Cần giải pháp cụ thể để có nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp mới

TS. Trần Văn  - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sác| 14/07/2024 18:06

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao, có công nghiệp hiện đại. Điều này chỉ có thể đạt được khi 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng được thực hiện thành công, trong đó phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để có thể tạo ra sự đột phá về khoa học, công nghệ là quan trọng nhất và cần rất kiên trì, quyết tâm cao.

Ngày nay, khoa học và công nghệ phát triển với tốc độ khủng khiếp, một năm có thể bằng mấy chục năm trước đây. Công nghệ hôm nay được coi là mới thì chỉ một, hai năm sau đã trở nên lạc hậu. Chính phủ đã mạnh dạn đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp mới như vi mạch bán dẫn hay hydrogen gắn với chuyển đổi năng lượng, coi đây là những động lực tăng trưởng mới bên cạnh các ngành công nghiệp truyền thống như cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo...

Để đáp ứng những yêu cầu của các ngành công nghiệp mới, việc xác định những ngành, chương trình hay nội dung đào tạo mới không đơn giản. Để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, Chính phủ đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50 nghìn kỹ sư cho đến năm 2030. Vậy còn các ngành công nghiệp hydrogen, cơ khí chế tạo, vật liệu mới, công nghệ sinh học… thì cần bao nhiêu kỹ sư công nghệ? Hơn thế nữa, cơ cấu nguồn nhân lực lại phụ thuộc nhiều vào tốc độ đầu tư, trình độ phát triển, quy mô thị trường theo chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp mới ở Việt Nam.

nguồn internet
Nguồn: ITN

Hiện nay, chỉ riêng việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đã khá phức tạp do tích hợp nhiều ngành khoa học, công nghệ khác nhau. Chúng ta có một số thế mạnh như tư chất thông minh, đam mê, cần cù trong học tập, bền bỉ, năng động trong nghiên cứu, sáng tạo về công nghệ nhưng có thể yếu hơn so với thế giới trong một số lĩnh vực như tài chính, viễn thông, hàng không vũ trụ, nguyên tử...

Chương trình đào tạo kỹ sư trí tuệ nhân tạo AI của Tập đoàn Vingroup để xây dựng đội ngũ kỹ sư công nghệ chất lượng cao, có kỹ năng giải quyết các bài toán thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nguồn lực công nghệ trong hệ sinh thái của Tập đoàn và của nền kinh tế là mô hình kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và làm việc thực tế tại các dự án công nghệ trọng điểm của tập đoàn với nhiều ưu đãi về chi phí đào tạo và thu nhập cho học viên. Các doanh nghiệp chỉ bỏ tiền ra đầu tư khi thấy nguồn nhân lực chất lượng cao được bảo đảm. Nhưng các cơ sở đào tạo lại chỉ có thể thu hút sinh viên vào các ngành mới khi có thị trường lao động triển vọng.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hydrogen đặt ra tham vọng phát triển sản xuất năng lượng hydrogen theo chuỗi giá trị gồm sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế hydrogen và mục tiêu đến năm 2050, tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh.

Để tạo ra sự vượt trội về khoa học và công nghệ, nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, ngoài việc trọng dụng, thu hút nhân tài cả trong và ngoài nước thì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về giáo dục, đào tạo gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là then chốt của then chốt.

Chúng ta đã từng và đang thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều chương trình hỗ trợ có mục tiêu bằng ngân sách nhà nước. Thiết nghĩ, cũng nên tính đến một chương trình hỗ trợ ở tầm quốc gia để đào tạo kỹ sư tiên tiến trên cơ sở hợp tác, kết hơp chặt chẽ, đồng trách nhiệm giữa nhà trường và các doanh nghiệp công nghiệp lớn, cả của Nhà nước và tư nhân trong và ngoài nước.

Nhà nước có thể hỗ trợ toàn bộ hay một phần đầu tư các phòng thí nghiệm hay đào tạo lại, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy, hỗ trợ thu hút, tuyển dụng giảng viên từ các trường đại học hàng đầu khu vực, thế giới. Nhà nước hay doanh nghiệp có thể tài trợ toàn phần hay một phần học phí cho sinh viên dựa trên chất lượng tuyển chọn đầu vào và kết quả học tập hàng năm. Nên chăng, trong Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng lấy ý kiến và tới đây có thể sẽ là dự án Luật Năng lượng tái tạo, thiết kế một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo các kỹ sư tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới có đóng góp lớn vào kinh tế đất nước.

Các doanh nghiệp lớn tạo điều kiện để nhà trường tổ chức cho sinh viên kết hợp giữa học tập lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp, tham gia vào quá trình nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ cùng với đội ngũ chuyên gia của các doanh nghiệp công nghiệp đó hay tài trợ các dự án khoa học và công nghệ gần gũi với ngành nghề, sản phẩm chủ đạo của doanh nghiệp. Trong thời đại số hóa, doanh nghiệp có thể xây dựng các phòng thí nghiệm, phòng sáng chế ảo để sinh viên tham gia vào quá trình sản xuất, thảo luận công việc với các chuyên gia mà không phải đến nhà máy. Chỉ có như vậy, tham vọng đào tạo được đội ngũ kỹ sư ưu tú cho các ngành công nghiệp mới, thực hiện được giấc mơ bảo đảm chủ quyền công nghệ quốc gia và sánh vai với các cường quốc công nghệ trên thế giới.

Bài liên quan
  • Đề xuất một số chính sách đặc biệt phát triển công nghiệp bán dẫn
    Cùng với đề xuất nhiều quy định, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến quy định một số chính sách đặc biệt cho phát triển công nghiệp bán dẫn như: ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng…

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp cụ thể để có nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO