Tín dụng có dấu hiệu tăng chậm lại

Vân Linh| 16/08/2024 07:54

Nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 6%, nhưng chậm lại trong tháng 7/2024. Dẫu vậy, các ngân hàng vẫn kỳ vọng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện tích cực từ nay đến cuối năm.

Tăng trưởng chậm trong tháng 7

Trong cuộc họp mới đây với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức có khả năng tăng trưởng.

Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc và đạt mức 6% vào cuối tháng 6 trước khi giảm còn 5,3% vào ngày 17/7.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc tín dụng tăng tốc trong 2 quý đầu năm và tăng trưởng chậm lại trong tháng 7/2024 là phù hợp với xu hướng tăng trưởng tín dụng.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm trong nửa đầu năm nay và tín dụng chỉ mới cải thiện trong tháng cuối quý II/2024. Nguyên nhân do tính chất mùa vụ trong quý đầu năm và sức cầu thị trường còn yếu, thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục. Vì thế, theo ông Huân, khả năng tín dụng năm nay tăng trưởng 11-12%.

NHNN đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp trong phát triển tín dụng. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, phải xem xét để tăng nguồn cung ở thị trường nội địa để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Thực tế cũng cho thấy, với những mục tiêu, giải pháp, dự báo được đưa ra cho năm 2024 và kết quả thực hiện trong những tháng đầu năm, có thể thấy, để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng 14-15% như mục tiêu NHNN đặt ra, trong những tháng còn lại của năm 2024, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nửa cuối năm, nhưng vẫn kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng.

Kỳ vọng nửa cuối năm

Tuy còn khó khăn, song ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho rằng, ngân hàng không muốn giảm nhịp tín dụng, nên phải tính toán, cân đối chi phí để đưa vốn rẻ ra thị trường. Do đó, ACB phải kiểm soát chi phí đầu vào ở mức phù hợp để có thể giảm lãi suất đầu ra, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Trong quý II/2024, tín dụng của ACB tăng gấp đôi so với quý đầu năm nay và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới.

Bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Phân tích (Chứng khoán Shinhan Việt Nam) cũng cho rằng, trong bối cảnh tiêu dùng nội địa yếu, bất động sản gặp nhiều khó khăn…, nên tín dụng tăng trưởng chậm trong 5 tháng đầu năm 2024 và nửa đầu năm và còn cách xa mục tiêu 15% của cả năm 2024. NHNN đã có Văn bản số 4662/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 đạt 6%. Bên cạnh đó, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn cũng vừa được chấp thuận kéo dài đến ngày 31/12/2024, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới. Đồng thời, các ngân hàng thương mại tung ra nhiều gói cho vay ưu đãi với lãi suất cho vay bình quân giảm khoảng 0,2% so với tháng trước và giảm gần 1% so thời điểm cuối năm 2023. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng hoạt động cho vay.

Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank đánh giá, sự hồi phục của nền kinh tế trong nửa cuối năm rõ nét hơn so với nửa đầu năm, nên sức hấp thụ vốn sẽ tốt hơn. Khách hàng mới sẽ có nhu cầu vay vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng được chứng minh qua tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng trở lại trong quý II/2024 sau khi tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm nay. Số liệu của NHNN cho thấy, tín dụng đến cuối tháng 6/2024 đạt mức tăng trưởng kỳ vọng.

Thực tế, các tổ chức tín dụng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng với mức lãi suất vay rất thấp, song một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi, nợ xấu có nguy cơ tăng cao.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC..., thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%. Phó thống đốc cho rằng, nợ xấu là vấn đề lớn, bởi đây là hệ quả của cả quá trình. NHNN cũng sẽ có các biện pháp xử lý tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn ngân hàng.

Bài liên quan
  • Tác động của Thông tư 12 đến tăng trưởng tín dụng
    Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định, theo đó các khoản vay tiêu dùng không quá 100 triệu đồng không cần lập phương án sử dụng vốn khả thi. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024, đồng thời giúp kiểm soát và giảm thiểu tín dụng đen trong bối cảnh sức cầu tín dụng từ khu vực hộ gia đình vẫn đang yếu trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng có dấu hiệu tăng chậm lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO