Trước động thái hạn chế đầu tư ra nước ngoài của các nước, Việt Nam cần làm gì để giữ 'sóng' FDI?

Nhật Linh| 26/01/2024 09:04

Liệu rằng dòng vốn FDI có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2024 khi cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trong khu vực ngày càng gay gắt, trong khi nhiều nước lớn có động thái hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước.

Năm 2023, Việt Nam chứng kiến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư,… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật là Nvidia (Hoa Kỳ) được đánh giá là tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới cam kết đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Tập đoàn.

Điểm đến hấp dẫn FDI toàn cầu

Hana Micron – tập đoàn chuyên về sản xuất chất bán dẫn và đóng gói chip từ Hàn Quốc khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD. Hay LG Innotek (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử… Đây hứa hẹn sẽ là những dự án thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

-7496-1706171467.jpg
Động thái mới của nhiều quốc gia lớn về việc hạn chế đầu tư ra nước ngoài đang trở thành thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), nhận định chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, cơ hội hình thành làn sóng FDI thứ tư.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Chuyến đi của ông Biden cũng mang đến một số thương vụ kinh doanh lớn. Đơn cử, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận mua 50 máy bay Boeing 737 Max, trị giá khoảng 10 tỷ USD.

Trước đó, FDI của Mỹ vào Việt Nam được nhìn nhận là rất khiêm so với các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến cuối năm 2022, tổng số vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam là 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam. Hiện Việt Nam muốn chuyển hướng từ các ngành thâm dụng lao động truyền thống như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

“Sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt là các công ty chiếm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn, AI, sẽ rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đất nước”, ông Huy đánh giá.

Tiếp đó vào tháng 11/2023, Nhật Bản và Việt Nam đã quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước đã chia sẻ nhận thức chung về tính cấp thiết trong việc thúc đẩy các dự án kinh tế lớn, bao gồm các dự án sử dụng nguồn ODA và FDI của Nhật Bản, khẳng định sẽ xác định cụ thể các dự án này sớm nhất có thể, từ đó nghiên cứu khả năng thiết lập các nhóm công tác điều phối giữa hai chính phủ để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn. Việc nâng cấp quan hệ song phương được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thu hút dòng vốn Nhật vào Việt Nam.

Theo khảo sát của Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với FDI toàn cầu. Việt Nam là điểm đến FDI lớn thứ 2 của Nhật Bản trong 6 năm liên tiếp.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, các tổ chức có uy tín, cộng đồng các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đồng thời nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khuôn khổ các đoàn công tác tại nước ngoài, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó truyền tải thông điệp về một Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, lãnh đạo các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore… đã tổ chức nhiều hoạt động tiếp xúc, kết nối doanh nghiệp trong khuôn khổ các chuyến thăm tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Nhưng đối mặt thách thức mới

Trong báo cáo mới đây, ông James Cheo, Trưởng bộ phận đầu tư Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ Ngân hàng Tư nhân Toàn cầu của HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2024. Sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ đến từ sự kết hợp giữa chi tiêu tiêu dùng và đầu tư. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ có thể vẫn sẽ tiếp tục vào năm 2024, hỗ trợ ngành sản xuất của Việt Nam.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam có thể đối mặt trong năm 2024 như: Bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài. Đồng tiền của Hàn Quốc, Nhật Bản bị mất giá 20-25% nên ảnh hưởng đến đầu tư ra nước ngoài của hai đối tác lớn nhất này.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.

Cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, việc các nước tiến tới áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm mất đi vai trò của những hình thức ưu đãi truyền thống (như ưu đãi về thuế, đất đai…) trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá liên quan đến các chính sách về tài chính, chứng khoán, tiền tệ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để tạo động lực đột phá và phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới; Sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Thêm vào đó, Việt Nam cần chọn những lĩnh vực đột phá như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trung tâm tài chính, sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo... từ đó, định vị các tập đoàn đa quốc gia tiềm năng có công nghệ, có nguồn lực tài chính trong các lĩnh vực trên thông qua các kênh có tầm ảnh hưởng đến người ra quyết định đầu tư để chủ động tiếp cận, trao đổi và mời gọi đầu tư vào Việt Nam.

Bài liên quan
  • Giữ dòng vốn FDI không đổi chiều
    Cùng với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, Việt Nam sẽ thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia. Đây là giải pháp quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài không đổi chiều.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Trước động thái hạn chế đầu tư ra nước ngoài của các nước, Việt Nam cần làm gì để giữ 'sóng' FDI?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO