Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP ước đạt 10,41%

Đức Nguyễn| 08/08/2022 14:56

Theo thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm 2022 ước tính là 10,41%, trong khi năm 2021 ước đạt 9,6%; số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân...

Sáng 8/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Số liệu tại phiên họp cho thấy, dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ); hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ).

kinh-te-so-2233-1659941193.jpg
Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%, trong khi năm 2021 mới đạt 9,6% (Ảnh: Int)

Về phát triển kinh tế số, xã hội số, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%. Tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân.

Thuế điện tử, hóa đơn điện tử được phổ cập. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%. Người dân tích cực sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công quốc gia trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong 5 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021, trong đó mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất là qua điện thoại di động (tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021) và QRCode (tăng 68,9% về số lượng và 113,2% về giá trị).

Đặc biệt, một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 đã sớm đạt mục tiêu đề ra như tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100%, đạt mục tiêu đề ra; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27%, vượt mục tiêu đề ra là 7%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66%, vượt mục tiêu đề ra là 65%.

Bộ TN&MT được giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thành Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân doanh nghiệp.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, phải ghi nhận những kết quả rất tích cực trong công tác chuyển đổi số thời gian qua, nhưng đây mới là kết quả bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm phía trước, phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng lớn. Theo đó, chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát huy tối đa sức mạnh truyền thống văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam.

Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, thách thức thì càng phải đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc cũng là quan điểm xuyên suốt. Tránh mọi tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia, tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho nhân dân.

Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; tổng kết, kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý, bài học hay, cách làm sáng tạo; chỉ rõ, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực chuyển đổi số và người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây.

Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số, trong đó có hợp tác công tư; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Việc chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”; đi nhanh nhưng chắc chắn, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn và cần được thực hiện một cách thực chất để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không cầu toàn, không nóng vội.

Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, "không đánh trống bỏ dùi". Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít (mới gần 18%), hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp.

Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, hướng dẫn, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP ước đạt 10,41%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO