HSBC hạ dự báo lạm phát 2023 của Việt Nam xuống 2,6% và lãi suất điều hành giảm về 4% trong quý 3

Công Minh| 20/06/2023 11:26

Ngày 19/6, HSBC Việt Nam phát hành báo cáo với chủ đề “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Quá tam ba bận?” đưa ra kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành thêm một đợt cắt giảm lãi suất 0,5% trong quý 3/2023 nhằm hỗ trợ thêm cho tăng trưởng....

Tuy nhiên, chuyên gia ngân hàng này cũng cho biết khả năng không có thêm đợt cắt giảm lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2023 nếu như tăng trưởng "chạm đáy" và bật trở lại sớm hơn kỳ vọng.

DỰ BÁO LẠM PHÁT 2023 LÀ 2,6% VÀ TĂNG TRƯỞNG 5% 

Bộ phận phân tích Ngân hàng HSBC cho biết năm 2023 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều rủi ro gia tăng làm chậm tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Quyết định giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp trong quý 2 cho thấy vai trò chủ chốt của tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thông qua giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước muốn giảm chi phí tài trợ vốn cho doanh nghiệp và hộ gia đình; từ đó, khuyến khích môi trường kinh doanh và hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng.

Sau khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng của quý 1/2023 giảm mạnh xuống còn có 3,3% so với cùng kỳ năm trước, Việt Nam tiếp tục chuẩn bị cho những khó khăn lớn hơn. Mặc dù các chỉ số mới nhất cho thấy tình hình không đến nỗi xấu đi, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu "chạm đáy" để bật trở lại.

Bên cạnh sự cấp thiết trong hỗ trợ tăng trưởng, động thái mới của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phản ánh hai cân nhắc. Một mặt, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì tâm thế tích cực về triển vọng lạm phát, một lần nữa khẳng định "lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát."

“Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% hồi đầu tháng 5, vốn thường tác động lên lạm phát sau một tháng, cũng tạo ra rủi ro tăng lạm phát nhưng trong tầm quản lý được. Trước những diễn biến gần đây, chúng tôi giảm dự báo lạm phát năm 2023 xuống 2,6%, trước đây là 4%,” chuyên gia HSBC cho biết.

Cũng theo HSBC, một vấn đề khác Ngân hàng Nhà nước cân nhắc chính là ổn định tiền tệ. Bất chấp đồng USD mạnh lên gần đây, đồng VND vẫn duy trì tương đối ổn định nhờ tình hình tài khoản vãng lai được cải thiện. Trong khi Việt Nam phải hứng chịu những "cơn gió ngược" trong thương mại, tình hình nhập khẩu còn suy giảm nặng hơn xuất khẩu do bản chất ngành sản xuất thiên về nhập khẩu.

Theo đó, thặng dư thương mại bình quân một tháng trong năm 2023 đã tăng gấp đôi lên 2 tỷ USD. Mặc dù vậy, chuyên gia HSBC khuyến cáo diễn biến của cặp tỷ giá USD-VND vẫn cần theo dõi sát sao vì FED nhiều khả năng chưa hoàn tất chu kỳ thắt chặt.

“Tựu chung lại, chúng tôi giảm nhẹ dự báo tăng trưởng năm 2023 từ 5,2% xuống 5% sau khi xem xét mức độ suy giảm thương mại kéo dài và ảnh hưởng sâu rộng hơn kỳ vọng. Giờ đây, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi đáng kể từ quý 4, với sự hỗ trợ hơn nữa về chính sách tiền tệ. Sau khi giảm tổng cộng 1,5% trong quý 2, chúng tôi kỳ vọng sẽ còn một đợt giảm 0,5% nữa trong quý 3/2023. Động thái này nhiều khả năng sẽ đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4%, đảo ngược những nỗ lực thắt chặt trong năm 2022 đồng thời tương đương với mức giảm lãi suất trong suốt đại dịch,” chuyên gia HSBC dự báo.

ĐẨY MẠNH DU LỊCH, DỊCH VỤ ĐỂ GIỮ TĂNG TRƯỞNG

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, sự suy yếu thể hiện trong nhiều ngành hàng. Tất cả các ngành hàng chính như điện tử tiêu dùng, dệt may/da giày, máy móc và đồ nội thất gỗ đều sụt giảm mạnh ở mức hai con số, chưa thấy dấu hiệu phục hồi đáng kể.

Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% kim ngạch.

Dù vậy, theo chuyên gia HSBC, bất chấp những khó khăn từ bên ngoài, ngành dịch vụ của Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng, phần nào bù đắp cho những suy yếu nêu trên.

Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa những mặt hàng giá trị cao, ví dụ như ôtô và dịch vụ liên quan đến du lịch. Tính bình quân 3 tháng, doanh thu bán ôtô giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, gần bằng với mức của giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021. Điều đó cho thấy những suy yếu từ bên ngoài đã ngấm vào bên trong, tác động đến tiêu dùng cá nhân.

Điều đáng mừng là lượng khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam có chiều hướng tích cực. Việt Nam đã đón gần 1 triệu du khách trong vòng hai tháng qua, tương đương 70% mức của năm 2019. Có hai nguồn khách du lịch cần lưu ý. Du khách Hàn Quốc đã phục hồi tới 80% của mức trước đại dịch trong khi tỷ lệ này mới chỉ đạt 35% đối với du khách Trung Quốc. May mắn là những nút thắt đang tiếp tục được tháo gỡ.

Việt Nam đã phục hồi các chuyến bay trực tiếp với Trung Quốc đạt khoảng 40% mức của năm 2019, cao thứ nhì trong các nước thuộc ASEAN, chỉ sau Singapore (53%).

Trong khi đó, Quốc hội cũng đang xem xét việc nới lỏng các hạn chế về thị thực vốn được mong đợi từ lâu. Với những nỗ lực thúc đẩy du lịch, Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến một cú hích mạnh hơn trong quý 4/2023, mặc dù hơi trễ so với ước tính ban đầu của HSBC.


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
HSBC hạ dự báo lạm phát 2023 của Việt Nam xuống 2,6% và lãi suất điều hành giảm về 4% trong quý 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO