Theo các chuyên gia, việc chuyển giao những bài học từ những kinh nghiệm về thị trường điện mặt trời mái nhà sang Việt Nam gặp phải nhiều thách thức do sự khác biệt về điều kiện kinh tế, kỹ thuật và thị trường...
Tại tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà: quy chế nào phù hợp?” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 10/5, các chuyên gia đã nhận định rằng mặc dù Việt Nam đã tiếp thu rất nhiều kinh nghiệm quý báu về phát triển điện mặt trời mái nhà từ các quốc gia khác trên thế giới, nhưng vẫn chưa thể áp dụng những kinh nghiệm đó vào thực tiễn.
Cụ thể, nhiều nước trên thế giới đều đã có chính sách mua bán sản lượng điện dư từ điện mặt trời mái nhà. Chẳng hạn như tại Đức, hệ thống điện mặt trời mái nhà lần đầu xuất hiện vào những năm 2000, Chính phủ Đức đã khuyến khích triển khai bằng cách cho phép bán lượng điện dư thừa với giá cố định, hòa vào lưới điện quốc gia.
Bên cạnh đó, trong từng thời điểm Đức cũng áp dụng chính sách giá điện âm (nghĩa là người bán phải trả tiền để công ty điện lực xử lý sản lượng dư thừa), hay như tại Trung Quốc (cụ thể là tỉnh Sơn Đông) mới đây cũng phải áp dụng giá điện âm trong một số thời điểm dư thừa công suất.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Mai, Chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo Việt Nam, việc chuyển giao những bài học từ những kinh nghiệm đó sang Việt Nam gặp phải nhiều thách thức do sự khác biệt về điều kiện kinh tế, kỹ thuật và thị trường. “Việc thực hiện chính sách tính giá điện linh hoạt, thậm chí là giá 0 đồng, vẫn còn phải đối mặt với các hạn chế do Việt Nam chưa có thị trường điện một cách đầy đủ”, bà Mai cho hay.
Phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng hiện đang là vấn đề rất nóng, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các hộ gia đình. Đặc biệt, kể từ thời điểm cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà theo quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực vào ngày 1/1/2021, nhưng đến nay cơ chế mới vẫn chưa được ban hành đã tạo ra “khoảng trống lớn” cho việc phát triển nguồn điện nhiều tiềm năng này.
Bên cạnh đó, tích hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà với công nghệ lưu trữ năng lượng được coi là một giải pháp tiềm năng để giảm thiểu lãng phí điện năng dư thừa. Mặc dù hệ thống lưu trữ này đã trở nên phổ biến trên toàn cầu, nhưng ở Việt Nam, nó vẫn đang ở giai đoạn mới mẻ. Chi phí lắp đặt cùng với công nghệ vẫn còn đắt đỏ, và quan trọng hơn, Việt Nam chưa thiết lập được một cơ chế pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng hệ thống lưu trữ này. Điều này được xem là một trong những rào cản chính đối với sự phát triển của điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam.
Từ góc độ của các doanh nghiệp, ông Phạm Đặng An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vũ Phong, đã nhấn mạnh về sự chênh lệch lớn về giá điện khi được lưu trữ và phát ra so với việc mua trực tiếp. Ví dụ như, trong khi giá mua điện trực tiếp từ EVN chỉ là 3 đồng, nhưng khi chúng ta lưu trữ điện và sau đó phát ra, chi phí khấu hao cho thiết bị lưu trữ thì giá điện có thể tăng lên đến 5 đồng.
“Ngoài ra, việc lưu trữ năng lượng hiện nay đang gặp khó khăn về mặt thương mại vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, công nghệ lưu trữ hiện tại vẫn đắt đỏ ở Việt Nam; và nguyên nhân thứ hai là khó khăn trong việc đánh giá tính kinh tế của việc lưu trữ điện”, ông An chia sẻ.
Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành cam kết giảm phát thải đạt mức 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, 91% lượng phát thải từ các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chủ yếu xuất phát từ lĩnh vực giao thông và năng lượng, nhấn mạnh vai trò quan trọng của giao thông xanh trong việc giảm thiểu phát thải. Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, cần phải xây dựng nền tảng năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng phù hợp, bao gồm cả việc phát triển pin năng lượng cũng như triển khai các trạm sạc năng lượng xanh.
Chính vì vậy, ông An lưu ý rằng việc phát triển các giải pháp lưu trữ điện mặt trời mái nhà sẽ trở nên cần thiết hơn từ việc phát triển giao thông xanh, chứ không chỉ đơn thuần là từ việc cung cấp điện cho các khu công nghiệp.
“Hệ thống điện mặt trời mái nhà, kết hợp với các giải pháp lưu trữ, và việc sử dụng nguồn điện lưu trữ đó cho giao thông xanh sẽ là một giải pháp hữu ích và hiệu quả”, ông An bày tỏ. “Và tôi tin rằng với sự phát triển nhanh chóng của ngành xe điện, nền công nghiệp của chúng ta sẽ sớm đạt được mức độ kỹ thuật và giá cả lưu trữ phù hợp hơn”.
Cùng quan điểm với ông An, bà Mai cũng chia sẻ rằng để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn điện lưu trữ, đã có nhiều doanh nghiệp tiến hành các dự án thí điểm để lưu trữ năng lượng dư thừa và sản xuất pin cho các phương tiện điện tại các khu du lịch. “Ngoài ra, giải pháp tích hợp việc lưu trữ điện mặt trời để sản xuất pin trong lĩnh vực giao thông xanh cũng như đóng góp vào việc thuần thục hóa quá trình lưu trữ điện tại Việt Nam”, bà Mai nói.
Trong tầm nhìn dài hạn, các chuyên gia đã chia sẻ một quan điểm chung rằng công nghệ lưu trữ năng lượng vẫn đang đối mặt với thách thức về chi phí, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc áp dụng pin từ lưu trữ điện mặt trời mái nhà ở quy mô lớn, như làm nguồn điện phụ cho hệ thống quốc gia, vẫn đang phải vật lộn với vấn đề giá thành của công nghệ.
Ngoài ra, việc đầu tư vào công nghệ lưu trữ đòi hỏi một số lượng lớn vốn và nghiên cứu phát triển công nghệ, điều này dẫn đến việc các giải pháp lưu trữ vẫn còn đắt đỏ và khó tiếp cận đối với nhiều doanh nghiệp và quốc gia. Mặc dù Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong công nghệ lưu trữ năng lượng, nhưng vấn đề về chi phí vẫn là một rào cản lớn đối với việc triển khai ở quy mô lớn.