Sáng 12.5, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số quốc gia”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số; TS. Trần Văn, Phó Tổng Biên tập Thường trực báo Sài Gòn Giải phóng Nguyễn Nhật đồng chủ trì toạ đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, tại Kỳ họp thứ Năm tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử; xem xét, cho ý kiến một số dự án Luật như dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là những luật quan trọng, liên quan đến quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế và lĩnh vực cụ thể như ngân hàng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mong muốn chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, fintech, viễn thông... sẽ đóng góp nhiều ý kiến giá trị về các chính sách chuyển đổi số. Đây sẽ là những thông tin quan trọng để phục vụ cho quá trình xây dựng các chính sách về chuyển đổi số và hoàn thiện các dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã cho ý kiến về các quy định mới về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, bổ sung việc giao Chính phủ có các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển các ngân hàng số từ các fintech nhìn từ mô hình thành công của các quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Anh...
Các đại biểu cũng đã trao đổi sâu về khung pháp lý cho ứng dụng công nghệ mới trong dự thảo Luật vốn đang kìm hãm đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số lĩnh vực tài chính ngân hàng, fintech trong bối cảnh hệ thống tài chính quốc tế đang đối mặt với nhiều tiềm ẩn bất ổn, đa cực hóa và chiến tranh khu vực nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu thảo luận về vấn đề bảo đảm bí mật thông tin hay chính sách quản lý dịch vụ OTT viễn thông để cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động trên nền tảng Internet mở, không thu phí, ảnh hưởng đến doanh thu của các dịch vụ tin nhắn và thoại không thu phí truyền thống. Vấn đề quản lý, cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam làm sao để không ảnh hưởng đến lợi ích mà các dịch vụ này mang lại cho nền kinh tế, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam cũng được đặt ra.