênh bán lẻ truyền thống của các hộ kinh doanh cá thể vẫn tiếp tục chiếm vị thế thống trị. Ngay cả khi sự phát triển bùng nổ của kênh bán lẻ hiện đại trong những năm gần đây, thị phần của kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm đến 85%. Hiện ở Việt Nam có khoảng 4.000 cửa hàng tiện lợi, khoảng 300 siêu thị và đại siêu thị, trong khi số điểm bán lẻ truyền thống/tạp hóa có đến 1,5 triệu.

Với khoảng 80% nhãn hàng tại thị trường bán lẻ Việt Nam trị giá 220 tỷ USD, đang phân phối hàng hóa thông qua các kênh gián tiếp, tức không thể giao trực tiếp hay truy cập dữ liệu bán hàng trực tuyến đến các điểm bán lẻ và người tiêu dùng cuối.

Có nghĩa, khoảng 1,5 triệu điểm bán lẻ truyền thống nói trên không tiếp cận được giá cả nhất quán, chương trình ưu đãi trực tiếp từ các nhãn hàng, nguồn vốn lưu động để hỗ trợ kinh doanh. Ngay cả các kênh hay phương tiện thanh toán hiện đại và tiện lợi, vẫn chưa được trang bị số hóa thông qua các dịch vụ fintech cho nhóm đối tượng đông đảo này.

Hay bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của ngành ngân hàng và xu thế không tiền mặt tại Việt Nam, hiện vẫn có đến 70% người Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng cần thiết. Một trong những nguyên nhân do tỷ lệ phân bổ chi nhánh ngân hàng trên đầu người tại Việt Nam còn thưa thớt hơn nhiều so với các nước. Cụ thể, tại Việt Nam hiện độ phủ là 3,9 chi nhánh ngân hàng trên 100.000 người, trong khi tại Thái Lan con số tương ứng là 11,7, Malaysia 10,2, Indonesia 16,2, Nhật Bản là 34,1. Chưa kể rất nhiều thương hiệu ngân hàng và chi nhánh ngân hàng hiện chủ yếu tập trung tại các tỉnh thành lớn.

Với bối cảnh thị trường được nêu ở trên, rõ ràng cần có những nền tảng hệ sinh thái công nghệ đa dạng, có chiều sâu về chuyên ngành và đáng tin cậy giúp thúc đẩy nhanh hơn tiến trình số hóa ngành bán lẻ (đặc biệt là kênh bán lẻ truyền thống), kèm theo việc áp dụng các dịch vụ fintech bổ trợ và thúc đẩy trong hệ sinh thái này.

Hay nói nôm na, thị trường bán lẻ đang cần nền tảng hệ sinh thái công nghệ chuyển đổi số chuyên sâu cho ngành bán lẻ + B2B fintech platform. Trong khi đó thị trường fintech tại Việt Nam chủ yếu bị chi phối bởi những công ty fintech hoạt động theo mô hình B2C, để lại nhiều không gian và cơ hội cho B2B & B2B2C fintech.

Thực tế trong 4-5 năm trở lại đây, có nhiều DN lớn đã đầu tư rất mạnh vào công cuộc chuyển đổi số cho ngành bán lẻ tại Việt Nam. Đây thực sự là dấu hiệu rất tốt, dù việc này hiện chưa có tác động đến các hộ kinh doanh cá thể, chủ tạp hóa - những đối tượng tương đối lớn tuổi và ít gần gũi và quen thuộc với trào lưu chuyển đổi số hay thương mại điện tử.

Bởi lẽ, đặc thù trong ngành phân phối bán lẻ truyền thống tại Việt Nam, cơ bản vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào các nhà phân phối, nhà bán sỉ, địa bàn phân phối… Vì thế, các nền tảng công nghệ hay định vị chuyển đổi số trong ngành bán lẻ nếu có (và đang có) yếu tố sung đột với những bên hay yếu tố vừa nêu, sẽ không được ủng hộ và gặp rất nhiều trở ngại khi triển khai.

Bên cạnh đó, các kênh thanh toán đa dạng, tiện lợi, đặc biệt các gói tài chính phù hợp hỗ trợ cho việc kinh doanh của các đối tượng trong ngành bán lẻ trong công cuộc chuyển đổi số, chưa thực sự được để ý và kết hợp một cách hợp lý và hiệu quả, nên đang hoạt động khá đơn lẻ.

Chúng tôi là một trong những công ty fintech hàng đầu ở Việt Nam thành lập năm 2016, với mô hình kinh doanh độc đáo B2B2C, trọng tâm phục vụ các điểm bán lẻ trải dài trên khắp cả nước, CTCP Finviet đã và đang tham gia cũng như quyết tâm góp phần vào công cuộc chuyển đổi số cho ngành bán lẻ Việt Nam. Theo đó, Finviet xây dựng và cung cấp nền tảng hệ sinh thái công nghệ đa dạng và có chiều sâu cho tất cả các bên tham gia, trong chuỗi phân phối bán lẻ từ M2C và kết hợp cùng các dịch vụ B2B & B2B2C fintech, để tạo ra lợi ích rõ ràng cho các bên và tăng tính kết dính.


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
“Chất keo” kết nối nền kinh tế thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO