Luật Quảng cáo hiện hành quy định rõ tại điều 20 về điều kiện quảng cáo: “Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” và “Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó Bộ Công Thương khẳng định thời gian qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688... đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Như thế các quảng cáo dày đặc của Temu là vi phạm Luật Quảng cáo. Chỉ cần nhìn lướt qua cũng thấy ít nhất một tờ báo điện tử thuộc loại lớn nhất Việt Nam có quảng cáo cho Temu. Còn trên các mạng xã hội như Facebook thì quảng cáo cho nền tảng thương mại điện tử Temu xuất hiện liên tục, giới thiệu nhiều sản phẩm với giá rất rẻ để thu hút sự tò mò của người xem.
Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ chưa thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo mà mới chỉ cho ý kiến, góp ý để hoàn thiện dự thảo. Đây là điều đáng tiếc vì dự thảo Luật Sửa đổi đã bổ sung nhiều điểm mới phù hợp với tình hình mới, như bổ sung quy trình quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, bổ sung quy định về quảng cáo trên mạng xã hội. Giả sử những điều luật này đã có hiệu lực, chúng ta dễ dàng xử lý các quảng cáo trên mạng xã hội, các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam.
Hiện nay thị trường quảng cáo đã có một sự dịch chuyển rõ ràng; ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo trên các mạng xã hội, nhà quảng cáo cũng thích chọn các nền tảng này để quảng bá vì độ lan tỏa cao, dễ nhắm trúng đích theo đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ cần tìm kiếm “máy giặt” là ngay sau đó người dùng vào mạng xã hội sẽ bị dội bom các quảng cáo đủ loại máy giặt từ đủ loại thương hiệu. Chính vì vậy Luật Quảng cáo mới phải dành tỷ lệ thích đáng cho các hình thức quảng cáo này, kể cả quy trình đăng ký, xử lý vi phạm, biện pháp chế tài...
Tuy nhiên, khác với quảng cáo trên báo chí được kiểm soát chặt chẽ, trên môi trường mạng xã hội, các quảng cáo sai sự thật, quảng cáo cho hàng giả, quảng cáo mang tính lừa đảo tràn lan, đan xen với quảng cáo bình thường. Trong trường hợp Temu, họ chỉ cần đăng ký hoạt động tại Việt Nam thì các quảng cáo của họ sẽ được hợp pháp hóa nhưng hàng ngàn quảng cáo sai sự thật khác vẫn sẽ ngày đêm gây tác hại đến người dùng trong nước.
Thiết nghĩ cần ưu tiên sớm thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và sau đó mạnh tay phạt thật nặng các mạng xã hội dung túng cho các quảng cáo mang tính lừa đảo để buộc các mạng xã hội này phải trực tiếp chịu trách nhiệm cho nội dung quảng cáo họ đăng tải.
Dự thảo hiện nay chú tâm nhiều hơn đến cơ chế xử lý người nổi tiếng, người có ảnh hưởng quảng cáo trên mạng mà chưa tập trung vào chính các mạng xã hội này. Nhiều nước và khu vực, kể cả EU, Úc, Hàn Quốc, Mỹ... đã nhiều lần phạt Facebook với những khoản tiền rất lớn vì mạng này quảng cáo sai sự thật hay vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Chẳng hạn, cuối năm ngoái, nước Ý phạt Meta, công ty mẹ của Facebook 5,85 triệu euro vì vi phạm lệnh cấm quảng cáo cờ bạc của nước này. Trước đó EU phạt Meta đến 390 triệu euro do sử dụng dữ liệu người dùng để bắn quảng cáo nhắm đích và buộc họ phải chấp nhận.
Chúng ta cũng cần phạt thật nặng các mạng xã hội như thế mới mong ngăn chặn được các quảng cáo cho những dịch vụ chưa đăng ký hợp pháp như Temu và quan trọng hơn, các sản phẩm và dịch vụ mang tính lừa đảo. Các mạng xã hội rất nhanh nhạy trong việc gỡ bỏ các nội dung người dùng đưa lên mà theo họ là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng thì chắc chắn có khả năng lọc quảng cáo lành mạnh và quảng cáo sai trái. Vì lợi nhuận họ vẫn cho quảng cáo sai sự thật hiển thị nên chúng ta phải dùng biện pháp phạt tiền như các nước khác để chấn chỉnh.