(TBTCO) - Việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% rất khó khăn. Số liệu tập hợp từ các ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2022 có khoảng 67% trong số khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất, nhưng lại từ chối nhận hỗ trợ; hoặc đã nhận hỗ trợ rồi chủ động trả lại. Chia sẻ về vấn đề này TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay cả NHTM và khách hàng đều không mặn mà với việc thực hiện gói hỗ trợ này.
PV: Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, lý do khiến việc giải ngân gặp khó khăn là tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một trong các vướng mắc lớn nhất liên quan đến quy định “có khả năng phục hồi” Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Xin ông lý giải rõ hơn tại sao quy định này lại khó thực hiện và gây ra tâm lý e ngại lớn như vậy?
TS. Lê Xuân Nghĩa |
TS. Lê Xuân Nghĩa: Trở ngại lớn nhất đối với việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% nằm ở thủ tục. Gói hỗ trợ này thực hiện theo quy chế về đầu tư công, mà đầu tư công thì bao giờ cũng phải có đủ 3 bước: dự toán, tạm ứng và quyết toán. Những thủ tục này khi áp vào với các khoản vay của NHTM thì trở nên vô cùng phức tạp. Bởi vì khi dự toán, các NHTM rất khó xác định được chính xác đối tượng cho vay, rồi vay với số lượng bao nhiêu, kỳ hạn như thế nào cũng rất khó xác định, từ đó dẫn tới khó lập dự toán. Sau đó khi tạm ứng và quyết toán thì càng phức tạp vì không có lực lượng theo dõi riêng, trong khi các chứng từ, hoá đơn sẽ phát sinh thêm vô cùng nhiều.
Thủ tục quá rườm rà khiến bản thân các NHTM đã không mặn mà ngay từ đầu. Các món vay của NHTM rất lớn, diễn ra hàng ngày và không thể có đội ngũ nhân sự riêng theo dõi các khoản cho vay theo gói hỗ trợ. Vì vậy trên thực tế, khi thực hiện thì các NHTM đã thấy chính sách này không phù hợp với họ, thậm chí còn cản trở công việc của họ.
Vấn đề khác là trong quá trình thẩm định hồ sơ, bản thân các NHTM và cả DN đều rất lúng túng trước câu hỏi “có khả năng phục hồi hay không”. Đó là điều không nên quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Khi đã quy định thành văn bản quy phạm pháp luật thì các yêu cầu đặt ra phải định lượng hoá được, có như vậy bộ máy thực thi mới thực hiện được. Yêu cầu “có khả năng phục hồi” là không phù hợp ngay từ khi soạn thảo văn bản, vì làm thế nào xác định được DN có khả năng phục hồi hay không. Nếu NHTM đánh giá có khả năng, nhưng sau đó do yếu tố khách quan lại không phục hồi được thì sao. Về phía DN cũng vậy, nhỡ bây giờ người ta tự tin là có thể phục hồi, nhưng sau đó lại tiếp tục khó khăn, rồi trong tương lai khi kiểm toán, quyết toán họ bị quy kết là cố tình gian dối để trục lợi thì rất phức tạp. Chưa kể các thủ tục phát sinh thêm đối với DN cũng rất nhiều, chính vì vậy DN cũng không mặn mà gì.
Thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. |
PV: Ngân hàng Nhà nước đang có đề xuất sửa đổi quy định này và giao cho các NHTM phê duyệt khoản vay dựa vào yếu tố đáp ứng điều kiện cho vay, thay vì có khả năng phục hồi. Theo ông, sửa đổi như vậy có đảm bảo giải quyết được vướng mắc hiện nay?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Kiến nghị sửa đổi của NHNN là hợp lý. Khi đó, NHTM và khách hàng không cần xem xét các tiêu chí khác, mà chỉ cần bám sát vào quy định hiện hành về điều kiện cho vay của tổ chức tín dụng. Hiện nay bộ tiêu chí đã được xây dựng đầy đủ và chuyên nghiệp. Hơn nữa, việc cho vay là hoạt động thường xuyên của NHTM, do vậy các NHTM không phải thành lập bộ phận hay đội ngũ nhân sự riêng để theo dõi và thực hiện các khoản vay theo gói hỗ trợ này. Việc thay đổi tiêu chí cũng đồng nghĩa với việc mở rộng cả đối tượng và phạm vi hỗ trợ, tiến hành vào thời điểm này là hợp lý.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã sửa đổi quy định, thì tôi cho rằng việc thực hiện gói hỗ trợ này cũng vẫn rất khó khăn. Vì thứ nhất, các thủ tục cho vay đối với cả NHTM và khách hàng vẫn phức tạp như đã phân tích ở trên. Thứ hai, mặc dù hỗ trợ lãi suất, nhưng trên thị trường lãi suất cho vay đã tăng lên gấp rưỡi, khiến việc hỗ trợ trở nên không nhiều ý nghĩa.
PV: Ngoài sửa quy định pháp lý, NHNN còn đề xuất chuyển nguồn lực từ gói hỗ trợ này sang các chính sách khác đang giải ngân tốt hơn. Theo ông, phương án này có khả thi hơn hay không?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói hỗ trợ này, theo tôi có 2 cách. Thứ nhất, chuyển toàn bộ nguồn lực từ chương trình này sang cho 3 cấu phần đã thực hiện thành công, đặc biệt là cấu phần hỗ trợ từ ngân sách cho người mất việc làm, hoặc hỗ trợ nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, có thể chuyển sang các chương trình cho vay hỗ trợ khôi phục kinh tế thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có chương trình cho vay giải quyết việc làm hiện đang giải ngân rất tốt. Như vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội có thêm nguồn lực để thực hiện cho vay theo nghiệp vụ lâu nay của họ, với đối tượng được mở rộng hơn, do đó có thể hỗ trợ cho nhiều người nghèo và đối tượng chính sách hơn. Với phương án này, nguồn lực được đưa vào đúng địa chỉ cần hỗ trợ và việc giám sát thực hiện cũng thuận lợi.
Nên ổn định lãi suất trước khi nghĩ tới việc hỗ trợ “Mặc dù trong năm vừa qua Ngân hàng Nhà nước chỉ có 2 lần tăng lãi suất điều hành, mỗi lần tăng 1%, song lãi suất cho vay trên thực tế đã tăng gấp rưỡi từ 8-9%/năm lên 12-13%/năm rồi. Trong lúc thanh khoản rất khó khăn, suốt từ quý II, quý III/2022 đến nay doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc vay được là tốt rồi, lãi suất không còn quan trọng, mà thực tế lãi suất từ đó tới nay đã tăng gần như gấp rưỡi, thì việc giảm 2% lãi suất chẳng còn nhiều ý nghĩa. Tôi cho rằng trước khi hỗ trợ lãi suất, các cơ quan điều hành tài chính, tiền tệ phải tìm cách phối hợp để ổn định lãi suất cái đã, rồi hẵng nói tới việc hỗ trợ” - TS. Lê Xuân Nghĩa. |
Thứ hai, vẫn tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không thực hiện quyết toán qua ngân hàng. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng thay vào đó ngân hàng cho vay và giải ngân trong năm 2022 và 2023 được bao nhiêu thì xác nhận cho DN và gửi xác nhận đó cho Bộ Tài chính hoặc Tổng cục Thuế. Như vậy khi quyết toán thuế, DN nào phải nộp thuế thì sẽ được cấn trừ số tiền được hỗ trợ lãi suất trong các hợp đồng mà họ vay từ ngân hàng; DN không có thuế phải nộp, hoặc thuộc tiêu chuẩn chưa nộp thuế thì có thể nhận lại số tiền hỗ trợ từ Tổng cục Thuế thanh toán cho họ. Vì đằng nào DN cũng có tài khoản nộp thuế ở Tổng cục Thuế và thậm chí có thể quyết toán qua mạng được. Như vậy thủ tục quyết toán không còn qua ngân hàng nữa, mà được tiến hành trực tiếp giữa cơ quan thuế với DN thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều và tránh được lo ngại trục lợi.
PV: Xin cảm ơn ông!