Nỗ lực phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt

Chi Mai| 02/07/2023 19:14

Hội thảo đi sâu vào trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các đối tượng chịu tác động của hoạt động này để làm rõ các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian qua.

 Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Chi Mai)

Ngày 1/7 tại TP Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia đối với đề tài: “Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt: Thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội; ông Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số; ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam…

Hội thảo tổ chức được chia thành 3 phiên gồm: về thực trạng, cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng trước bối cảnh chuyển đổi số; về kinh nghiệm quốc tế và giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam; ý kiến góp ý đối với đề tài nghiên cứu.

Các Ngân hàng thương mại Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ công nghệ mới

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, nhờ có các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành, trong những năm vừa qua, chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng có tốc độ phát triển rất nhanh, nhiều ngân hàng có tỉ lệ giao dịch trên kênh số chiếm đến 94-97% số lượng giao dịch trên kênh số, đặc biệt trong trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng Thương mại Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ công nghệ mới, ngân hàng lõi, ứng dụng API, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở,... Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, với tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua.

Các ngân hàng đã áp dụng mô hình kết nối do ngân hàng làm chủ, kiểm soát (Orchestrator) với các khách hàng của ngân hàng như VietinBank hợp tác cùng Opportunity Network trong cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp, Vietcombank và M-Service hợp tác trong thanh toán chuyển tiền; hợp tác giữa VPBank và Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán số, hay sự kết hợp giữa VIB và công ty Fintech Weezi cung cấp ứng dụng MyVIB Keyboard giúp khách hàng có khả năng chuyển tiền qua mạng xã hội; Techcombank hợp tác cùng Fastcash đưa ra tính tăng F@st mobile giúp chuyển tiền qua Facebook và Google+;…, đồng thời cũng triển khai mô hình tham gia hệ sinh thái đối tác (Partnership) khi ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho các hệ sinh thái như BIDV đã có quan hệ đối tác với VNPT, Viettel, FPT…

Ứng dụng Mobile banking, “Ví điện tử” của nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đóng bảo hiểm, vay thấu chi, vay tiêu dùng… Ngoài ra là những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như: Giao hàng, đặt xe, đặt vé… mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh cá nhân.

Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động. Ngoài ra, đến tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với vơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Số lượng tài khoản cá nhân mở tại các Ngân hàng Thương mại trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 tổ chức tín dụng đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và khoảng 36 ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. …

Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, giá trị thanh toán di động tại Việt Nam dự kiến sẽ lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022, thanh toán số tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 143 tỷ USD tổng giá trị giao dịch tại Việt Nam vào năm 2025.      

Cơ hội, khó khăn, thách thức và giải pháp trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số Hoàng Văn Ninh, việc nghiên cứu Đề tài “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” để xác định định hướng, giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Đây cũng là cơ sở để cung cấp thêm các thông tin, phục vụ cho Ủy ban Kinh tế thực hiện thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 và sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.

Về phần mình, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số Trần Văn cho rằng, khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đã được bổ sung, hoàn thiện; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ các nghị định đến thông tư được ban hành khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại dựa trên ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin, fintech phát triển mạnh, đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi; các công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán (ATM, POS, internet/mobile payment, QR Code, contactless payment, super app của một số fintech...) thu được những kết quả tích cực; tốc độ tăng quy mô giao dịch qua kênh thanh toán hiện đại khá cao, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới...

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, ngành ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số ở lĩnh vực thanh toán, như: hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử chưa hoàn thiện; Chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới rất lớn; Hệ thống công nghệ giữa các ngân hàng chưa đồng nhất; Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngân hàng số còn nhiều bất cập, mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng, trụ máy ATM chưa phân bố đều tại các huyện, thị; Một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ…

Trước thực trạng này, VNBA kiến nghị Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền chú trọng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển ngân hàng số cần được chú trọng và đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó, hoàn thiện dự thảo các Thông tư hướng dẫn khi Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ ban hành; rà soát sửa đổi tạo điều kiện định danh, xác thực điện tử trong ngành Ngân hàng.

Cùng với đó, ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên Internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI); Mobile-Money nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm thanh toán thuận tiện và an toàn hơn.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử - eKYC, cho vay theo phương thức điện tử, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay; Cần xây dựng các chương trình giáo dục tài chính, đặc biệt là lồng ghép các nội dung về an toàn thông tin trên không gian mạng, ứng dụng các dịch vụ tài chính số mới như tiền kỹ thuật số, thanh toán số, fintech; tiến tới xây dựng quy định bảo vệ người tiêu dùng tài chính…

Cuối cùng, các ngân hàng nâng cao công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia chuyên sâu về phân tích, khai thác dữ liệu sử dụng các công nghệ mới như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ Nhân tạo; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn….

Kết thúc hội thảo, ông Hoàng Văn Ninh, Phó Viện trưởng IDS, Chủ nhiệm đề tài thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài cảm ơn các chuyên gia đã có bài tham luận trình bày, đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO