Rủi ro đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp có lớn như lo ngại?

Huy Ngọc| 22/10/2022 22:54

Khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Đồng nghĩa, rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt”, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định.

Bớt hấp dẫn trong ngắn hạn

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 để lại dấu ấn không mấy tích cực với hàng loạt các vụ khởi tố lãnh đạo cấp cao tại một số tập đoàn lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... Chưa dừng lại ở đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm cũng xử phạt hành chính, buộc thu hồi các lô trái phiếu phát hành với CTCP Tập đoàn VsetGroup, CTCP Tập đoàn Apec Group. Đó còn là vụ việc lô trái phiếu 200 tỷ đồng của VKC Holdings đã tạm ngừng thanh toán lãi (ngày thanh toán kế hoạch ban đầu là 9/9/2022) do có dấu hiệu các sai phạm của HĐQT, ban Tổng giám đốc tiền nhiệm (liên quan nhóm Louis Holdings) đã làm thất thoát tài sản công ty…

rui ro dao han trai phieu doanh nghiep co lon nhu lo ngai
Trong ngắn hạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng

Tất cả những điều đó đã tác động không nhỏ đến niềm tin của các nhà đầu tư, khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên trầm lắng. Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III/2022 chỉ đạt 61.374 tỷ đồng, giảm đến 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

VCBS nhìn nhận, sau giai đoạn 2020-2021 tăng trưởng mạnh, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại khá nhanh. Trong 9 tháng năm 2022, chỉ có 411 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị 244.191 tỷ đồng, giảm gần 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt thị trường còn ghi nhận lượng mua trái phiếu trước hạn lên tới 135.180 tỷ đồng. Lượng mua có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022.

VCBS lý giải, lãi suất điều hành của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tăng nhanh và mạnh trong thời gian ngắn có thể tác động tiêu cực tới các loại tài sản chứng khoán như trái phiếu, cổ phiếu. Với xu hướng tăng lãi suất dự báo sẽ còn tiếp tục trong năm 2023, cộng hưởng với những cảnh báo và vụ việc gần đây với thị trường trái phiếu, “khẩu vị” của nhà đầu tư với trái phiếu sẽ thay đổi đáng kể. Do đó, phần bù rủi ro (chênh lệch giữa tỷ suất lợi nhuận trái phiếu và các tài sản phi rủi ro) để các nhà đầu tư tìm thấy sự hấp dẫn đối với kênh này cũng tăng lên.

Nhìn chung, VCBS cho rằng trong ngắn hạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng với thanh khoản giảm dần.

Trong khi theo các chuyên gia của FiinGroup, nguyên nhân phổ biến của hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn là giảm rủi ro từ áp lực nợ đáo hạn cận kề, trước thực tế các chính sách kiểm soát nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp khó triển khai tiếp dự án. Thời gian quay vòng vốn bị kéo dài khiến doanh nghiệp phải tăng cường mua lại trái phiếu kỳ hạn ngắn để đảm bảo khả năng thanh toán nợ.

Mặt khác, tâm lý lo ngại trước sự kiện Tân Hoàng Minh hồi tháng 4/2022 cũng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản tất toán trước hạn hợp đồng mua trái phiếu theo yêu cầu trái chủ.

Cần sự đồng hành của nhà đầu tư

VCBS ước tính khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn quý IV/2022 đạt 85.000 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản chiếm 27%. Đặc biệt, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng đang lưu hành, có thể kéo theo nhu cầu phát hành để đảm bảo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường.

“Khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Đồng nghĩa, rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt”, VCBS nhận định.

Số liệu từ FiinGroup cũng cho thấy, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm 30/9/2022 ở mức 1,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu do ngân hàng phát hành là hơn 400.000 tỷ đồng, còn lại là trái phiếu phi ngân hàng hơn 920.000 tỷ đồng. Trái phiếu ngân hàng về cơ bản là rủi ro rất thấp. Còn với khối phi ngân hàng thì trong số 920.000 tỷ đồng này, dự nợ trái phiếu bất động sản hiện khoảng 455.000 tỷ đồng. Tổ chức này còn đối chiếu với dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc là 8.000 tỷ USD, chiếm 44% GDP nước này vào cuối 2021, song Trung Quốc vẫn xử lý được sau thời gian 2 năm bất ổn.

Trước các số liệu thực tế đó, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng: “Trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là một vấn đề, nhưng rủi ro do trái phiếu gây ra đối với hệ thống tài chính của Việt Nam là chưa ở mức cao”.

Tuy nhiên trên thực tế, ngoài thị trường cũng có nhiều trái phiếu có chất lượng tốt và rủi ro thấp nhưng vì do tâm lý lo ngại nên nhà đầu tư xếp hàng thực hiện "bond-run" (tháo chạy khỏi trái phiếu), thì dù có doanh nghiệp có rất khoẻ tự dưng cũng có thể thành "xấu", thậm chí vỡ nợ vì bị trái chủ rút trước hạn chứ không phải vì kinh doanh của họ kém đi hoặc dòng tiền yếu.

Thế nhưng việc tháo chạy khỏi trái phiếu tốt sẽ khiến các nhà đầu tư phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất. Vì khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng vỡ nợ toàn bộ hoặc phá sản thì nhà đầu tư trái phiếu sẽ không có thứ tự ưu tiên thanh toán cao.

Do đó, ông Thuân cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cần có được sự chia sẻ và tiếp tục đồng hành của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phát hành cũng cần chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ nợ và minh bạch thông tin. Song song với đó là sự chủ động tham gia của các định chế tài chính trung gian cũng như sự can thiệp “vừa đủ” với các biện pháp cụ thể và rõ ràng hơn từ cơ quan quản lý nhà nước.

Bài liên quan
  • Thủ tướng chỉ rõ '3 tăng cường', '5 đẩy mạnh' trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số
    Chuyển đổi số đã 'đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người', chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo “3 tăng cường”, “5 đẩy mạnh” trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, yêu cầu mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Rủi ro đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp có lớn như lo ngại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO