Lãi suất, tỷ giá liên tục nóng lên là một trong những mối bận tâm lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trao đổi xung quanh vấn đề này.
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia |
Thưa ông, tâm điểm thị trường tài chính Việt Nam tuần qua là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới biên độ giao dịch và tăng tỷ giá trung tâm. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của NHNN?
Mỗi quốc gia đều lựa chọn một cơ chế điều hành tỷ giá khác nhau, có nước chọn cơ chế tỷ giá cố định, có nước chọn cơ chế thả nổi hoàn toàn, có nước lại áp dụng cơ chế thả nổi có điều tiết. Việt Nam đang áp dụng cơ chế thả nổi có điều tiết thông qua 2 thông số: tỷ giá trung tâm và biên độ giao dịch. NHNN làm chủ tỷ giá trung tâm, tính toán sao cho tỷ giá đó phục vụ nhiều mục tiêu của nền kinh tế. Còn biên độ giao dịch do NHNN đặt ra, tỷ giá giao dịch biến động trong biên độ này, tùy cung - cầu thị trường.
Mới đây, NHNN đã nâng biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%. Việc thu hẹp, mở rộng biên độ tỷ giá, hay nâng tỷ giá trung tâm là câu chuyên mang tính nghiệp vụ và kỹ thuật của NHNN trong điều hành tỷ giá. Trong quá khứ, vào giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, NHNN đã nhiều lần tăng biên độ giao dịch từ +-1% lên +/-3%, rồi lên +/-5%. Sau khi khủng hoảng đi vào giai đoạn cuối, NHNN lại điều chỉnh giảm biên độ tỷ giá xuống.
Đến năm 2015, khi đồng tiền nhiều quốc gia trên thế giới mất giá, NHNN lại tăng biên độ từ +/-1% lên +/-3% và mới đây nâng lên +/-5%. Sau khi NHNN điều chỉnh biên độ giao dịch, tỷ giá thị trường có tăng lên, NHNN sẽ theo dõi sát thị trường và quyết định tỷ giá trung tâm bao nhiêu là hợp lý.
Việc điều chỉnh tỷ giá lần này, theo ông, sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế?
Lựa chọn biên độ tỷ giá lớn hơn có nghĩa là chúng ta chấp nhận thị trường sẽ có sự biến hóa, linh hoạt hơn giữa cung và cầu. Tuy vậy, với tư cách là ngân hàng trung ương, là người mua bán cuối cùng trên thị trường, NHNN sẽ có sự can thiệp để tỷ giá đạt trạng thái tối ưu.
Tối ưu có nghĩa là các cân đối của nền kinh tế được thỏa mãn. Cụ thể là bảo đảm tác động vào chi phí nhập khẩu không quá lớn dẫn tới tác động vào lạm phát, đảm bảo sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo không tác động quá lớn đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài (FDI và FII), đến dòng kiều hối, xếp hạng tín nhiệm quốc gia…
Các ngân hàng cố gắng để mặt bằng lãi suất cho vay không quá cao, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là để bảo vệ sự an toàn của chính mình. Ảnh: Đức Thanh |
Ông từng nói, ổn định tỷ giá là “phòng tuyến sông Cầu”, ngăn sự nhập khẩu lạm phát từ thế giới. Với những sự điều chỉnh mới đây của NHNN, tỷ giá đã tăng mạnh kể từ đầu năm, phòng tuyến tỷ giá có bị lung lay không, thưa ông?
Với tư cách nhà nghiên cứu, tôi luôn khuyến nghị là phải giữ phòng tuyến tỷ giá, để tiền đồng không bị mất giá quá nhiều.
Nếu xét về so sánh tương quan song phương, VND đang có lợi thế ổn định so với USD do lạm phát Việt Nam thấp hơn Mỹ và lãi suất cao hơn Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn, dòng vốn đầu tư đang tìm cách trú ẩn vào USD, thì việc điều hành tỷ giá không chỉ căn cứ vào hai yếu tố này. Bối cảnh hiện nay buộc Việt Nam phải lựa chọn linh hoạt hơn.
Thời gian qua, chúng ta đã ứng biến khá tốt. So với các năm trước, tỷ giá năm nay điều chỉnh mạnh, song so với tương quan các nước khác, thì VND vẫn là một trong những đồng tiền có mức mất giá ít nhất so với USD.
Tất nhiên, so với các nền kinh tế khác, nền tảng kinh tế vĩ mô của chúng ta ổn định hơn nhiều: lạm phát năm nay có thể kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng GDP dự báo khoảng 8%, nợ nước ngoài không quá lớn... Từ nay đến cuối năm, Chính phủ đốc thúc giải ngân đầu tư công, cải cách thể chế…, càng cho ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn.
Giữ phòng tuyến tỷ giá hẳn là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của ngân hàng trung ương các quốc gia, không chỉ Việt Nam. Vậy tại sao thời gian qua, nhiều quốc gia để nội tệ mất giá sâu so với USD như vậy?
Một khi đồng nội tệ mất giá lớn, lạm phát sẽ tràn vào, đó là lý do các nước đều cần “phòng tuyến” tỷ giá. Ngân hàng trung ương các nước đều biết tầm quan trọng của phòng tuyến tỷ giá, vấn đề là có giữ được hay không.
Xét về lý thuyết, quốc gia nào tăng lãi suất thì sẽ hỗ trợ cho sức mạnh của đồng nội tệ, giúp đồng nội tệ không bị mất giá nhiều so với USD. Thực tế giai đoạn qua, khi Mỹ tăng lãi suất, các quốc gia khác cũng tăng lãi suất rất mạnh, nhưng nội tệ vẫn mất giá nhiều so với USD. Cụ thể, đồng yên Nhật mất giá trên 30%, won Hàn Quốc mất giá trên 20%, euro của châu Âu và bảng Anh cũng mất giá rất sâu so với USD. Trong khu vực Đông Nam Á, các đồng tiền mất giá phổ biến ở mức 10-15%.
Trong nỗ lực kiểm soát lạm phát, tỷ giá và lãi suất được các nước phối hợp chặt chẽ. Các quốc gia nâng lãi suất vừa để chống lạm phát, vừa để đồng nội tệ không bị mất giá quá sâu so với USD. Tuy vậy, do lạm phát tăng nhanh và thế giới bất ổn, dòng vốn đầu tư toàn cầu lại có xu hướng trú ẩn vào USD - đồng tiền có tỷ lệ dự trữ cao nhất thế giới - khiến USD quá mạnh, đồng nội tệ các quốc gia khác đều không thể địch nổi dù có tăng lãi suất.
Nói cách khác, đây là cuộc chiến không cân sức giữa USD và các đồng tiền khác trên thế giới. Lý do là dù Mỹ và các nước đều phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, các cân đối vẫn tốt, chưa kể dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng đang đổ xô vào USD.
Việc đồng nội tệ các nước mất giá hàng loạt giai đoạn hiện nay có giống thời kỳ khủng hoảng 2008-2009 không, thưa ông?
Cuộc chiến tỷ giá hiện nay khác với giai đoạn 2008-2009. Cụ thể, giai đoạn 2008-2009, dòng vốn toàn cầu có xu hướng tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi, nên các nước mới nổi đua nhau chủ động giảm giá nội tệ để ngăn sự tháo chạy của dòng vốn.
Còn giai đoạn hiện nay, nội tệ các quốc gia mất giá không xuất phát từ hiện tượng tháo chạy dòng vốn, mà từ nguyên nhân lạm phát. Các quốc gia không muốn phá giá nội tệ, thậm chí muốn nâng sức mạnh của đồng nội tệ so với USD, nhưng vẫn liên tục mất giá do không địch nổi sức mạnh của USD.
Bên cạnh tỷ giá, lãi suất đang là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp nước ta hiện nay. Làm sao để mặt bằng lãi suất cho vay không tăng lên quá nhanh trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tăng mạnh như hiện nay?
Cơ sở của tăng lãi suất là lạm phát. Nếu lạm phát không tăng nhiều, thì lãi suất có thể tăng, nhưng liều lượng chỉ vừa phải.
Tất nhiên, chưa thể nói trước điều gì. Song chắc chắn, lãi suất cho vay tăng nhanh, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ đội lên, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó và nguy cơ nợ xấu cũng tăng lên. Giai đoạn 2008 và 2009, toàn nền kinh tế đã phải trả giá khi lãi suất cho vay tăng cao kéo theo nợ xấu ngân hàng tăng đột biến giai đoạn năm 2012 và những năm sau đó.
Dĩ nhiên, nước lên thì thuyền lên, lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay không thể đứng im. Song các ngân hàng cố gắng để mặt bằng lãi suất cho vay không quá cao, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là để bảo vệ cho sự an toàn của chính mình. Thực tế, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ người vay. Tôi tin rằng, hệ thống sẽ có cách để mặt bằng lãi vay không bị tăng quá nhiều thời gian tới.
Vừa manh nha phục hồi, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn bởi áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất… Theo ông, cần có những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?
Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Theo tôi, việc đầu tiên là cần đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ này để tạo sức lan tỏa, giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
Thứ hai, thị trường vốn nước ta (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…) thời gian qua nảy sinh một số vấn đề cần chấn chỉnh. Chúng ta cần tạo ra một thị trường thông suốt, công khai minh bạch để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, chúng ta đang nỗ lực chống lạm phát, nhưng cũng cần phải duy trì lãi suất và tỷ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trong giai đoạn này, rất cần sự chia sẻ lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân.