Phát biểu tại diễn đàn: “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững”, TS. Trần Văn, Viện trưởng IDS nhấn mạnh báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và người làm chính sách có mối quan hệ hết sức mật thiết với nhau, tham gia tích cực vào việc xây dựng chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
IDS đăng tải nguyên văn bài phát biểu:
Những nguyên tắc cơ bản luật định
Điều 1, Luật Báo chí năm 2016 đã khẳng định báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo chí. Còn Điều 4 thì quy định báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Chính vì lẽ đó, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và người làm chính sách có mối quan hệ hết sức mật thiết với nhau, tham gia tích cực vào việc xây dựng chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Tuy mỗi lĩnh vực, tổ chức hay con người làm việc ở những môi trường khác nhau nhưng lại liên quan đến nhau, bổ trợ cho nhau để hướng tới cùng một mục đích là phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Báo chí là kênh thông tin chính thống đáng tin cậy, luôn định hướng đúng và có ích cho doanh nghiệp, đưa những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới từng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ có được những kết quả sản xuất kinh doanh tích cực có sự góp phần từ những thông tin hữu ích, mang tính dự báo có độ chính xác cao đó. Nhiều doanh nghiệp thông qua kênh báo chí để thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
Báo chí cũng là một kênh thông tin doanh nghiệp quan trọng khi các doanh nghiệp công bố thông tin của mình trên báo chí. Báo chí thực sự là công cụ tiềm năng trong việc xây dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp trong cộng đồng cũng như xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với thị trường, với người tiêu dùng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Đấy cũng chính là cách các cơ quan truyền thông đại chúng tác động lên đời sống kinh tế của từng lĩnh vực, ngành, địa phương hay trong phạm vi cả nước.
Trong thời đại số, ngoài báo chí truyền thống như báo in, radio, truyền hình, đã xuất hiện nhiều loại hình trao đổi thông tin, truyền thông mới theo thời gian thực trên nền tảng internet. Đó là các diễn đàn online, nhóm chat, blog, bình luận, hội nghị trực tuyến, tin nhắn trên nền internet, các nền tảng truyền thông trên mobile… Rồi còn những hình thức trao đổi, thảo luận mang tính xã hội khác, các phong trào, xu hướng, trao đổi kinh nghiệm, thông tin, teleconference với các khu vực vùng sâu, vùng xa, tọa đàm, trao đổi bàn tròn. Ngay như điều tra xã hội học online, qua thư điện tử email… cũng là một kênh thông tin đáng chú ý. Tất cả đều rất phong phú, đa hình đa dạng, thật khó mà có thể liệt kê được hết.
Tóm lại, có nhiều cách tác động qua lại, ảnh hưởng qua lại giữa báo chí, doanh nghiệp và người làm chính sách. Quan hệ báo chí - doanh nghiệp - người làm chính sách có thể được coi là những bộ phận cấu thành không thể tách rời của xã hội, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin, số hóa hoạt động truyền thông. Trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước không thể thiếu được mối quan hệ biện chứng giữa báo chí - doanh nghiệp - người làm chính sách hay thực thi chính sách.
Mong muốn từ thực tế của bản thân
Từ kinh nghiệm của bản thân công tác nhiều năm tại Quốc hội, tôi nhận thấy, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn được gần gũi hơn với báo chí, cung cấp thông tin nhiều hơn cho báo chí để báo chí có thể truyền tải những khó khăn vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị về chính sách, pháp luật tới các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ nhiều và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Báo chí cũng cần giúp doanh nghiệp cập nhật chi tiết, đầy đủ hơn những chính sách pháp luật mới để thực hiện.
Trong các kỳ họp Quốc hội, nhiều tờ báo được lưu hành rộng rãi tại nghị trường, đều được các đại biểu quan tâm, đón đọc, chắt lọc cho mình những thông tin mới, cập nhật nhất từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chuyển tải tới nghị trường, làm luận cứ, dẫn chứng thực tế cho những phát biểu, tham luận của mình tại nghị trường.
Tại trung tâm báo chí, hành lang nghị trường, chỗ nào bạn cũng có thể thấy đại biểu Quốc hội đang trao đổi, chia sẻ thông tin hay trả lời phỏng vấn của báo chí trong bầu không khí thật sự dân chủ. Tôi luôn cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần cởi mở hơn với báo chí, coi báo chí là một kênh thông tin hữu ích hai chiều để vừa tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là trong phân tích đánh giá tác động của dự án luật, vừa là kênh chuyển tải đến doanh nghiệp những cơ chế, chính sách, pháp luật mới ban hành.
Cuối cùng, báo chí có thể tham gia tích cực trong việc truyền thông góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó có thương hiệu, thị trường, và rộng hơn, đó là thương hiệu quốc gia, vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế, hay đóng vai trò phản biện xã hội góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trên con đường phát triển.
Tôi tin tưởng rằng, báo chí, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đang có những hành động thiết thực, cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với nhau ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn vì tương lai xán lạn của đất nước.