Tài chính số tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn

HỒNG ANH| 04/11/2024 14:21

Nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với những diễn biến bất ổn từ bên ngoài và yếu kém nội tại. Một số đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện như doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh càng gặp phải nhiều thách thức, khó khăn hơn trong việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hình thành về mặt nhận thức và xây dựng thể chế để huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Một trong những quan điểm chủ đạo để xây dựng và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện tại Việt Nam là “Ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện”.

Theo Tiến sĩ Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tài chính toàn diện góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo, tăng sinh kế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số được coi là mấu chốt để thúc đẩy tài chính toàn diện.

Ngành ngân hàng đã tăng cường các chương trình giáo dục tài chính toàn diện một cách tích cực, đầu tư kinh phí thỏa đáng; tổ chức lại hệ thống ngân hàng, tài chính vi mô để giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng, thuận lợi hơn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, như ngân hàng di động (mobile banking), đại lý ngân hàng (agent banking), cùng với các sản phẩm, dịch vụ như ví điện tử (e-wallet), tiền di động (mobile money) tạo ra các phương thức giao dịch mới, dễ dàng tiếp cận hơn cho người dân, kể cả những người không có tài khoản ngân hàng sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn tài chính toàn diện.

Đáng chú ý, sự bùng nổ của các giải pháp tài chính công nghệ (Fintech) trong tài chính số đã có một tác động đáng kể đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, làm gia tăng cơ hội mở rộng tiếp cận tài chính cho người dân.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cũng cho thấy, nếu phân chia theo mức thu nhập (đối với nhóm cá nhân) và quy mô (đối với nhóm doanh nghiệp) thì bức tranh về tiếp cận dịch vụ tài chính trên quy mô toàn quốc có sự phân hóa đáng chú ý.

Trong đó, đối với nhóm doanh nghiệp, tình hình sở hữu tài khoản kém hơn qua thời gian ở cả ba nhóm quy mô (nhỏ-vừa-lớn); khoảng cách về tiếp cận dịch vụ tài chính bị kéo dài theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp nhỏ. Đối với nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh (khoảng 5-6 triệu) khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cũng rất hạn chế.

Nghiên cứu của IDS cũng chỉ ra rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở khung pháp lý đối với các doanh nghiệp Fintech. Trong khi nhóm này sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhờ các lợi thế về công nghệ, dữ liệu, chi phí vận hành, cơ hội kinh doanh,… là động lực cho thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn của Thủ tướng nhìn nhận: Các vấn đề rủi ro có thể được hóa giải nhờ sự hợp tác giữa tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống và các đối tác Fintech (không cạnh tranh, hợp tác lấp đầy khoảng trống thị trường,…).

“Vướng mắc lớn nhất hiện nay là khung pháp lý, song điều này nằm trong tầm tay của cơ quan quản lý. Thay vì phải bỏ ra các nguồn lực hữu hình, Nhà nước có thể cùng hợp tác phát triển bằng nguồn lực vô hình là xây dựng khung pháp lý phù hợp sự phát triển của hoạt động ứng dụng công nghệ nói chung và Fintech nói riêng”.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Minh Tú cũng cho rằng, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, khả năng tiếp cận tài chính của các đối tượng mục tiêu đã được cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đang ở phía trước. Do vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.

Đồng thời, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp giai đoạn Chiến lược mới cũng như phù hợp sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ; trong đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế; tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính, nhất là bảo vệ người tiêu dùng tài chính trước các rủi ro do sử dụng tài chính số ■

Bài liên quan
  • Tài chính toàn diện đúng nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
    (HQ Online) - Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, TS. Nguyễn Đức Kiên (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng, Củ tịch Hội đồng khoa học Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cho rằng, cần những giải pháp, chính sách cụ thể và chuyên biệt để các doanh nghiệp này nâng cao khả năng tiếp cận vốn và công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Tài chính số tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO