Cần "chạy đua" đưa Nghị quyết 193 vào cuộc sống

Vneconomy| 14/04/2025 10:18

Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo cấp cao về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Cần

Nghị quyết 57 và đặc biệt là Nghị quyết 193 được xem có tính chất “phá rào” những hạn chế, bất cập và cản trở sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như có tính đột phá và áp dụng ngay vào thực tiễn. Theo cảm nhận của ông, Nghị quyết 193 đang “thấm” vào thực tiễn như thế nào?

Tôi thấy lãnh đạo cấp cao rất quyết tâm, quyết liệt nhưng vẫn có cảm giác ở cấp cơ sở, cấp trung gian chưa có sự chuyển biến mạnh như cấp cao. Người ta vẫn có tâm lý e ngại những thứ mang tính đột phá như thế và vẫn muốn chờ đợi những văn bản hướng dẫn kiểu "cầm tay chỉ việc" thì mới dám làm, nhưng để có những văn bản ấy chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian.

Khi xây dựng Nghị quyết 193, chúng tôi cũng có ý kiến chọn lọc một vài vấn đề và làm rất cụ thể luôn. Nhưng vẫn có luồng quan điểm khác là văn bản ở cấp Quốc hội (Luật và Nghị quyết Quốc hội) thì không được cụ thể mà chỉ là luật ống, luật khung, nhất là Quốc hội vừa thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, trong đó quy định Luật và Nghị quyết của Quốc hội vẫn chỉ là về nguyên tắc chứ không được quy định cụ thể, chi tiết.

Đó chính là trở ngại lớn nhất, khác với luật ở nhiều nước khác. Luật của họ nhiều khi chỉ vài trang nhưng rất chi tiết cụ thể (như phương pháp làm, tiến độ, kết quả), nhưng luật của Việt Nam vẫn mang tính nguyên tắc là chính. Mặc dù Nghị quyết 193 đã tương đối cụ thể nhưng chưa cụ thể tới mức “cầm tay chỉ việc” để có thể làm ngay lập tức, mà vẫn cần văn bản hướng dẫn chi tiết của các cơ quan quản lý ở các lĩnh vực chuyên môn, vì thế Nghị quyết 193 có thể sẽ rất chậm vào cuộc sống.

Mặt khác, Nghị quyết 193 là nghị quyết thí điểm, hiệu lực chỉ tính bằng năm, đến khi các luật khác như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghiệp công nghệ số được ban hành thì có thể hết hiệu lực của nghị quyết thí điểm. Mà những luật đó dự kiến trong năm nay Quốc hội sẽ thông qua, do vậy tuổi thọ của nghị quyết thí điểm chỉ từ nay đến cuối năm. Thời gian rất ít mà tâm lý chờ đợi vẫn còn nên Nghị quyết 193 rất khó được triển khai ngay trong cuộc sống và thực tiễn.

Vì thế, nếu thực sự cần văn bản hướng dẫn thì các bộ phải làm rất khẩn trương, chỉ 1-2 tháng là phải có hướng dẫn, vì ngay trong Nghị quyết 193 cũng giao cho các bộ liên quan có hướng dẫn, nhưng có lẽ các bộ cũng chưa khởi động và không biết khi nào thì có văn bản hướng dẫn. Rất sợ những ý tưởng rất hay, rất đột phá, mang tính thí điểm lại không vào ngay được cuộc sống, mặc dù về nguyên tắc thí điểm được quyền vượt qua các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Viên chức đang vướng mắc thì nghị quyết thí điểm này cho phép làm khác với các luật quy định.

Nhưng nếu không có hướng dẫn kịp thời thì nghị quyết thí điểm lại mất hiệu lực ngay khi các luật khác được thông qua, như thế sẽ không có tác dụng. Ngay cả Nghị quyết 57 cũng phải chờ Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghiệp công nghệ số thì mới có thể đi vào cuộc sống.

Cần

Theo ông, Nghị quyết 193 đã giải quyết, khắc phục căn cơ và toàn diện những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong chính sách đối với việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa?

Nghị quyết 193 đã tháo gỡ một số vấn đề quan trọng. Thứ nhất, theo Nghị quyết 57, viên chức ở các đơn vị khoa học, công nghệ được phép tham gia và điều hành các doanh nghiệp do tổ chức khoa học, công nghệ chủ trì thành lập ra để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Nghị quyết 57 chỉ đề cập nguyên tắc, còn trong Nghị quyết 193 thì rất cụ thể là viên chức được thành lập và điều hành doanh nghiệp, nhưng vẫn hạn chế là chỉ những doanh nghiệp do tổ chức khoa học, công nghệ chủ quản của các nhà khoa học lập ra để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của họ, còn cá nhân nhà khoa học tham gia và điều hành doanh nghiệp bên ngoài (mà không phải của viện, của trường) thì vẫn chưa được.

Theo tôi, không nên hạn chế như thế mà nên cho phép, miễn là có kết quả nghiên cứu thì viên chức được phép thành lập và điều hành doanh nghiệp, không nhất thiết doanh nghiệp do viện đó lập ra thì mới được tham gia, còn nếu tự thành lập doanh nghiệp của mình thì lại không được. Đó vẫn là một hạn chế.

Cần

Thứ hai, chấp nhận rủi ro mạo hiểm và cơ chế quỹ, dù Nghị quyết 193 đã cụ thể hóa nhưng vẫn chưa đến mức chi tiết cầm tay chỉ việc nên vẫn phải có văn bản hướng dẫn, do vậy sẽ có những vướng mắc nhất định.

Ví dụ như cơ chế quỹ, điều quan trọng nhất là hàng năm Nhà nước phân bổ kinh phí từ ngân sách cho các quỹ phát triển khoa học, công nghệ của Trung ương và địa phương, phân bổ trước mà không cần danh mục các đề tài đã được phê duyệt trước (từ trước đến nay phải có danh mục đề tài cần phải làm, trong đó phải có thuyết minh đầy đủ, cả dự toán, sau đó mới tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước, rồi năm sau mới được cấp tiền). Cơ chế quỹ không cần danh mục này.

Ví dụ năm nay Nhà nước dành cho ngành khoa học và công nghệ 3% tổng chi ngân sách, trong 3% đó có cả chi thường xuyên, đầu tư, chi cho nghiên cứu. Có thể bóc tách trong 3% thì chẳng hạn 0,5% dành cho nghiên cứu, còn 2,5% cho chi thường xuyên và đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Như vậy, 0,5% đó cấp ngay vào các quỹ mà không cần phải xác định có bao nhiêu đề tài đã được phê duyệt. Sau đó các quỹ xét duyệt đề tài được đề xuất hoặc đặt hàng bất kể thời điểm nào thì ký hợp đồng rồi cấp tiền ngay, không phải tổng hợp vào danh mục trình Chính phủ và Quốc hội thông qua và năm sau mới được cấp tiền như các dự án xây dựng cơ bản.

Trong Nghị quyết 193 không nói rõ việc đó nên bây giờ người ta vẫn chưa làm, cho dù cũng đề cập đến cơ chế quỹ. Hôm trước, khi họp với Hà Nội liên quan đến triển khai Nghị quyết 57, tôi có góp ý Hà Nội có Luật Thủ đô, Nghị quyết 193 nên tận dụng quyền thí điểm cơ chế quỹ, giao bổ sung ngân sách luôn cho năm 2025.

Cụ thể như năm nay Hà Nội đã giao kinh phí cho các đơn vị làm nghiên cứu, nhưng bây giờ trên cơ sở cân đối 3% tổng chi ngân sách của Thành phố năm 2025 (dự kiến), ví dụ mới giao 0,5 hay 1% thì bổ sung cho đủ 3%. Ngân sách của Thành phố chủ yếu là chi cho nghiên cứu. Do vậy, Hà Nội phân bổ luôn cho Sở Khoa học và Công nghệ để áp dụng cơ chế quỹ. Tuy nhiên, có lẽ Hà Nội vẫn đang đợi Chính phủ và Trung ương hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, Hà Nội cũng chưa thành lập quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của thành phố, mà giờ thành lập quỹ thì quy trình thủ tục có khi mất cả năm.

Vì vậy, trước mắt có thể giao kinh phí cho Sở Khoa học và Công nghệ (cơ quan giúp việc cho Ủy ban) để họ lo giải ngân, miễn là theo cơ chế quỹ và không nhất thiết phải đợi thành lập quỹ. Sở làm theo cơ chế quỹ, tiếp nhận nguồn kinh phí bổ sung đó và duyệt đề tài đến đâu cấp tiền đến đó.

Thứ ba, cơ chế khoán chi. Trong nghị quyết 193 nói rõ áp dụng cơ chế khoán chi, dù cơ chế khoán chi đã được quy định tại thông tư liên tịch số 27 của Bộ Tài chính – Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành từ năm 2015, trong đó có khoán chi một phần và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Theo quy định hiện hành khi quyết toán là phải đúng như dự toán ban đầu. Ví dụ, nếu dự toán mua máy tính nhưng sang năm có máy tính tốt hơn và rẻ hơn, thì theo quy định hiện nay là không được phép mua vì không đúng dự toán ban đầu (nếu mua sẽ không được quyết toán).

Do vậy, nếu đã nhận khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì nên cho phép nhà khoa học được chủ động chi, miễn là không vượt quá tổng mức kinh phí của đề tài đã được duyệt, vì người ta có thể tiết kiệm khoản này và chi cao hơn cho khoản khác.

Cần

Nếu so sánh với các quốc gia có chính sách ưu việt để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là việc xây dựng được một hệ sinh thái về khoa học công, nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như phát triển được lớp doanh nghiệp lớn mạnh trong lĩnh vực này, theo ông, Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193 đã thực sự là “bệ phóng” tạo đột phá để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia?

Những quy định của Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193 đã bắt đầu tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Cơ chế khoán chi, cơ chế đặt hàng, cơ chế quỹ, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro… đều là thông lệ quốc tế. Làm khoa học ở các nước phát triển đều như vậy, như việc cho phép các giáo sư được thành lập doanh nghiệp, nhà khoa học được quyền chủ động chi tiêu… ở các quốc gia phát triển là chuyện bình thường, còn ở Việt Nam, vì xưa nay chưa làm nên giờ làm thì được coi là đột phá.

Vì thế, các chính sách, nghị quyết như trên đang tiệm cận dần với các thông lệ quốc tế - điều làm cho các quốc gia thành công trong việc phát triển khoa học, công nghệ.

Việt Nam có rất nhiều kết quả nghiên cứu tốt nhưng không thương mại hóa được. Ở các nước, quyền sở hữu của nhà khoa học là mặc định, tức nhà nước bỏ tiền cho nghiên cứu nhưng khi nghiên cứu thành công thì sở hữu là của nhà khoa học. Còn ở Việt Nam, theo quy định thì ai bỏ tiền người đó là chủ sở hữu. Nhà nước bỏ tiền cho nghiên cứu thì Nhà nước là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu.

Bởi thế, nhà khoa học không thể đem kết quả nghiên cứu, bằng sáng chế, bí quyết công nghệ sau khi nghiên cứu thành công chuyển giao cho doanh nghiệp, vì không thể bán tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước. Bằng sáng chế hay bí quyết công nghệ thì người làm nghiên cứu mới nắm, mới làm chủ được, nên phải là người trực tiếp làm có kết quả mới có thể chuyển giao được cho doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp làm, ví dụ như công thức pha chế thế này, quy trình chế tạo gia công thế kia thì mới có thể ra sản phẩm. Chưa kể đi đăng ký bằng sáng chế là phải chủ sở hữu mới được quyền đăng ký.

Phân tích như trên để thấy ở các nước thì giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho nhà khoa học là mặc định, dù Nhà nước bỏ tiền hay doanh nghiệp bỏ tiền nhưng khi nghiên cứu thành công thì chủ sở hữu chính là người làm nghiên cứu và người ta được quyền bán kết quả đó.

Cần

Ở Việt Nam còn một rào cản nữa là định giá, tức đã là tài sản nhà nước, muốn chuyển giao cho doanh nghiệp thì phải định giá. Tại sao phải định giá, vì Nhà nước muốn có căn cứ để thu hồi ngay vốn đầu tư cho nghiên cứu. Đó là tư duy cũ. Tuy nhiên, định giá thì hầu như không ai dám định giá. Kết quả nghiên cứu công nghệ là tài sản vô hình nên khó định giá hơn tài sản hữu hình.

Nhà khoa học thì không được quyền tự định giá, mà đi thuê các cơ quan làm định giá thì không ai dám làm, từ chối hết. Tài sản vô hình như bằng sáng chế, bí quyết công nghệ vô cùng khó định giá.

Ở các nước, mặc định người làm khoa học được quyền tự định giá, thỏa thuận với doanh nghiệp. Nếu giá cao quá thì doanh nghiệp cũng không mua, do vậy, giá là thỏa thuận giữa nhà khoa học với doanh nghiệp. Nhà nước sẽ thu hồi được vốn đầu tư nghiên cứu thông qua đóng thuế của doanh nghiệp sau khi đổi mới công nghệ nhờ nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Ví dụ: doanh nghiệp đang khó khăn, giờ nhận được công nghệ mới, từ đó ăn nên làm ra, đạt hàng trăm hay hàng nghìn tỷ doanh thu thì thuế đóng cho nhà nước lớn hơn rất nhiều phần vốn nhà nước bỏ ra cho đề tài nghiên cứu. Đó là cơ chế thị trường, ở nhiều nước người ta mặc định dù ai bỏ tiền nhưng nhà khoa học khi nghiên cứu thành công thì kết quả nghiên cứu đó thuộc quyền sở hữu của nhà khoa học và được quyền tự định giá. Nhà nước thu hồi đầu tư cho nghiên cứu thông qua thuế của doanh nghiệp.

Nếu áp dụng được quyền sở hữu và quyền định giá cho nhà khoa học thì nhà khoa học mới được lợi và xã hội cũng được lợi, nhà nước thu hồi được tiền đầu tư thông qua thuế. Nếu không làm được hai việc đó thì chắc chắn rất khó thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.

Cần

Đơn cử như Trung Quốc, quốc gia được xem là hình mẫu trong việc tạo đòn bẩy chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ như vũ bão trong khoảng một thập kỷ qua. Vậy theo ông, đâu là những điểm chính sách điển hình mà mình có thể tiếp cận hay học hỏi để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, động lực chính để phát triển đất nước trong giai đoạn tới, thực sự cất cánh?

Một là, Nhà nước phải đặt hàng nghiên cứu phục vụ cho sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Nhà nước thấy sản phẩm nào cần thiết cho xã hội và có thể tạo ra sức cạnh tranh thì phải đặt hàng nghiên cứu. Đi đôi với đặt hàng là Nhà nước đầu tư. Ví như việc làm đường sắt cao tốc Bắc Nam. Các doanh nghiệp, chẳng hạn như Hòa Phát, nếu nhận làm đường ray thì Nhà nước đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu và Nhà nước đầu tư kinh phí nghiên cứu. Hòa Phát tuy là doanh nghiệp lớn nhưng cũng không thể đủ nguồn lực để làm một dự án khổng lồ như thế và làm chưa chắc đã có lãi, do vậy Nhà nước phải đầu tư.

Hai là, Nhà nước phải lo đầu ra cho doanh nghiệp, tức là lo thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước không thể hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất thì Nhà nước có thể hỗ trợ qua khoa học, công nghệ, tức đầu tư cho doanh nghiệp làm chủ công nghệ làm thép đường ray, nghiên cứu hay mua công nghệ nước ngoài về tự làm, hệ thống cung cấp điện và điều khiển cho tàu cao tốc, đầu tư toa xe… Những nghiên cứu như vậy Nhà nước phải đầu tư.

Ba là, Nhà nước giúp cho doanh nghiệp tổng thầu dự án lớn có nhóm nghiên cứu mạnh, hay là cơ chế tổng công trình sư. Hiện, Việt Nam không có mô hình tổng công trình sư. Các dự án lớn mà không có người đứng đầu chịu trách nhiệm và đủ uy tín tập hợp những người giỏi nhất thì không bao giờ làm được sản phẩm tốt, đó là kinh nghiệm ở tất cả các quốc gia.

Chẳng hạn ở Trung Quốc hay Nhật Bản, muốn làm dự án thì phải có một người rất giỏi. Tổng công trình sư này có đủ quyền lực, được tự chủ cao và chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án. Nhà nước giao cho tổng công trình sư quyền lực để có thể tạo được tập thể khoa học mạnh, có như vậy mới làm được những dự án lớn như vi mạch bán dẫn hay điện hạt nhân.

Cần

Nghị quyết đã ban hành, tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao rất quyết liệt, vậy theo ông, làm sao để những nội dung tại Nghị quyết 193 nhanh chóng đi vào cuộc sống?

Nghị quyết 193 đã đề cập đến cơ chế quỹ, Nhà nước bây giờ phải làm ngay là bố trí đủ 3% tổng chi ngân sách cho quỹ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mức chi cho năm 2025 chắc chắn đã bố trí rồi nhưng chắc chỉ dưới 1% (phần bố trí này dành cho danh mục đề tài đã duyệt thì cứ làm bình thường) nhưng giờ phải bố trí thêm hơn 2% tổng chi ngân sách (khoảng 40 nghìn tỷ đồng) và yêu cầu áp dụng ngay cơ chế quỹ cho khoản kinh phí bổ sung này, áp dụng ngay cơ chế khoán chi cho các đề tài. Hình thức khoán là khoán đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán một phần và không truy cứu bất kể trách nhiệm gì nếu nghiên cứu thất bại do yếu tố khách quan, thì người ta mới yên tâm nhận.

Theo tôi, Nhà nước phải mạnh dạn thí điểm. Ví dụ Hà Nội có Luật Thủ đô và thêm Nghị quyết 193 là đã có thể vượt qua một số luật khác, vậy Hà Nội có dám mạnh dạn làm quỹ đầu tư mạo hiểm không. Do vậy, để thí điểm, người đứng đầu địa phương, bộ, ngành phải rất dũng cảm.

Cần

Nghị quyết 57 với nội dung rất bao trùm, toàn diện và có chiến lược lâu dài để phát triển lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam. Theo ông, trước mắt nên tập trung vào những khía cạnh hay trụ cột gì mà Việt Nam có thế mạnh để nhanh chóng phát huy hiệu quả, tạo nền tảng và lan tỏa tới các lĩnh vực khác?

Đó vẫn là ba trụ cột được đề cập nhiều nhưng chưa thay đổi, đó là: đầu tư, cơ chế tài chính và chính sách cán bộ.

Thứ nhất, về đầu tư, phải đảm bảo mức quy định, Luật Khoa học và Công nghệ ghi 2% tổng chi ngân sách hàng năm, nhưng nhiều năm nay ngành tài chính chỉ bố trí được trên dưới 1%. Trong phần đó thì chi thường xuyên, đầu tư đã chiếm khoảng hơn 80%, chi cho nghiên cứu chỉ 10-20%, do vậy không bao giờ đủ nguồn lực cho nghiên cứu.

Thứ hai, cơ chế tài chính phải đổi mới triệt để. Tiền đã ít nhưng lại không tiêu được, năm nào cũng phải trả lại ngân sách nhà nước, kể cả Trung ương và địa phương. Nguyên nhân chỉ vì chậm giao kinh phí, mua sắm phải đấu thầu, mà đấu thầu phải có nhiều báo giá. Đấu thầu xong chỉ chọn hồ sơ có giá rẻ nhất. Chưa kể thanh quyết toán không quan tâm đến kết quả đầu ra, mà chỉ quan tâm hóa đơn, chứng từ và quy trình.

Thứ ba, chính sách với cán bộ phải thay đổi căn bản. Cán bộ khoa học muốn làm doanh nghiệp không được, muốn thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng không được, phụ cấp không có, lương thì thấp, quyền tự chủ cũng không có. Bởi vậy, người ta làm đề tài chủ yếu là để giữ chân cán bộ. Một viện nghiên cứu một năm không có một đề tài cấp Nhà nước hay cấp bộ thì không có tiền để giữ cán bộ.

Vì thế, bây giờ cần sự quyết liệt của các cơ quan cấp cơ sở, cấp trung gian, các bộ, ngành, địa phương, các viện trường, dám làm và bảo vệ người dám làm. Kể cả khi người ta làm không thành công, không ra kết quả mà do nguyên nhân khách quan thì vẫn phải được bảo vệ.

Cần

Bài liên quan
  • Start-up công nghệ bế tắc IPO, kinh tế số chưa thể phát triển
    Nếu không giải quyết được bài toán IPO cho các start-up công nghệ số, khó có thể nói đến thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, của quá trình chuyển đổi số, xây dựng và phát triển nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, công dân số.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Cần "chạy đua" đưa Nghị quyết 193 vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO