Thu hút đầu tư bán dẫn ‘nóng’ lên ở châu Á, cơ hội nào cho Việt Nam?

Lê Hoàng| 16/10/2024 08:06

(KTSG Online) - Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) liên quan đến các công đoạn sản xuất bán dẫn đang là chiến lược trọng tâm được chính phủ các nước ASEAN đưa ra thời gian qua. Do đó, để gia nhập cuộc đua và trở thành tâm điểm trong chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và đẩy nhanh thủ tục hành chính.

Các nước ASEAN đang đua thu hút đầu tư bán dẫn. Ảnh minh họa: TL

Cuộc đua của các nước ASEAN

Căng thẳng Mỹ - Trung về thương mại, công nghệ đã định vị ASEAN như một giải pháp thay thế cho xu hướng đa dạng hóa nhập khẩu đầu vào và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là lĩnh vực bán dẫn.

Do đó, các nước trong khu vực đang tích cực đầu tư cũng như thu hút vốn ngành công nghiệp bán dẫn để có thể tự chủ, gia tăng giá trị sản xuất và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, cuộc đua đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực này của các nước cũng quyết liệt hơn.

Malaysia đã công bố chiến lược bán dẫn quốc gia với chính sách ưu đãi thuế lên tới 25 tỉ ringgit (5,3 tỉ đô la Mỹ) nhằm đưa nước này trở thành trung tâm trong ngành sản xuất chất bán dẫn ở châu Á trong thập kỷ tới. Với chiến lược này, Kuala Lumpur nhắm tới mục tiêu đầu tư hơn 106 tỉ đô la cho thiết kế mạch tích hợp, địa điểm đóng gói hiện đại, cũng như các nhà máy sản xuất tấm bán dẫn và thiết bị bán dẫn từ FDI.

Chính phủ nước này lên kế hoạch xây dựng khu phức hợp thiết kế mạch tích hợp lớn nhất ASEAN và sẽ đưa ra các ưu đãi, bao gồm giảm thuế, trợ cấp và miễn thị thực để thu hút các công ty công nghệ và nhà đầu tư toàn cầu. Để đáp ứng nguồn nhân lực, Malaysia đã lên kế hoạch đào tạo lao động có trình độ cao gồm 60.000 kỹ sư trong 5-10 năm tới.

Trong khi đó, Singapore đang tìm cách mở rộng sản xuất nhiều loại chip cho điện thoại di động hoặc máy tính thông qua các chính sách và ưu đãi. Theo Channel News Asia, Cơ quan quy hoạch công nghiệp của chính phủ Singapore JTC cho biết đang chuẩn bị thêm 11% quỹ đất tại các khu chế tạo wafer, nhằm thu hút các công ty bán dẫn hàng đầu và thúc đẩy làn sóng AI.

Khi cạnh tranh trong khu vực ngày càng nóng lên, Singapore cũng đang chuyển sang các cách tiếp cận khác để thu hút doanh nghiệp. Ngoài việc đảm bảo cơ sở hạ tầng ổn định cho các nhà máy sản xuất chip, một số chiến thuật được chính phủ Singapore sử dụng như cung cấp các dịch vụ miễn phí, thiết lập các chuỗi cung ứng F&B, dịch vụ bán lẻ và cả dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Còn Indonesia tuyên bố đang thực hiện các bước để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn của riêng mình. So với các quốc gia khác, đất nước vạn đảo này có lợi thế chiến lược về nguồn nguyên liệu thô dồi dào là cát silic, một thành phần quan trọng trong sản xuất tấm bán dẫn.

Ngoài ra, Indonesia đứng thứ ba về sản lượng thiếc toàn cầu và đứng đầu về sản lượng niken, cả hai đều rất quan trọng trong quá trình lắp ráp và đóng gói các thiết bị bán dẫn.

Không chỉ trong khu vực, các quốc gia khác có tính cạnh tranh thu hút FDI như Ấn Độ cũng thể hiện tham vọng trở thành một cường quốc sản xuất chip. Quốc gia này đang chi hàng tỉ đô la để tạo ra hệ sinh thái cho sản xuất chip và bắt đầu cung cấp các khóa học cho kế hoạch đào tạo 85.000 kỹ sư trong vòng 5 năm.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Tại Việt Nam, sau khi Chính phủ có nhiều hoạt động thúc đẩy đầu tư vào linh vực này, nhiều tập đoàn lớn cũng bày tở sự quan tâm và các địa phương cũng sẵn sàng kế hoạch đón nhận. Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ cao dần hoàn thiện.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI.

Marvell đang đẩy mạnh thiết kế chíp ở Việt Nam. Ảnh: LH

Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao. Với lực lượng trẻ nhiệt huyết, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được đánh giá cao, rất thuận lợi để phát triển công nghiệp bán dẫn.

Đáng chú ý gần đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong ngành hàng tỉ đô này.

Trong nỗ lực thu hút FDI để phát triển công nghiệp bán dẫn, Việt Nam còn có lợi thế về trữ lượng đất hiếm lớn trên thế giới. Đây được xem là "nguồn lực chiến lược" để đảm bảo cho tương lai khi công nghiệp bán dẫn phụ thuộc lớn vào tài nguyên này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội này chỉ có thể mở ra nếu thực sự đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực, hạ tầng sản xuất và cải thiện thủ tục hành chính hơn nữa.

Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê Công nghiệp Savills nhìn nhận, nhu cầu đầu tư đang kéo theo sự gia tăng tìm kiếm nhà xưởng, khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng, dịch vụ của ngành bán dẫn tốt. Trong đó, quan trọng nhất là nguồn điện ở các khu công nghiệp phải ổn định.

Cũng lo lắng về việc thiếu điện cục bộ, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam lưu ý, nếu địa phương không có nguồn điện đầy đủ và ổn định thì rất khó thu hút các nhà đầu tư bán dẫn. Bởi lẽ sản phẩm chip và chất bán dẫn có giá trị rất cao. Trong quá trình sản xuất, nếu mất điện đột ngột thì dây chuyền sản xuất sẽ phải làm lại hoàn toàn và mất cả tuần, gây tổn thất lớn với doanh nghiệp.

Mặt khác, ưu thế của Việt Nam là nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ. Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển nhanh, các doanh nghiệp than phiền đang thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt là khâu nghiên cứu, thiết kế và quản lý sản xuất.

Nhân sự cho ngành bán dẫn đang thiếu trầm trọng. Ảnh: LH

TS. Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch Marvell, nhà đầu tư đến từ Mỹ đang đẩy mạnh mở các trung tâm R&D chip ở Việt Nam cho biết, để đủ lực lượng nhân sự cho thiết kế chip, Marvell đang phối hợp các trường để đào tạo. Nhưng việc đào tạo cần phải có thời gian. Do đó, bên cạnh đẩy mạnh ở trường học, theo ông, cần sự hợp tác với tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để xây dựng những chương trình đào tạo chuyên sâu.

Đất nước cũng thiếu công nghiệp hỗ trợ cho ngành bán dẫn, điện tử và cần thời gian và nguồn lực để xây dựng được một chuỗi cung ứng có khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực. So với Singapore và Malaysia, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ cho ngành đi trước Việt Nam hàng chục năm.

Mặt khác, theo các nhà đầu tư, chính sách của Việt Nam rất tốt nhưng khâu triển khai chính sách chưa thực sự quyết liệt. Do vậy, các nhà đầu tư kiến nghị cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, ban hành các hướng dẫn đơn giản dễ thực hiện để bất kể doanh nghiệp đầu tư thuộc lĩnh vực bán dẫn, dù lớn hay nhỏ đều nhận được ưu đãi từ các chính sách.

Thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo tăng trưởng hai con số trong những năm tới và đạt 1.000 tỉ đô vào năm 2030. Hiện tại, thị trường châu Á đang chứng kiến một cuộc đua thu hút FDI giữa các nước. Cánh cửa phát triển công nghiệp bán dẫn vẫn rộng mở với Việt Nam nếu giải quyết và tháo gỡ những lo ngại và vướng mắc trên của nhà đầu tư.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư bán dẫn ‘nóng’ lên ở châu Á, cơ hội nào cho Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO